Lời cảnh báo từ quá khứ

Ngày 1/9/1939 đánh dấu sự bắt đầu của cuộc chiến tranh được đánh giá là lớn nhất, khốc liệt nhất và tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử nhân loại: Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939 - 1945).

Hồng quân Liên Xô tiến về giải phóng Berlin, tháng 4/1945. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát

Hồng quân Liên Xô tiến về giải phóng Berlin, tháng 4/1945. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát

Khi Đức quốc xã xâm lược Ba Lan, thế giới bước vào một giai đoạn đầy biến động và tàn phá. Cuộc chiến không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người mà còn làm thay đổi sâu sắc cấu trúc chính trị và xã hội toàn cầu. Những hậu quả và bài học từ 85 năm trước dường như vẫn còn nguyên vẹn cho đến nay.

Chiến tranh Thế giới thứ hai là cuộc chiến tranh toàn cầu lần thứ hai do tất cả các cường quốc trong thế kỷ XX tiến hành, trải qua 5 giai đoạn, mở đầu bằng sự kiện Đức tấn công Ba Lan và kết thúc ngày 14/8/1945, khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện. Cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của gần 60 triệu người, hơn 70 quốc gia trên thế giới với khoảng 1,7 tỷ người bị cuốn vào. Chiến tranh kết thúc với sự sụp đổ hoàn toàn của phát xít và thắng lợi thuộc về các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là Liên Xô, đã kiên cường đấu tranh chống lại chủ nghĩa phát xít tàn bạo.

Chiến tranh Thế giới thứ hai đã làm sáng tỏ nhiều bài học quan trọng về hòa bình và an ninh quốc tế. Cuộc chiến này được thúc đẩy do sự kết hợp của các yếu tố như sự bất mãn với các điều khoản hậu Chiến tranh Thế giới thứ nhất, sự trỗi dậy của các chế độ độc tài và thiếu hụt cơ chế quản lý xung đột hiệu quả. Kết quả là sự ra đời của Liên hợp quốc (LHQ) vào năm 1945, với mục tiêu ngăn chặn những cuộc xung đột quy mô lớn trong tương lai và thúc đẩy hòa bình toàn cầu.

Với vai trò là một tổ chức quốc tế toàn cầu, LHQ đã cố gắng làm cầu nối giữa các quốc gia và giải quyết các xung đột. Tuy nhiên, nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để và nhiều khu vực trên thế giới vẫn đang phải đối mặt với các cuộc xung đột.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã kéo dài hai năm rưỡi qua không chỉ gây ra khủng hoảng nhân đạo mà còn đe dọa đến ổn định toàn châu Âu. Sự căng thẳng gia tăng giữa các cường quốc phương Tây và Nga có thể dẫn đến nguy cơ leo thang thành cuộc xung đột quy mô lớn, với sự can dự của nhiều nước, thậm chí cả nguy cơ dùng vũ khí hạt nhân. Hiện vẫn chưa rõ cuộc xung đột Nga – Ukraine khi nào mới có thể kết thúc và kết thúc như thế nào, bởi hiện tại, cả hai bên đều khẳng định mục tiêu của mình là “giành chiến thắng”.

Trung Đông và Bắc Phi cũng đang trải qua những cuộc xung đột kéo dài. Những căng thẳng giữa các quốc gia/vùng lãnh thổ và các nhóm vũ trang đang tạo ra một môi trường bất ổn và có thể làm gia tăng nguy cơ chiến tranh toàn cầu. Sự can thiệp của các cường quốc và các vấn đề nhân đạo khiến tình hình ở những khu vực này trầm trọng thêm. Các vụ tấn công và trả đũa nhau đang diễn ra thường xuyên hơn. Nhiều chuyên gia ví Trung Đông hiện nay như một thùng thuốc súng, có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng âm ỉ nhiều nguy cơ bất ổn, đe dọa dẫn đến xung đột quy mô lớn. Bên cạnh đó, quan hệ căng thẳng và cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung Quốc và các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, cũng có thể trở thành "mồi lửa" xung đột.

Có thể nói, mối quan hệ giữa các cường quốc đang trở nên đối đầu hơn, với sự xuất hiện của các khối liên minh quân sự và kinh tế. Sự phân chia địa chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc cùng những căng thẳng trong thương mại và các lệnh trừng phạt có thể làm gia tăng nguy cơ xung đột toàn cầu.

