Lời cây trái đảo xa

Qua cơn say đất lúc mới vào bờ, giữa phố thị chang chang nắng đổ, đôi khi tôi vẫn bật cười nhớ lời mọi người trong đoàn công tác Trường Sa hỏi chiến sĩ trên đảo Nam Yết: 'Ở đây nắng nóng thế này, đảo lại nhiều dừa, chắc anh em mỗi ngày đều hái quả?'.

Các chiến sĩ cười rất tươi rồi nhìn nhau, lại cười… Có chàng tân binh chừng mười tám tuổi không ra xem văn công cứ đứng xa xa, dưới một gốc dừa. Hỏi chuyện, cậu hơi bẽn lẽn đáp: “Em chả thích đến gần, ở đây ngó ngó, cũng thấy vui lạ lùng”. Rồi cậu đưa chúng tôi dạo quanh đảo, tự hào giới thiệu Nam Yết giờ có trên 400 cây dừa, đi biển cách vài hải lý đã trông thấy rõ. Có điều, dừa ở đây thay vì để uống nước, ăn cùi thì bộ đội để thờ, để thương và để ngắm!

Nhiều chục năm về trước, từ những quả dừa khô nơi đất liền theo con người vượt hành trình đầy cam go sóng gió, những mầm dừa đầu tiên đội cát, đâm thẳng hệt mũi tên xanh ngắt. Giờ đây, đảo Nam Yết xôn xao phủ kín bóng dừa nhưng chỉ dịp lễ, tết, hội thao đặc biệt thì đơn vị mới quyết định “hạ” một vài quả để bày biện ngũ quả. Cũng có khi nước dừa để dành cho người ốm bồi dưỡng. Còn lại, ngày qua ngày, từng buồng dừa vẫn lúc lỉu trên cao tới khi già khô, lính đảo cẩn trọng ươm thành mầm cây mới. Thi thoảng, trên ô cửa sổ nho nhỏ nơi người lính chắt chiu thành góc riêng kỷ niệm, cạnh nhật ký, bưu thiếp… lại gặp nửa chiếc sọ dừa khô đựng cát trồng xương rồng hoặc gắn thêm ốc biển thành mô hình bon-sai thật vui mắt.

Minh họa: BẢO TRÂM

Minh họa: BẢO TRÂM

Nhẩn nha mà tính cho kỹ, khắp quần đảo Trường Sa và nhà giàn, loại cây kết được quả thực sự hiếm hoi. Ngoài dừa ở Nam Yết có thêm cây tra, mới nhất là chanh, quất được một đoàn công tác tặng nguyên cây và bầu đất chuyển ra biển đảo trước Tết Kỷ Hợi. Riêng bầu, bí, mướp… thì lính đảo đã “biên chế” đó thuộc nhóm rau xanh. Cây tra có mặt hầu hết trên đảo nổi, vững vàng hệt phong ba, bàng quả vuông. Loài cây ấy khá lạ lùng, khi lá trên cành ngả màu vàng đỏ thì quả màu xanh ngọc. Ngược lại, quả chín đỏ vào đúng đợt lá xanh. Quanh năm cứ đều đều như thế. Quả tra gần giống quả nho nên quân dân trên đảo gọi là “nho Trường Sa”. Lúc xanh quả chát, chín lại pha đủ vị mặn, ngọt, chua. Trẻ nhỏ, bộ đội rất thích nhấm nhót quả tra bằng đầu ngón tay cái, chín đỏ như son hoặc giữa trưa hè uống si-rô tra thấm vị ngọt của đường.

Lên nhà giàn, ai nấy đều trầm trồ phát hiện cây chanh, quất trĩu trịt quả xanh bóng bẩy. Một thành viên đoàn công tác, người từng vận chuyển hai loại cây từ đất liền ra, thích thú tò mò định hái một quả xem giữa bốn bề mặn mòi sóng nước hương vị có gì thay đổi đã kịp “phanh” lại khi gặp ánh mắt đầy xúc cảm của lính nhà giàn đang đắm đuối “canh chừng” cây. Bộ đội kể, đôi khi họ vẫn ngắt tí lá vò ra đưa lên ngửi, thấy nồng nàn hương vị quê hương. Những chậu chanh, quất từng xếp dọc boong tàu, nhiều ngày bị úa rụng, được từng bàn tay chai sạn, tỉ mỉ gói ghém, chằng buộc tránh sóng gió đã xanh trở lại, kết trái đơm hoa theo mùa. Bộ đội che chắn, nâng niu từng chồi nụ, quả non lúc vừa thấp thoáng trong kẽ lá. Đã là tháng thứ sáu liên tục quần đảo Trường Sa không có mưa, mọi thứ khô khốc, nóng nực đến chật chội. Đến bàng quả vuông cũng cho hoa và quả bé bằng một nửa so với mùa mưa. Ấy vậy mà đảo Sơn Ca, hai cây quất Văn Giang vẫn đơm hoa kết trái. Mỗi ngày, sư thầy chùa Sơn Ca đều dùng phần nước ngọt hiếm hoi của mình tưới cho cây. Thầy xuýt xoa, đảo mà có được cây trái thì quý lắm. Nơi đá mặn, nắng rang, cây trái luôn mang lời thầm thì về sức sống, kỷ niệm gói trọn bao niềm thương nhớ, bâng khuâng.

Tản văn của LỮ MAI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/loi-cay-trai-dao-xa-576007