Lời cảnh báo chết người!
Chỉ một cơn mưa, lũ cát từ dự án du lịch đã tràn xuống đường ở Khu du lịch Mũi Né (tỉnh Bình Thuận), uy hiếp nhiều căn nhà và suýt nữa gây họa lớn.
Làng biển yên ả, lặng gió nổi tiếng sau khi ồ ạt phát triển du lịch nay đang đối diện nhiều vấn đề nguy hiểm.
Cũng chẳng phải đến bây giờ hiểm họa lũ cát ở Mũi Né mới xảy ra. Vào tháng 5-2020, cũng tại dự án trên - Goldsand Hill Villa - đã xảy ra 2 đợt lũ cát đỏ đổ xuống đường, tràn vào nhà dân và các nhà hàng ven đường. Cũng may không có thiệt hại về người nhưng cả chủ đầu tư và công ty thi công không có biện pháp khắc phục hiệu quả. Nay đã vào mùa mưa, không ai dám chắc sự cố tương tự không xảy ra và tính mạng người dân, du khách ở khu vực này có được bảo đảm.
Đẹp, yên bình chính là lợi thế của Mũi Né thu hút du khách trong những năm qua. Nhưng rồi sự hấp dẫn này cũng lôi kéo theo những toan tính thuần lợi nhuận của các nhà quản lý địa phương cũng như các nhà đầu tư. Con đường huyết mạch ven biển đầy bóng dừa, nay san sát nhà hàng, quán nhậu, khách sạn, resort… Những đồi cát đã được cấp phép cho các đại công trình du lịch, san phẳng cây, đào hố sâu, khoét động cát… Nước mưa bí chỗ thoát, hết chỗ thấm nên cuốn theo cát gây lũ quét là điều không tránh khỏi.
Mô típ làm du lịch thô bạo ở ta không lạ. Nó đã diễn ra ở nhiều địa phương, thậm chí vài nơi còn "bức tử" thiên nhiên để làm du lịch. Nha Trang cũng một thời biển xanh, cát trắng nhưng 10 năm qua đã không còn ai nhận ra một Nha Trang đẹp đẽ của ngày xưa. Các quả núi xanh bóng cây nay bị các dự án du lịch, đô thị bạt phẳng. Điều gì đến ắt sẽ đến. Chỉ mùa mưa năm 2020, thành phố biển này được các chuyên gia khoa học chỉ ra 84 điểm có nguy cơ sạt lở đất. Trước đó, năm 2018, một vụ lở đất ở vùng đồi xã Phước Đồng vùi chết 14 người. Nguyên nhân là vùng đồi này bị đốn hạ rừng phân lô xây biệt thự nghỉ dưỡng, mưa lớn nước cuốn trôi đất đá gây sạt lở.
Đà Lạt cũng thế, những đồi thông thơ mộng dần bị bức tử thay vào đó là các công trình du lịch, nghỉ dưỡng… Hồ chứa nước yên bình dần bị san lấp, cắt xẻ để kinh doanh. Mỗi khi mưa lớn, người dân ở gần các ngọn núi luôn phập phồng lo sợ. Hầu như năm nào cũng xảy ra lũ quét, nặng nhất là đợt lũ vào tháng 8-2019, nước ngập hàng loạt các tuyến đường, nhấn chìm hàng loạt xe cộ, tràn vào nhà dân, cuốn phăng vườn tược. Nếu giờ đây ai còn nghĩ Đà Lạt mộng mơ thì quả là người đang mơ mộng.
Với nhiều nước phát triển, khai thác thiên nhiên để làm du lịch là chủ trương đã quá lạc hậu. Họ đã thay đổi từ lâu bằng cách bảo tồn thiên nhiên để làm du lịch. Họ chủ trương chặt một cái cây phải trồng lại một cánh rừng; bảo tồn nguyên trạng các bãi biển, gìn giữ và phát triển các cảnh quan và dùng lợi nhuận từ du lịch để bảo vệ thiên nhiên. Du lịch cộng sinh, du lịch bảo tồn chính là những xu hướng chủ đạo hiện nay trên thế giới.
Phát triển du lịch theo cách trên, đầu tiên phải thay đổi quan niệm về quản lý du lịch, thay đổi cách quy hoạch vùng du lịch và từ đó mới hy vọng thay đổi được thói quen của du khách. Cứ đào bới thiên nhiên làm du lịch thì có khác gì mổ gà lấy trứng.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/loi-canh-bao-chet-nguoi-20210422220132351.htm