Lời chúc mừng từ cựu sinh viên chính là minh chứng cho việc thầy cô đã làm tốt công việc giảng dạy

Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong xin giới thiệu chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thành Đạt - Bí thư Đoàn Thanh niên Đại học Đà Nẵng, Phó Trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế Đại học Đà Nẵng, Giảng viên Khoa Ngân hàng – Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng về Ngày 20/11.

Món quà từ sinh viên mong muốn được nhận nhất trong Ngày 20/11

Qua tiếp xúc với nhiều sinh viên, tôi nhận thấy rằng so với sinh viên miền Bắc và miền Nam thì sinh viên miền Trung thường có tinh thần chịu khó và chăm chỉ trong học tập cũng như công việc bởi vì khu vực miền Trung thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, điều kiện kinh tế có phần khó khăn hơn, nên từ nhỏ, sinh viên miền Trung đã được rèn luyện tinh thần bền bỉ và ý chí vươn lên, thích nghi với hoàn cảnh khắc nghiệt. Điều này thường thể hiện rõ trong phong cách học tập và làm việc, khi họ luôn cố gắng vượt qua trở ngại để đạt được thành công. Các bạn cũng thường giản dị và thực tế trong lối sống do ảnh hưởng từ lối sống truyền thống của gia đình và văn hóa địa phương, sinh viên miền Trung thường ưu tiên những giá trị thực tế, và chú trọng vào mục tiêu lâu dài. Bên cạnh đó, các bạn thường có phần kín đáo, ít cởi mở hoặc thẳng thắn so với sinh viên miền Bắc và miền Nam.

PGS.TS Nguyễn Thành Đạt nhận bằng tốt nghiệp Tiến sĩ tại Australia.

PGS.TS Nguyễn Thành Đạt nhận bằng tốt nghiệp Tiến sĩ tại Australia.

Tôi gắn bó với nghề giảng viên được 8 năm, cũng từng đó mùa hiến chương 20/11, và may mắn nhận được nhiều món quà từ sinh viên trong những dịp này. Đối với bản thân trong lễ 20/11, điều làm tôi thấy vui nhất chính là nhận được những lời hỏi thăm, chúc mừng từ các cựu sinh viên. Lời chúc mừng từ cựu sinh viên chính là minh chứng cho việc tôi đã làm tốt công việc giảng dạy của mình, đây cũng là động lực để tôi gắn bó hơn với nghề giáo.

Mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên ở Việt Nam có gì đặc biệt?

Có thể thấy rằng sự khác biệt lớn nhất khi so sánh môi trường học tập tại Việt Nam và nước ngoài đó chính là yếu tố văn hóa, phương pháp giảng dạy và quan niệm giáo dục. Quan hệ giữa giảng viên và sinh viên tại Việt Nam được xây dựng trên nền tảng tôn trọng cao đối với người dạy. Văn hóa tôn sư trọng đạo ở Việt Nam thể hiện rõ qua thái độ lịch sự, nghiêm túc khi tương tác với giảng viên. Trong khi đó, ở các nước phương Tây, mối quan hệ giảng viên-sinh viên thường cởi mở và bình đẳng hơn. Sinh viên được khuyến khích đặt câu hỏi, tranh luận hoặc thậm chí thách thức các quan điểm của giảng viên mà không sợ bị đánh giá thấp. Điều này xuất phát từ việc giảng viên coi sinh viên là đối tác trong quá trình học tập và tôn trọng ý kiến cá nhân của mỗi người.

Mục tiêu chung của mối quan hệ giảng viên - sinh viên là tạo điều kiện cho sinh viên tiếp thu kiến thức và phát triển các kỹ năng chuyên môn.

