Lời cầu nguyện của rừng

Lời nguyền tài nguyên có câu 'ăn của rừng rưng rưng nước mắt' ngẫm suy thật chuẩn xác vì đó là cái giá phải trả do đối xử tệ hại với môi trường sinh thái tự nhiên. Nếu rừng bị tàn phá, mất đi, hoặc không được quản lý và tái tạo đúng cách, các hệ sinh thái sẽ bị hủy hoại, gây ra hiện tượng sạt lở, hạn hán...

Con người và cây cối giống nhau ở chỗ đều là sinh vật, mà đã là sinh vật thì có sinh ra, có lớn lên và có chết đi. Khi sống thì người và cây đều có những nỗi đau đớn và cả buồn vui. Vậy mà chúng ta đang đối xử với cây cối nói chung và với cây rừng nói riêng như là với những vật vô tri vô giác, muốn làm gì thì làm miễn là mang lại lợi gì đó cho mình mà không nghĩ đến nỗi đau của cây cối và những hậu họa đối với môi trường sống.

Ở các nước văn minh, khi nhập khẩu sản phẩm từ thực vật, họ đều truy xuất nguồn gốc. Vấn đề không chỉ đơn giản là để biết nguyên liệu làm ra sản phẩm đó có độc hại hay không, mà chính là họ thực hiện chính sách bảo vệ môi trường toàn cầu bằng cách gây áp lực lên nước cung cấp sản phẩm để những nước này cũng tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Berlin được xem là thành phố xanh nhất ở Đức khi 44% diện tích là rừng, cây xanh và kênh, hồ. Ảnh: Adventure Travel.

Một thí dụ điển hình về cách hành xử đó có thể thấy rất rõ ở Berlin, Cộng hòa liên bang Đức. Thành phố rộng lớn có rất nhiều thảm thực vật đa dạng và hàng tỷ tỷ cây cối, thế mà người ta dày công thống kê phân loại để lắp biển đánh số trên mỗi cây to bằng cổ tay trở lên và giám sát chặt chẽ bằng hệ thống viễn thám và camera có độ phân giải cao.

Nhờ thế cây cối được bảo vệ và chăm sóc rất chu đáo nghiêm ngặt. Không phải cây ở trong vườn ông thì ông muốn chặt bỏ đào xới gì cũng được, mà ông phải xin phép cơ quan quản lý tài nguyên môi trường. Nếu sai phạm, sẽ bị phạt ngay lập tức và có những hình phạt rất nặng, thậm chi là hình sự chỉ vì chủ nhà chặt bỏ hoặc phát quang cây ngay trong vườn nhà mình!

Rừng là nơi linh thiêng, vô cùng quan trọng và được coi là nguồn sống của mọi sinh vật trên hành tinh. Bảo vệ rừng không chỉ là bảo vệ môi trường mà còn là bảo vệ cả cuộc sống và văn hóa của con người. Rừng đóng vai trò quan trọng trong điều hòa khí hậu như hấp thụ khí carbon trong quá trình quang hợp, giảm lượng khí CO2 trong không khí và giúp kiểm soát biến đổi khí hậu.

Rừng là bộ phận kết cấu hạ tầng sinh thái của đất nước. Lời nguyền tài nguyên có câu “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” ngẫm suy thật chuẩn xác vì đó là cái giá phải trả do đối xử tệ hại với môi trường sinh thái tự nhiên. Nếu rừng bị tàn phá, mất đi, hoặc không được quản lý và tái tạo đúng cách, các hệ sinh thái sẽ bị hủy hoại, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, gây ra hiện tượng sạt lở, hạn hán, mất đa dạng sinh học... gây thiệt hại lớn đến kinh tế và cuộc sống của con người.

Tan hoang rừng tự nhiên trên lâm phần được giao cho HTX Hợp Tiến (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long,tỉnh Đắk Nông). Ảnh tư liệu: Hưng Thịnh/TTXVN

Tan hoang rừng tự nhiên trên lâm phần được giao cho HTX Hợp Tiến (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long,tỉnh Đắk Nông). Ảnh tư liệu: Hưng Thịnh/TTXVN

Rừng ở Việt Nam là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của thế giới. Nhiều báo cáo chính thống công bố tỉ lệ che phủ rừng đến 31.12.2020 đạt 42,1%. Tuy nhiên, các báo cáo đều không nói đến chất lượng rừng. Diện tích che phủ phần lớn là rừng nghèo, sinh khối thấp nên các tác dụng phòng hộ, sinh thủy, hạn chế xói mòn, sạt lở đất không cao.

Ngay từ năm 2010, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên là người có bảy năm phụ trách Chương trình 327 mà mục tiêu là phủ xanh đồi núi trọc, bảo vệ rừng, và môi trường sinh thái đã nêu lên hiểm họa của việc cho nước ngoài thuê rừng đầu nguồn trong thời hạn 50 năm và đề xuất phải có cơ chế chính sách bảo vệ rừng đầu nguồn(1).

