Lời cảnh báo về ô nhiễm rác thải nhựa tại các đảo quốc Thái Bình Dương
Các đảo quốc Thái Bình Dương đang phải vật lộn để loại bỏ đồ nhựa dùng một lần, trong khi rác thải thường bị sóng đánh dạt lên các bãi biển, đe dọa tới động vật hoang dã và hệ sinh thái thủy sinh.
Các đảo quốc Thái Bình Dương đang buộc phải đối phó với tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa được thải ra từ các khu vực khác trên thế giới.
Nhà nhân học môi trường của Đại học Newcastle (Australia), Tiến sỹ Sascha Fuller đã đưa ra cảnh báo trên trong báo cáo đăng trên Tạp chí Sinh thái chính trị số ra ngày 16/8.
Tiến sỹ Fuller cho biết các đảo quốc trên Thái Bình Dương, vốn chỉ tạo ra 1,3% rác thải nhựa trên thế giới, lại đang ở "tuyến đầu" chống lại làn sóng ô nhiễm rác thải nhựa ngày một gia tăng.
Bà Fuller nêu rõ rác thải nhựa tràn vào khu vực Thái Bình Dương thông qua hoạt động thương mại, du lịch, đánh bắt cá và rác thải biển chảy vào các dòng hải lưu cũng như từ các tuyến vận chuyển đường biển.
Với cơ sở xử lý rác thải còn hạn chế, các đảo quốc Thái Bình Dương đang phải vật lộn để loại bỏ đồ nhựa dùng một lần, trong khi rác thải biển thường bị sóng đánh dạt lên các bãi biển, đe dọa tới động vật hoang dã và hệ sinh thái thủy sinh.
Báo cáo cũng nhấn mạnh cuộc khủng hoảng môi trường đã gia tăng trong suốt thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 do sự gia tăng đồ nhựa dùng một lần trong rác thải y tế, thiết bị bảo hộ cá nhân và các vật liệu gói hàng mua sắm trực tuyến.
Nhà nghiên cứu Fuller nhận định cuộc khủng hoảng chất thải đang trở nên trầm trọng do phần lớn các đảo quốc Thái Bình Dương không tham gia vào các hội nghị toàn cầu về ô nhiễm rác thải nhựa mặc dù các nước này có nhiều kiến thức truyền thống về xử lý và bảo vệ đại dương trong hàng nghìn năm qua.
Theo bà, một giải pháp thực sự cho vấn đề ô nhiễm này cần bao gồm cả kiến thức truyền thống của người dân bản địa tại các nước này.
Ví dụ như, những nguyên liệu tự nhiên có thể dùng thay thế túi nilon như túi bilum (túi dệt tay bằng dây) phổ biến tại Papua New Guinea và Vanuatu, giỏ bện từ lá chuối và lá dừa được dùng để đựng thức ăn ở Samoa.
Bà Fuller nhấn mạnh rằng một nghị quyết của Liên hợp quốc nhằm hạn chế đáng kể ô nhiễm rác thải nhựa dự kiến sẽ được ban hành vào năm 2024.
Bà cho biết Liên hợp quốc muốn đưa ra "cách tiếp cận vòng đời" cho hoạt động sản xuất đồ nhựa, theo đó các nhà sản xuất phải có trách nhiệm hơn đối với công tác xử lý chất thải.
Bên cạnh đó, các quốc gia tại khu vực Thái Bình Dương cũng cần đẩy mạnh luật lệ về rác thải nhựa./.