Tuy khác nhau, nhưng tôi nghĩ rằng mục tiêu chung của mối quan hệ giảng viên - sinh viên là tạo điều kiện cho sinh viên tiếp thu kiến thức và phát triển các kỹ năng chuyên môn. Giảng viên phải đóng vai trò người hướng dẫn, cung cấp kiến thức và định hướng học tập, trong khi sinh viên đóng vai trò học hỏi và áp dụng kiến thức trong thực tế.

Cần làm gì để giảng viên và sinh viên ngày càng hiểu nhau hơn?

Để giảng viên và sinh viên ngày càng hiểu nhau hơn trong bối cảnh hiện nay, cần có sự nỗ lực từ cả hai phía, nhưng tôi nghĩ giảng viên là người cần chủ động trong mối quan hệ này. Cụ thể cần tạo không gian giao tiếp cởi mở và thân thiện với sinh viên, thông qua các buổi trò chuyện, gặp gỡ ngoài giờ học, hoặc các hoạt động ngoại khóa. Áp dụng phương pháp giảng dạy linh hoạt và tương tác hai chiều như khuyến khích sinh viên tham gia thảo luận, đặt câu hỏi, và đóng góp ý kiến vào bài học thay vì giảng dạy một chiều. Các hoạt động nhóm, bài tập tình huống hoặc tranh luận trên lớp cũng sẽ giúp tăng cường tương tác. Giảng viên cần dành thời gian để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, khó khăn của sinh viên. Việc tạo các buổi gặp gỡ cá nhân hoặc khảo sát ý kiến sinh viên về phương pháp giảng dạy và nội dung học tập là cách hiệu quả để hiểu rõ người học hơn.

PGS.TS Nguyễn Thành Đạt cùng Đoàn Đại học Đà Nẵng và Đoàn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng đi thăm các gia đình chính sách tại xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi..

PGS.TS Nguyễn Thành Đạt cùng Đoàn Đại học Đà Nẵng và Đoàn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng đi thăm các gia đình chính sách tại xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi..

Giảng viên cần thể hiện sự tôn trọng đối với các ý kiến và quan điểm của sinh viên, nhưng đồng thời sinh viên cần thể hiện thái độ lịch sự và tôn trọng đối với giảng viên.

Giảng viên có thể sử dụng các công cụ học tập trực tuyến như diễn đàn thảo luận, các ứng dụng nhắn tin để trao đổi với sinh viên một cách thường xuyên và thuận tiện. Các nền tảng như Zoom, Microsoft Teams, hoặc Google Classroom cũng có thể giúp tăng cường sự kết nối ngoài giờ học. Giảng viên cần thể hiện sự tôn trọng đối với các ý kiến và quan điểm của sinh viên, nhưng đồng thời sinh viên cần thể hiện thái độ lịch sự và tôn trọng đối với giảng viên. Việc xây dựng một môi trường học tập không có sự phân biệt hay định kiến sẽ giúp cả hai bên trở nên thoải mái hơn trong việc trao đổi.

Để giảng viên và sinh viên ngày càng hiểu nhau hơn, cần có sự hợp tác từ cả hai bên, sự linh hoạt trong phương pháp giảng dạy và môi trường học tập cởi mở, tôn trọng. Điều này không chỉ cải thiện chất lượng giảng dạy mà còn giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và bền vững giữa thầy và trò.

PGS.TS Nguyễn Thành Đạt từng sinh sống, học tập và làm việc tại Australia. Sau khi trở về Việt Nam, ông tham gia giảng dạy, làm việc tại Đại học Đà Nẵng. Bên cạnh công việc giảng dạy và hoạt động chuyên môn tại Đại học Đà Nẵng, bản thân có cơ hội tham gia hoạt động Đoàn, tổ chức nhiều hoạt động, chương trình cho sinh viên Đại học Đà Nẵng.

Hiếu Nguyễn - Trần Anh (Ghi)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/loi-chuc-mung-tu-cuu-sinh-vien-chinh-la-minh-chung-cho-viec-thay-co-da-lam-tot-cong-viec-giang-day-post1691044.tpo