Hiểu rõ vai trò và lợi ích của rừng, nhiều tổ chức tự nguyện do người dân lập ra để phát triển và bảo vệ rừng như VARS phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh. Theo đó, bạn chỉ cần góp 50 nghìn đồng là đã có thể gieo trồng một mầm cây nơi thượng nguồn, qua đó gieo tương lai cho thế hệ sau.

Nhóm “Chung tay trồng và giữ rừng Tây Bắc” gồm các thành viên chủ yếu là cán bộ đã nghỉ hưu hoặc vẫn đang công tác thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đang cùng nông dân Tây Bắc trồng và giữ rừng đa tầng làm thí điểm.

Hình ảnh đồi núi trọc ở Na Bó, Mai Sơn, Sơn La (2023).

Hình ảnh đồi núi trọc ở Na Bó, Mai Sơn, Sơn La (2023).

Có câu hỏi được đặt ra vì sao các cơ quan chức năng của nhà nước không hỗ trợ sức người, sức của giúp VARS và nhóm “Chung tay trồng và giữ rừng Tây Bắc” xây dựng dự án thí điểm mẫu về trồng và bảo vệ rừng.

Thời gian vừa qua, tôi có dịp đi thăm, du lịch ở một số tỉnh ở miền núi phía Bắc. Tây Bắc gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên và đôi khi được tính gồm cả Yên Bái, Lào Cai với nhiều “núi vút ngàn trùng xa, suối sâu, đèo cao”, là đầu nguồn của hệ thống sông Đà và sông Hồng, nguồn nước sinh hoạt và sản xuất chính của Hà Nội và nhiều khu vực miền xuôi phía Bắc.

Tây Bắc hiện vẫn là khu vực nghèo nhất, một trong những vùng dễ bị tổn thương nhất cả nước bởi thiên tai, lũ lụt, sương muối, rét hại và thậm chí cả lốc xoáy. Hơn 80% dân ở đây hoàn toàn dựa vào nông nghiệp; canh tác trên đất dốc là nguồn thu chính của hầu hết các nông hộ. Vì vậy, để có lương thực ăn, có tiền chi tiêu cho nhu cầu sống tối thiếu mỗi ngày, họ đã, đang và sẽ phải tiếp tục trồng trên đất dốc (tới 50 - 60 độ dốc và phần nhiều đã bị thoái hóa, bạc màu) những cây ngắn ngày (lúa, sắn, ngô, mía). Đó chính là lý do làm cho mênh mông những tích đất dốc cao ở Tây Bắc cứ “trọc” mãi và ngày càng thêm “trọc”. Mặt khác, để trồng các nông nghiệp, mỗi năm nông dân thải vào đất và không khí một lượng đáng kể các loại phân hóa học cùng thuốc diệt cỏ, diệt chuột, sâu bọ, nấm và vi khuẩn...

Không có rừng lại thêm những tác động của biển đổi khí hậu, nguồn nước ngày càng cạn kiệt vào mùa khô, càng dư thừa vào mùa mưa.

Điều này tác động tới cuộc sống của không chỉ người dân Tây Bắc, mà còn rất nhiều người sinh sống ở miền xuôi phía Bắc. Nguồn nước người miền xuôi sử dụng, đặc biệt là để uống, là từ miền núi chảy về theo các hệ thống sông Đà và sông Hồng. Không khí người miền xuôi hít thở cũng gồm cả từ núi cao bay xuống. Không có rừng lại thêm những tác động của biển đổi khí hậu, nguồn nước ngày càng cạn kiệt vào mùa khô, càng dư thừa vào mùa mưa. Những trận lũ lụt, hạn hán bất thường, lịch sử ngày càng nhiều, ảnh hưởng ngày càng trầm trọng tới đời sống, sản xuất của người dân Tây Bắc, cũng như đông đảo dân số Hà Nội và nhiều khu vực khác dưới xuôi.

Toàn cảnh vị trí sạt lở trên đèo Bảo Lộc. Ảnh: Báo Thanh niên

Toàn cảnh vị trí sạt lở trên đèo Bảo Lộc. Ảnh: Báo Thanh niên

Không có rừng, không khí ít oxy, nhiều bụi bặm và nhiều khí cacbonic (Cacbon điôxít, CO2). Rồi, những dư thừa của hóa chất nông nghiệp cũng cùng gió và nước xuôi về cho người miền dưới uống và hít thở. Rồi, một lượng lớn đất bị sạt lở và xói mòn cũng xuôi về, lắng đọng ở các lòng ao, hồ, sông, ngòi, làm thường xuyên tốn không ít tiền để nạo vét.

