Lời cảnh báo không bao giờ muộn
Vụ lật thuyền ở thôn Bó Củng, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) vừa qua đã cướp đi sinh mạng của 4 học sinh THPT. Việc này cũng dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết có thêm những biện pháp phòng tránh đuối nước cho trẻ em.
Nỗi đau của người ở lại
Sự việc đau lòng xảy ra vào khoảng 22h20 ngày 5.10.2021. 8 em học sinh đi thuyền qua sông Gâm, đoạn chảy qua thị trấn Yên Phú, giúp gia đình bạn ở xóm Nà Luông, thôn Bó Củng gặt lúa, khi trở về thì gặp nạn. Sau khi thuyền lật, 4 em tự bơi được vào bờ, còn 4 em mất tích là: Nguyễn Thị T. (SN 2005), thôn Bản Sáp, thị trấn Yên Phú; Hà Ngọc L (SN 2005), thôn Bản Tính, xã Phú Nam; Hoàng Ánh D (2005), thôn Bó Củng, thị trấn Yên Phú; Tăng Như T (SN 2004), thôn Nà Nưa II, xã Đường Hồng. Các học sinh này đều đang theo học tại Trường THPT Bắc Mê.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bắc Mê đã chỉ đạo lực lượng Công an, Quân sự, UBND thị trấn Yên Phú, các hộ dân tìm kiếm nạn nhân. Đến sáng ngày 8.10, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của nạn nhân thứ 4 là em Hoàng Ánh D. Trước đó tìm thấy thi thể của nạn nhân Hà Ngọc L vào khoảng 9h 00 ngày 6.10, 2 học sinh còn lại được tìm thấy vào chiều ngày 7.10. Sau khi khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể các em cho gia đình tổ chức tang lễ theo phong tục địa phương. Các nạn nhân tử vong đều rất trẻ, để lại nỗi đau rất lớn cho gia đình, bạn bè, thầy cô…
Chị Nguyễn Thị Vinh, mợ của nạn nhân Hoàng Ánh D chia sẻ: “Đối với gia đình là mất mát quá lớn, đến giờ vẫn chưa thể tin được là cháu đã không còn, việc xảy ra đột ngột làm cả thôn, xóm hoang mang, đến hôm nay một số người sang hộ đám xong còn chưa dám tự trèo mảng qua sông và ám ảnh. Qua đây cũng mong các trường học tuyên truyền cho các em học sinh về phòng, chống đuối nước để sau này ko còn xảy ra những điều đáng tiếc. Cá nhân tôi chỉ mong Đảng, Nhà nước quan tâm làm cho cây cầu để người dân thuận tiện đi lại”.
Lời cảnh báo khi di chuyển bằng thuyền trên sông
Qua vụ việc trên, cần trang bị cho học sinh những kỹ năng cứu hộ cần thiết như: Cứu người trực tiếp trong môi trường nước; cứu người gián tiếp bằng cách sử dụng các dụng cụ cứu hộ như phao cứu sinh, gậy, dây... để hỗ trợ. UBND các xã, thị trấn cần rà soát các phương tiện thuyền, mảng, khu vực thường xảy ra đuối nước hoặc có nguy cơ để chủ động phòng ngừa, nhắc nhở, cảnh báo, bảo đảm an toàn cho trẻ em. Đặc biệt cần chú trọng đưa việc dạy bơi, an toàn trong nước và kỹ thuật sơ cứu vào trong trường học, câu lạc bộ, đơn vị huấn luyện… Bên cạnh đó, mọi người trong cộng đồng cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đúng cách để áp dụng kịp thời khi xảy ra đuối nước.
Đồng chí Nông Văn Tuyến, Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Phú cho biết: Cấp ủy, chính quyền thị trấn phối hợp với Công an huyện tuyên truyền các gia đình có thuyền, đò phải đánh số và bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, mặc áo phao khi di chuyển trên sông... Tuy nhiên, ý thức thực hiện của các hộ dân vẫn chưa nghiêm túc.
Sự việc đuối nước thương tâm trên là lời cảnh báo cho mỗi người dân cần phải trang bị cho mình những kiến thức về an toàn khi di chuyển trên sông, suối, ao, hồ; kỹ năng nhận biết môi trường nước nguy hiểm như nước sâu, cát lở, xoáy nước, sóng lớn, dòng chảy xa bờ... để phòng tránh. Không nên di chuyển trên sông, suối vào ban đêm, khi mưa to, gió lớn, khi có nước lũ. Bố trí số người hợp lý, đủ trọng lượng khi đi thuyền, bè trên sông. Không để trẻ em tự đi thuyền, bè trên sông, suối... Bên cạnh đó, cần trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh đúng cách. Ngoài ra, cần học bơi và bình tĩnh xử lý các sự cố gặp phải, tránh những tai nạn đáng tiếc.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202110/loi-canh-bao-khong-bao-gio-muon-783404/