Lời cảnh báo 'ớn lạnh' từ vụ tàu ngầm Indonesia mất tích
Đã 24 giờ kể từ khi tàu ngầm hải quân Indonesia được thông báo mất tích. Lo ngại về sự an nguy của đội thủy thủ trên tàu ngày một dâng cao.
Tàu ngầm Indonesia KRI Nanggala-402 và 53 thành viên thủy thủ đoàn
Cách duy nhất để cứu các thủy thủ là phá tàu
Theo thông tin từ đài truyền hình quốc gia Australia ABC, liên quan tới sự việc tàu ngầm Indonesia KRI Nanggala-402 mất tích trong khi đang tập trận, sau khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ chính quyền Indonesia, chính phủ Australia bày tỏ chia sẻ và sẵn sàng hỗ trợ hết sức có thể với quân đội Indonesia trong quá trình cứu nạn.
Đài ABC dẫn phân tích từ chuyên gia tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm Australia Frank Owen cho rằng những thông tin ban đầu do Indonesia cung cấp cho thấy rất nhiều chi tiết đáng ngại, chẳng hạn như vệt dầu loang gần vị trí cuối cùng của tàu ngầm hay chi tiết tàu có thể đã lặn xuống độ sâu 700m... Với chi tiết thứ 2, ông Owen đánh giá, 700m là mức sâu quá sức vận hành của loại tàu này.
“
Nếu tàu ở độ sâu đó, Indonesia sẽ có rất ít khả năng để đưa được người trong tàu ngầm ra ngoài. Cách duy nhất để cứu thoát 53 thủy thủ đó là phá tàu ngầm. Đó là quá trình rất dài - Chuyên gia tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm Australia Frank Owen nhận định.
Chuyên gia Owen hiện đang là Thư ký Viện Tàu ngầm Australia nhận định, Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF) có thể hỗ trợ Indonesia bằng cách đưa phương tiện vận hành từ xa (ROV) giúp vạch địa hình vùng biển nơi xảy ra sự cố.
Hiện đã có Singapore, Australia cùng Ấn Độ tham gia hỗ trợ cứu nạn.
Trong thông báo trước đó, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia, Đại tướng Hadi Tjahjanto cho biết: Indonesia đang tìm kiếm 53 thủy thủ tàu ngầm ở vùng biển ngoài khơi cách bờ biển Bali 96 km. KRI Nanggala-402 là tàu ngầm lâu đời do Đức sản xuất, mất tích từ ngày 21/4 khi đang tập trận trong vùng biển trên.
Đại tướng Tjahjanto cho biết, hải quân nước này đã điều nhiều tàu thuyền, như tàu khảo sát thủy văn… tham gia ứng cứu.
Còn theo hãng tin CNN, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định đã đưa 4 tàu chiến tới hiện trường, bao gồm tàu Rigel có thiết bị rà quyét tàu ngầm tinh vi có khả năng xác định chính xác vị trí tàu gặp sự cố.
Hai tàu khác có thiết bị quét sườn (side-scan sonar), một công cụ thường được dùng để rà quyét địa hình đáy biển, cũng bắt đầu tìm kiếm ngay trong ngày xảy ra sự việc.
Lời cảnh báo "ớn lạnh"
Đội tìm kiếm cứu nạn của Indonesia lên đường tới nơi tàu ngầm KRI Nanggala-402 gặp nạn
Nghị sĩ Australia Rex Patrick, từng là thủy thủ tàu ngầm, cũng có nhận định không mấy khả quan như chuyên gia Frank Owen về số phận của chiếc tàu ngầm "cao tuổi". Đồng thời ông nhấn mạnh, đây là lời cảnh báo "ớn lạnh" về mức độ nguy hiểm mà tàu ngầm có thể gặp phải trong quá trình hoạt động.
Theo thông tin chính thức từ Indonesia, phương tiện gặp sự cố có tải trọng 1.395 tấn, được chế tạo tại Đức từ năm 1978, gia nhập hải quân Indonesia từ năm 1981, từng phải sửa lại trong 2 năm tại Hàn Quốc, hoàn tất vào năm 2012.
Trong quá khứ, Indonesia từng vận hành 12 tàu ngầm mua của Liên Xô để tuần tra các vùng biển của quốc gia quần đảo này. Nhưng nay, họ chỉ có 5 tàu bao gồm 2 tàu ngầm loại 209 do Đức chế tạo và 3 tàu ngầm mới hơn của Hàn Quốc. Đất nước Đông Nam Á dự định sẽ vận hành ít nhất 8 tàu tính đến năm 2024.
Indonesia đã và đang tìm cách nâng cấp năng lực quốc phòng nhưng rất nhiều trang thiết bị, phương tiện quân sự của nước này đã lỗi thời, dẫn đến không ít vụ tai nạn, chẳng hạn như một số vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan tới máy bay vận tải quân sự lâu đời của nước này diễn ra trong vài năm gần đây.