Nhìn lại các dự án, chương trình trồng rừng ở Tây Bắc, có thể thấy hầu như vẫn chỉ trồng rừng gồm đơn thuần một loại cây và sau một chu kỳ nhất định (7-10 năm, tùy theo loại cây và thị trường) sẽ khai thác trắng.

Nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển cây nông nghiệp và cây công nghiệp lâu năm như cây ăn quả, chè, cà phê trên cả những diện tích đất dốc cao tới 60 -65 độ dốc và cả trên các đỉnh đồi, đỉnh núi cao. Nhiều địa phương và nhiều cá nhân coi các cây này giống như cây rừng, và vì thế coi việc phát triển sản xuất các cây lâu năm này như một kiểu mang rừng trở về. Điện Biên, chẳng hạn, đang thực hiện chương trình phát triển mắc-ca thành cây chủ lực, trên cả các loại đất dốc và thậm chí ở cả các diện tích đất được quy hoạch là đất rừng phòng hộ.

Nông dân vẫn phải tiếp tục trồng ngô, sắn trên đất dốc cao từ 50-60 độ, trên cả các đỉnh cao. Thậm chí, ở nhiều nơi họ vẫn tiếp tục phá rừng đang manh nha tái sinh để trồng các cây ngắn ngày hoặc cà phê để lấy thu nhập hàng năm.

Thực tế, hiệu quả kinh tế của việc trồng các loại cây này trên đất dốc và trên các đỉnh cao là rất thấp, trong khi đó lại làm cho đất bị suy thoái mạnh và ảnh hưởng nhiều tới việc phục hồi, phát triển rừng. Các "rừng cây" mắc ca, cam, nhãn, xoài, hoặc cà phê, chè… được thâm canh cao và đốn tỉa, tạo tán hằng năm không có mấy giá trị lâm sinh. Mặt khác, các nước trên thế giới, nhất là EU, đang ngày càng quan tâm tới nguồn gốc của các mặt hàng nông nghiệp họ nhập khẩu; họ sẽ không mua những hàng hóa mà việc sản xuất những mặt hàng này ảnh hưởng tới rừng.

Chúng ta, con người, cùng với cây cối, đều là những phần tử đan xen trong một môi trường sống chung, như những sợi chỉ liên kết tất cả vận mệnh và sự tồn tại trên hành tinh này. Điều quan trọng là ta hãy nhìn nhận cây rừng không chỉ là một nguồn tài nguyên để khai thác mà còn là một cộng đồng sống đáng trân trọng và bảo vệ.

Giải pháp được thực hiện ở đây là phải chung tay cùng nông dân trồng và phát triển rừng đa tầng, với nhiều loại cây đa dạng đan xen và hỗ trợ nhau cùng phát triển, để sau một số năm nhất định, rừng có thể cho thu hoạch hằng năm. Như vậy, nông dân sẽ không cần phá rừng để lấy đất sản xuất nông nghiệp, không cần khai thác trắng rừng, mà ngược lại, họ chính là người sẽ bảo vệ và tiếp tục phát triển rừng bền vững.

Xin mượn lời bài thơ Lời cầu nguyện của rừng để làm kết luận cho bài viết này. Bài thơ của tác giả người Đức, Hannes Tuch, được Bùi Bá dịch sang tiếng Việt vào khoảng năm 1952, khi ông còn là một kỹ sư thủy lâm.

Lời cầu nguyện của rừng

Người có biết,

Người hỡi người, nghe lời ta cầu nguyện,

chớ hại ta mà vũ trụ u sầu.

Để ta sống, ta điều hòa mưa nắng,

hoa xinh tươi cây cối nẩy thêm tươi.

Để ta sống, ta ngăn luồng vũ bão,

chặn cát bay làn gió bốc tung trời.

Để ta sống, ta đùn mây quyện gió,

gieo mưa tuôn đầm ấm cõi trần gian.

Để ta sống, ta cản dòng nước lũ,

cứu nhân dân cơn thủy nộ lầm than.

Ta là Mẹ của muôn nền hưng thịnh,

làng hưng phong xây dựng nước hưng phong.

Ta tô điểm non sông nên gấm vóc,

cây xanh cao lá biếc lớp trùng trùng.

Ta bảo vệ chiến khu và chiến sĩ,

Chống xâm lăng ta kháng chiến oai hùng.

Người hỡi!

Hồn Tổ quốc ngự giữa rừng sâu thẳm,

Rừng điêu tàn, là Tổ quốc suy vong.

Tô Văn Trường

___________

(1) http://vnn.vietnamnet.vn/psks/201003/Lang-Son-50-nam-nua-ai-lam-thi-nguoi-do-kiem-soat-899233/

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/loi-cau-nguyen-cua-rung-40558.html