Lợi bất cập hại từ thuốc giải rượu mà ít người biết
Theo chuyên gia y tế, việc uống thêm thuốc giải rượu khiến gan phải làm việc nhiều hơn, với các loại không rõ nguồn gốc có thể gây độc cho gan.
Gan "vất vả " hơn vì thêm thuốc giải rượu
Thuốc giải rượu được nhiều người xem là “cứu cánh” sau những tiệc rượu, tuy nhiên, theo BS. TS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, các chất có trong thuốc giải rượu không có tác dụng phục hồi hay bảo vệ các cơ quan bị rượu làm tổn hại, cũng không giúp triệt tiêu tác dụng của rượu trên hệ thần kinh trung ương để làm mất đi hoàn toàn triệu chứng say xỉn.
Hiện, không có một loại thuốc và thực phẩm chức năng nào được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận có tác dụng giải rượu. Thậm chí, uống thuốc giải rượu có nguy cơ tăng áp lực cho gan, khiến gan làm việc vất vả để chuyển hóa chất, gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác.
Gan là bộ phận chính có chức năng chuyển hóa giải độc rượu ra khỏi cơ thể và phải làm việc rất vất vả khi cơ thể tiếp nhận rượu, trung bình mất từ 7-10 giờ để chuyển hóa chất độc. Uống quá nhiều rượu bia trong thời gian dài có thể khiến chất độc tích tụ, gây hại cho cơ thể, dễ khiến người uống mắc các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan, thậm chí gây ung thư gan.
Việc uống thêm thuốc giải rượu khiến gan phải làm việc nhiều hơn. Với các loại thuốc giải rượu không rõ nguồn gốc ngoài việc không có tác dụng còn có thể gây độc với gan.
BS. Khanh nhấn mạnh, uống thuốc giải rượu có nguy cơ gây ra phản ứng ngược, tương tác thuốc không tốt cho cơ thể. Người lạm dụng loại thuốc này thường xuyên hay quá liều có thể bị tăng men gan, giảm các chất có chức năng bảo vệ gan, tăng tổng hợp axit béo và triglyceride tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ…
Trường hợp nặng, thuốc giải rượu còn giữ lại lượng cồn trong ruột khiến gan không kịp lọc chất độc, dẫn đến nguy cơ tử vong. Các tác dụng phụ khi dùng thuốc giải rượu có thể gây nguy hiểm đối với người bị dị ứng các thành phần của thuốc, phụ nữ có thai và cho con bú, người bệnh gan, thận, viêm loét dạ dày tá tràng…
Giải rượu từ những thứ sẵn có tại nhà
Sau những bữa tiệc tất niên, rồi tân niên, việc nâng chén nhiều khi khó tránh khỏi, TS.BS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam chia sẻ những phương pháp giải rượu rất đơn giản mà hiệu quả tại nhà.
Thứ nhất là uống nước lọc, bởi nước lọc giúp bù đắp lượng nước đã mất, đồng thời pha loãng nồng độ cồn trong máu giúp đỡ say hơn. Theo BS. Sơn, không nên sử dụng những đồ uống có ga hoặc nước soda vì những đồ uống này sẽ làm hàm lượng carbon dioxide trong dạ dày và ruột non, làm tang nguy cơ ngộ độc cho cơ thể.
Thứ 2 là nước gừng, vì gừng có vị nóng làm cho các mạch máu lưu thông tốt hơn, từ đó hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể. Có thể cho thêm vào nước gừng nóng một thìa nhỏ mật ong để có thể hấp thụ nhanh và giúp giải say rượu.
Thứ 3 là nước chanh, nước cam, do trong các loại quả này có chứa hàm lượng vitamin C cao giúp giảm cơn say và làm cơ thể tỉnh táo trở lại. Ngoài ra, khi say rượu thường kéo theo khát nước nên uống nước chanh, nước cam giúp giải cơn khát hiệu quả.
Thứ 4 là bánh mì, ngũ cốc, vì trong đó có chứa một lượng lớn carbon có tác dụng như một bộ lọc trong cơ thể giúp hấp thụ hết chất cồn, ngăn ngừa hiệu quả tình trạng say rượu. Thêm vào đó, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt chứa rất nhiều vitamin B1 - giúp hạn chế triệu chứng nôn nao.
Ngoài ra cháo trắng là một món ăn dễ chế biến, dễ ăn và dễ hấp thụ rất phù hợp với người bị say rượu. Thêm nữa, trong gạo cũng chứa carbon, có khả năng hấp thu cồn trong rượu.
Thực tế, rượu bia được chưng cất theo đúng quy chuẩn không có chất độc. Chất ethanol khi uống vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành acetaldehyde, đây chính là hoạt chất gây độc cho gan. Do đó, nên giới hạn lượng rượu bia, uống vào và không uống thường xuyên để tránh nguy cơ tổn hại sức khỏe.
"Sau khi uống nhiều rượu, nên để cơ thể được nghỉ ngơi, uống nhiều nước giúp tăng quá trình thải độc cho gan.
Nếu có dấu hiệu ngộ độc rượu như bất tỉnh, co giật, da nhợt nhạt, thân nhiệt thấp…, người thân cần đưa người bệnh đến bệnh viện để được xử trí, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra", BS. Sơn khuyến cáo.