Lời chúc tuổi thơ trong chiếc đèn tháng Tám
6 năm về trước, một người lính đã công tác 13 năm ở quần đảo Trường Sa tự tay làm chiếc đèn Trung thu tặng các con mình ở đất liền. Khi ấy, con trai đầu 4 tuổi, mới được gặp bố hai lần và con trai thứ hai gần 1 tuổi, chưa một lần gặp bố. Anh là Thượng úy Nguyễn Viết Tưởng, hiện công tác tại đảo Đá Lớn A, quần đảo Trường Sa. Từ dấu ấn câu chuyện đầy xúc động này, các tổ chức và cá nhân khắp mọi miền đất nước đã chung tay tổ chức những mùa Trung thu đầy ấm áp, ân cần cho con em lính đảo.
Trung thu ấm tình đồng đội
“Cha nói cha có quà/ Cho con rằm tháng Tám/ Chiếc lồng đèn rất sáng/ Cha gửi từ đảo xa...”, nghe ca khúc của nhạc sĩ Quỳnh Hợp với ca từ, giai điệu thơ ngây, trong sáng, Thượng úy Nguyễn Viết Tưởng bỗng nhận ra, các con mình vào dịp Trung thu, cũng là mùa tựu trường, chưa bao giờ nhận được một món quà từ bố. Anh bắt tay vào làm chiếc đèn lồng, dù trong lòng vẫn băn khoăn không biết sẽ gửi về đất liền bằng cách nào. Đồng đội ai nấy đều hân hoan, mỗi người góp một công đoạn. Khung đèn làm từ tre, nứa vớt ở biển khơi, phơi khô, vót thành từng thanh mỏng. Một vài người lính liên lạc về đất liền, mua giúp đồng đội vật liệu gửi theo tàu. Tính từ khâu vật liệu ở Khánh Hòa gửi ra đảo, từ đảo vào Vũng Tàu, về TP Hồ Chí Minh, ra Hà Nội, về Hải Phòng và đến tay các con anh Tưởng... chiếc đèn lồng có hành trình gần 4.000km!
Những người lính đảo không ngờ được, có rất nhiều đơn vị, cá nhân đã hỗ trợ anh để món quà “vượt sóng”. Xúc động trước câu chuyện này, kỹ sư Trần Vũ Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương đã nghĩ ra ý tưởng kêu gọi các em học sinh cả nước và thầy cô giáo, phụ huynh... cùng viết những lời chúc tốt đẹp, những vần thơ đầy yêu thương để dán lên hàng nghìn chiếc đèn ông sao làm quà tặng cho con em cán bộ, chiến sĩ hải quân mỗi dịp Trung thu.
Năm nay, có tới 3.000 chiếc đèn Trung thu như thế và quà tặng cũng được mở rộng sang nhiều đồ chơi dân gian khác như mặt nạ. Tiêu biểu phải kể tới món quà là những chiếc mặt nạ đáng yêu, ngộ nghĩnh của các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Ninh Bình làm thủ công gửi tặng con em lính hải quân; Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội) tặng 1.000 đèn ông sao và viết 2.000 lời chúc dán ở hai mặt đèn; các trường THCS thị trấn Văn Giang (Hưng Yên), THCS Hạ Đình (Hà Nội) tổ chức cho học sinh viết lời chúc...
Đại úy Đặng Đức Anh, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh Ninh Bình, Bí thư Đoàn thanh niên Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn được góp một phần tình cảm nhỏ bé của mình để con em các chiến sĩ hải quân có một Tết Trung thu ấm áp; để các anh càng thêm vững lòng, tiếp bước thế hệ cha anh gìn giữ, bảo vệ biển đảo quê hương. Các chiến sĩ ngoài đảo xa đã chịu nhiều gian nan, thử thách và dũng cảm vượt qua để chúng ta có cuộc sống yên bình trong đất liền. Tuổi trẻ như chúng tôi có thể làm được gì sẽ làm để động viên các anh cả vật chất lẫn tinh thần sao cho xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến của các chiến sĩ ngoài đảo xa. Nếu điều kiện cho phép, bên cạnh việc làm những phần quà cho các cháu, những người lính trẻ chúng tôi cũng rất mong muốn được tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động xã hội để góp thêm một phần sức lực của mình cho cộng đồng nói chung và vì tình yêu biển đảo nói riêng”.
