Lời chia sẻ rưng rưng của cô giáo mầm non
Những lời chia sẻ của cô giáo Lương Thị Chon khiến mọi người có mặt ở hội trường Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi sáng 30/8 lặng người xúc động.
Cuộc tọa đàm “Trung hiếu bên Người” nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc và giữ gìn, bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, có sự xuất hiện của một khách mời khá đặc biệt: Cô giáo mầm non Lương Thị Chon, vợ thiếu tá biên phòng Vi Văn Nhất - người đã hy sinh trong khi đánh án ma túy trên chính mảnh đất quê hương Bát Mọt của anh.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, những lời chia sẻ của chị Chon khiến mọi người có mặt ở hội trường Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi sáng 30/8 lặng người xúc động.
Là chị cả trong gia đình, cô gái dân tộc Thái Lương Thị Chon (SN 1992) may mắn hơn bố mẹ và hai em khi thoát cảnh nghề nông, không có việc làm ổn định. Năm 2014, chị và chàng sĩ quan biên phòng Thanh Hóa Vi Văn Nhất cùng xây tổ ấm. Hai năm sau ngày lấy chồng, chị Chon xin được vào làm hợp đồng phát thanh viên ở xã biên giới Bát Mọt (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
“Vợ chồng tôi sinh được hai cháu gái, cuộc sống không giàu sang nhưng rất hạnh phúc nên chúng tôi cảm thấy đã toại nguyện. Tuy nhiên, do đặc thù làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm nên chồng tôi thường xuyên vắng nhà, đối mặt với nguy hiểm”, chị Chon chia sẻ.
Nhắc tới sự hy sinh quả cảm của chồng, chị Chon kể: Tháng 6/2019, nhận lệnh của chỉ huy, chồng tôi cùng đồng đội lên đường thực hiện nhiệm vụ và sau đó ra đi mãi mãi. Bản thân tôi và gia đình không thể tin là chúng tôi đã vĩnh viễn mất anh ấy, nhưng mọi người trong gia đình tôi vẫn an ủi nhau rằng anh ấy đã hy sinh vì nhân dân, vì đất nước.
Sau khi thiếu tá Vi Văn Nhất hy sinh, đồng đội của anh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm chăm lo hậu phương của anh. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa và Đồn Biên phòng Bát Mọt đã nhận hai con nhỏ (sinh năm 2015 và 2018) của vợ chồng anh làm con nuôi. Chị Chon được đặc cách tuyển dụng vào công chức nhà nước, làm cô giáo mầm non - vốn là ước mơ của chị. “Tôi sẽ nén đau thương, trở thành một cô giáo tốt, nuôi dạy con cái trưởng thành, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của chồng tôi”, chị Chon nói.
Bố đã mất, anh trai và chị gái cũng đều đã xây dựng gia đình và ở riêng, vợ chồng người con út Vi Văn Nhất ở chung với mẹ đẻ trong căn nhà cấp 4, diện tích 45m2 ở quê nhà Bát Mọt - cũng là nơi anh ngã xuống vì cuộc sống bình yên của đồng bào mình.
Chị Chon tâm sự: Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương thuộc khu vực biên giới khó khăn và lấy chồng là Bộ đội Biên phòng, vì vậy tôi được tiếp xúc với rất nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Tôi thấy họ thực sự là những người lính tận tâm, tận lực, sẵn sàng hy sinh vì cuộc sống bình yên của người dân, vì chủ quyền an ninh biên giới đất nước. Tôi rất vinh dự vì đã là vợ của một sỹ quan biên phòng. Dù chồng tôi đã hy sinh, tôi xin hứa không chỉ mãi là hậu phương vững chắc để chồng tôi yên nghỉ mà còn cùng gia đình và bà con nhân dân luôn là hậu phương vững vàng của cán bộ, chiến sĩ biên phòng công tác trên địa bàn.
Thực hiện kế hoạch đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy tuyến biên giới Việt - Lào. Ngày 3/6/2019, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cử sĩ quan điều tra Vi Văn Nhất (Đội đặc nhiệm, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm) trực tiếp thực hiện kế hoạch nghiệp vụ trên địa bàn Đồn Biên phòng Bát Mọt. Tổ công tác gồm 8 đồng chí do đại úy Đào Xuân Thu, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ trực tiếp chỉ huy. Trong khi tổ công tác tiến hành kiểm tra đối tượng, thì bất ngờ một đối tượng từ bên kia biên giới nổ súng bắn vào đội hình làm anh Nhất và hai đồng đội bị thương. Do vết thương quá nặng, thiếu tá Vi Văn Nhất đã hy sinh trên đường đi cấp cứu.