Lời ca, tiếng đàn đắp bồi tình anh em
Tiết mục hát múa Lung linh Hải Dương trong chương trình nghệ thuật Về nơi bình minh lên, kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Phú Yên - Ảnh: MINH NGUYỆT
Hơn 30 nghệ sĩ, diễn viên đến từ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hải Dương đang biểu diễn phục vụ đồng bào Phú Yên tại các huyện, thị xã, cất cao tiếng hát ca ngợi tình cảm gắn bó keo sơn của hai tỉnh kết nghĩa.
Báo Phú Yên phỏng vấn nghệ sĩ Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hải Dương, về đợt biểu diễn của đoàn nghệ thuật thuộc trung tâm trong dịp đặc biệt này.
* Thưa anh, khán giả xem chương trình nghệ thuật Về nơi bình minh lên mới đây rất ấn tượng với tiết mục hát múa Lung linh Hải Dương của đoàn. Vì sao đoàn nghệ thuật chọn tiết mục này để diễn trong chương trình kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Phú Yên?
- Sau khi nhận được lời mời vào Phú Yên tham gia sự kiện kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, đoàn nghệ thuật của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hải Dương xây dựng một chương trình ca múa nhạc có thời lượng 90 phút để biểu diễn phục vụ nhân dân ở 8 huyện, thị xã của Phú Yên, đồng thời xây dựng một tiết mục đặc sắc, biểu diễn trong chương trình kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh. Từ ngày 16/6, các nghệ sĩ, diễn viên của Hải Dương đã vào Phú Yên, cùng tập luyện với Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển và một số đơn vị khác.
Chúng tôi từng xây dựng rất nhiều tiết mục về quê hương Phú Yên, về tình đoàn kết keo sơn giữa hai tỉnh kết nghĩa. Trong các dịp lễ trọng đại, Hải Dương luôn được UBND tỉnh Phú Yên, Sở VH-TT-DL mời vào biểu diễn phục vụ đồng bào. Năm nay, chúng tôi biểu diễn một ca khúc về Hải Dương, do NSƯT Cao Hữu Nhạc sáng tác. Ca khúc này, anh Nhạc đã tham gia cuộc thi sáng tác ca khúc về Hải Dương và đoạt giải. Đoàn xây dựng tiết mục hát múa này để biểu diễn vì đảm bảo tính nghệ thuật, nội dung phù hợp với buổi lễ, và đặc biệt đó là ca khúc của một người con Phú Yên viết về Hải Dương.
* Lần này về Phú Yên, cảm xúc của anh thế nào?
- Mỗi lần về Phú Yên, tôi đều có cảm giác như về với quê mình. Đặc biệt lần này về Phú Yên trong dịp đại lễ, đi trên những con phố được trang hoàng đẹp, chúng tôi rất phấn khởi, chung vui cùng bà con Phú Yên.
* Hải Dương và Phú Yên là hai tỉnh kết nghĩa từ thời kỳ chiến tranh. Hòa bình lập lại, tình cảm ấy tiếp tục được bồi đắp, trong đó các hoạt động văn hóa nghệ thuật là những cầu nối tuyệt vời. Thời gian tới, hai đơn vị nghệ thuật của hai tỉnh sẽ có những hoạt động gì nhằm phát huy tinh thần đó, thưa anh?
- Trước khi vào Phú Yên công tác đợt này, tôi dự một cuộc họp bàn về kế hoạch tổ chức kỷ niệm 60 năm hai tỉnh Hải Dương - Phú Yên kết nghĩa. Tôi đã đưa ra ý kiến đề xuất trong dịp đó sẽ mời Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển ra Hải Dương diễn chung với đoàn nghệ thuật của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hải Dương trong chương trình lễ kỷ niệm, đồng thời mời nhà hát biểu diễn phục vụ đồng bào Hải Dương tại 12 huyện, thị xã và thành phố, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm hai tỉnh kết nghĩa.
* Xin cảm ơn anh!
Hai tỉnh Hải Dương - Phú Yên kết nghĩa từ năm 1960, trong thời kỳ khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hải Dương đã không tiếc sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam, tiếp sức cho Phú Yên. Nhiều người con ưu tú của Hải Dương đã lên đường vào Nam chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường Phú Yên.
Sau khi đất nước thống nhất, tình cảm của hai tỉnh anh em tiếp tục được gắn kết. Khán giả Phú Yên luôn nồng nhiệt chào đón những người con của Hải Dương về xứ “hoa vàng cỏ xanh” biểu diễn. Các nghệ sĩ xứ Đông luôn có nhiều cảm xúc khi về với vùng đất thơ mộng, yên bình này.
YÊN LAN (thực hiện)
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/222906/loi-ca-tieng-dan-dap-boi-tinh-anh-em.html