Trước hết, sự gia tăng vũ trang và cuộc chạy đua vũ khí giữa các cường quốc đang tạo ra môi trường đầy bất ổn. Sự phát triển của các loại vũ khí mới, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, có thể làm gia tăng nguy cơ chiến tranh. Cùng với đó, công nghệ quân sự đang phát triển nhanh chóng cũng tạo ra thách thức trong việc kiểm soát và giảm thiểu xung đột.

Các xung đột cục bộ và khủng hoảng nhân đạo đang lan rộng trên toàn cầu. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người mà còn có thể làm gia tăng căng thẳng quốc tế. Khủng hoảng thường dẫn đến sự can thiệp của các cường quốc và chính điều đó cũng có thể làm leo thang xung đột.

Trong bối cảnh toàn cầu đầy bất ổn như vậy, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với việc duy trì hòa bình và ổn định quốc tế. Một trong những cách mà Việt Nam đóng góp vào giữ gìn hòa bình toàn cầu là thông qua việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện thực hóa đường lối hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta, nhằm khẳng định vai trò, trách nhiệm, uy tín, vị thế của Việt Nam trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới để các quốc gia cùng hợp tác, phát triển.

Kể từ khi gia nhập LHQ năm 1977, Việt Nam đã đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của tổ chức này. Năm 2014, Việt Nam bắt đầu triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình (bao gồm cả các bác sĩ, kỹ thuật viên và các chuyên gia hỗ trợ nhân đạo) đến các khu vực xung đột như Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Những nỗ lực này không chỉ giúp cải thiện tình hình nhân đạo mà còn đóng góp vào việc giảm bớt xung đột và thúc đẩy hòa bình tại các khu vực chiến sự. Việt Nam đã tham gia vào các hoạt động hỗ trợ y tế, bảo vệ dân thường và xây dựng cơ sở hạ tầng trong các khu vực bị chiến tranh tàn phá. Sự tham gia của Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hòa bình đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Không chỉ cung cấp nguồn lực và nhân lực, Việt Nam còn tích cực tham gia vào xây dựng chiến lược và chính sách nhằm giải quyết các xung đột. Việc Việt Nam duy trì và mở rộng sự tham gia này không chỉ thể hiện trách nhiệm quốc tế mà còn góp phần nâng cao hình ảnh và vai trò của quốc gia trên trường quốc tế.

Chiến tranh Thế giới thứ hai đã kết thúc 79 năm trước, nhưng nguy cơ chiến tranh, với những quy mô khác nhau, dường như đang quay trở lại. Thế giới ngày nay đã khác nhiều so với nửa đầu thế kỷ XX, nhưng có một thực tế chưa thay đổi là vẫn còn những thế lực mang chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tư tưởng “nước lớn”, theo đuổi lợi ích dân tộc vị kỷ, tranh giành ảnh hưởng, áp đặt tư tưởng, giá trị cho các “nước nhỏ”, bất chấp luật pháp quốc tế. Thực tế đó đang đe dọa nền hòa bình, ổn định của thế giới. Nhìn lại sự bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ hai, chúng ta luôn ghi nhớ bài học lịch sử, đó là, phải đề phòng từ xa nguy cơ dẫn đến chiến tranh. Điều đó đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần phải phối hợp chặt chẽ, hành động quyết liệt, tăng cường các cơ chế hòa bình và đối thoại quốc tế, trong đó, các tổ chức như LHQ và các tổ chức khu vực cần duy trì và chủ động thể hiện vai trò tích cực trong việc giải quyết xung đột và thúc đẩy đối thoại giữa các bên. Ngoài ra, việc hợp tác kinh tế và phát triển bền vững có thể giúp giảm bớt các nguyên nhân gây xung đột.

Đối với mỗi quốc gia, từ hai cuộc chiến tranh thế giới và một số cuộc xung đột khu vực, điều rút ra được là các nước cần nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ; tăng cường sức mạnh tổng hợp và nội sinh; không ngừng phát triển quan hệ hợp tác song phương, đa phương, nhất là về quốc phòng và an ninh. Các nước cần có cách phản ứng và chính sách phù hợp, góp phần vào hòa bình, hợp tác, phát triển và an ninh toàn cầu, vì lợi ích quốc gia - dân tộc cũng như vì lợi ích chung của toàn nhân loại.

Trần Mạnh Hùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/loi-canh-bao-tu-qua-khu-20240901113527339.htm