Lợi bất cập hại từ công nghệ nhận dạng khuôn mặt
Không chỉ gây tranh cãi về việc triển khai rộng rãi, nguy cơ nhận nhầm người của công nghệ nhận dạng khuôn mặt cũng gây hậu quả khôn lường.
Theo trang Analytics Insight về công nghệ (Ấn Độ), một công dân Mỹ bị nhầm lẫn là người lấy trộm đôi vớ từ một cửa hàng bách hóa TJ Maxx (Mỹ) dù thực tế vào thời điểm đó, anh đang ở bên cạnh người vợ sắp sinh.
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSI) vào năm 2020 cho thấy khi sử dụng những hình ảnh rõ ràng, ổn định, như ảnh hộ chiếu hoặc ảnh chụp, các thuật toán nhận dạng khuôn mặt có thể đạt được tỉ lệ chính xác lên đến 99,97% trong cuộc thử nghiệm của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ.
Tuy nhiên, tỉ lệ chính xác thường thấp hơn trong thế giới thự. Theo báo cáo của CSI, khi các khuôn mặt được so sánh với ảnh chụp nơi công cộng, tỉ lệ sai số lên đến 9,3%. Đặc biệt, khi mọi người không nhìn thẳng vào camera giám sát hoặc bị che khuất một phần, tỉ lệ lỗi còn tăng cao hơn.
Lo ngại về vấn đề quyền riêng tư, Tập đoàn Microsoft hồi tháng trước thông báo ngừng bán công nghệ đoán cảm xúc dựa trên nhận dạng khuôn mặt và sẽ không cấp quyền sử dụng một cách thiếu kiểm soát công cụ này cho tới khi luật cụ thể được ban hành.
Động thái của Microsoft được đưa ra trong bối cảnh các nhà lập pháp ở Mỹ và châu Âu đang cân nhắc ban bố những hạn chế pháp lý toàn diện. Các khách hàng hiện tại của Microsoft còn một năm sử dụng trước khi mất quyền truy cập vào các công cụ AI nhằm dự đoán cảm xúc, giới tính, tuổi tác, nụ cười, râu, tóc và trang điểm.
Năm ngoái, Google cũng thực hiện cuộc đánh giá tương tự và chặn 13 dự báo cảm xúc của công cụ đọc cảm xúc, theo hãng tin Reuters.
Ngược lại, nhiều công ty tư nhân và cơ quan công quyền tại Úc đang âm thầm sử dụng hệ thống nhận diện trên khắp đất nước, với rất ít quy định và hướng dẫn quản lý cụ thể.
Các nhà bán lẻ lớn ở Úc đang sử dụng công cụ này để xác định những người tình nghi là kẻ trộm và gây rối. Trong khi đó, Hiệp hội người tiêu dùng Úc (CHOICE) nhận thấy rằng hầu hết mọi người không biết rằng khuôn mặt của họ đang được quét và nhận dạng với hình ảnh lưu trữ trong cơ sở dữ liệu, đồng thời không biết các cơ sở dữ liệu này được tạo ra như thế nào, độ chính xác và mức độ an toàn đến đâu.
Cảnh sát ở bang New South Wales cũng tiến hành cuộc thử nghiệm quy mô nhỏ đối với cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt trên toàn quốc, bất chấp dự luật liên quan đến sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia vẫn chưa được thông qua, với lập luận đây là công cụ hữu ích tiềm năng cho các cuộc điều tra tội phạm.