Nguyễn Trung Hiếu, người lính đóng quân tại đảo Trường Sa năm 2017, khi hoàn thành nghĩa vụ đã trở về đất liền, anh trải qua nhiều ngành nghề, hiện là đầu bếp. Dù bận rộn công việc đến mấy, mỗi mùa Trung thu anh đều thu xếp để tham gia tổ chức chương trình cho con em đồng đội. Bộ quân phục cũ vốn nằm ngay ngắn một góc phòng nay được anh khoác lên người và đến thẳng những ngôi trường đang tổ chức làm quà tặng. Các em ọc sinh vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng khi được tận mắt ngắm chú bộ đội hải quân. Anh hướng dẫn các em viết thư, làm thơ, viết lời chúc dán lên hai mặt của đèn ông sao để tặng các bạn nhỏ mà hầu hết các bạn đều không nhận được quà của bố, không có bố đồng hành trực tiếp trong mùa tựu trường.
Thượng úy Nguyễn Huy Trường công tác tại đảo Đá Lớn A vừa được về nghỉ phép. Anh tạm gác những kế hoạch gặp gỡ, nghỉ ngơi để tham gia chương trình. Anh và Thượng úy Nguyễn Viết Tưởng là đồng đội, đang đóng quân cùng một đảo. Anh bồi hồi tâm sự, đây là cơ hội hiếm hoi được mang đến niềm vui cho con em của đồng đội mình, cũng là trải nghiệm khó quên, bởi có ở trong đất liền mới cảm nhận được trọn vẹn nhất niềm vui của sự trao gửi và đón nhận. Có những người lính, dù công tác cùng quần đảo nhưng không hề biết tới nhau, trong kỳ nghỉ phép này, họ bất ngờ gặp gỡ khi không mặc quân phục, không khoác súng trên vai, mà là chăm lo hậu phương cho đồng đội còn đang làm nhiệm vụ. Dù ở giữa đời thường, chở nhau trên xe máy đi khắp mọi nơi, làm đủ mọi việc, thì phẩm chất người lính vẫn ngời sáng, thân thương.
Lan tỏa ý nghĩa nhân văn…
Chương trình Tết Trung thu “Bố ở đảo xa, con ở nhà có bạn” được tổ chức bắt đầu từ năm 2016 với quy mô lớn. Từ năm 2017 đến nay, những chiếc đèn có lời chúc của trẻ em và mọi người gửi tới con em lính đảo đã xuất hiện, lan tỏa ý nghĩa nhân văn trong các chương trình tổ chức tại Bộ Tư lệnh Vùng 1, Vùng 2, Vùng 4, Vùng 5 hải quân.
Kỹ sư Trần Vũ Thành cho biết, mục đích chương trình muốn hướng tới tinh thần chia sẻ yêu thương của mọi lực lượng trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, thiếu niên, nhi đồng dành cho con em người lính. Trung thu thường trùng vào dịp năm học mới, mỗi học sinh trong đất liền đều có thể được bố đưa đến trường, nhưng con em cán bộ, chiến sĩ hải quân thì quanh năm xa bố, không có bố đồng hành trực tiếp trong những dấu ấn của tuổi thơ. Thông qua chiếc đèn ông sao là món quà dân gian quen thuộc, đội ngũ tổ chức muốn kết hợp bảo tồn, gìn giữ các giá trị truyền thống với sự yêu thương, đùm bọc.
Đại tá Phan Ngọc Quang, Chính ủy Lữ đoàn 685, Vùng 4 hải quân, vốn được biết đến như một “hội viên danh dự” của Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương. Chỉ cần sắp xếp được công việc, thời gian là anh tham gia nhiều hoạt động, tự tay khuân vác, vận chuyển quà tặng, trao quà tới các em nhỏ. Anh chia sẻ, những hoạt động đầy ấm áp này là nguồn cổ vũ, động viên cho con em cán bộ, chiến sĩ để các cháu vươn lên trong học tập, cuộc sống, cùng mẹ và ông bà khắc phục những khó khăn khi bố công tác xa nhà.
Về phía những người lính, với vai trò công tác nhiều năm ở đảo xa, Đại tá Phan Ngọc Quang nhấn mạnh, đây cũng là sự chia sẻ rất thiết thực, giúp người lính vững tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân tin tưởng. Nhiều người lính đã nhắn nhủ, viết thư bày tỏ niềm trân trọng trước các hoạt động tình nguyện trên, đặc biệt là những món quà đặc biệt mà toàn xã hội đã thay các anh gửi tới con mình. Ấn tượng của anh và nhiều người vào mỗi dịp Tết Trung thu được tổ chức ở khu đô thị Cam Ranh (Khánh Hòa) là cả một không gian thắp sáng bởi ánh đèn lung linh, trẻ em đồng thanh hát, rước đèn. Không gian đẹp đẽ và rộng lớn ấy chỉ có hình ảnh của bà, của mẹ và trẻ thơ. Thế nhưng, hình ảnh, tinh thần của người lính lại thể hiện rõ qua từng câu chuyện đầy cảm xúc mà hậu phương đã thể hiện đầy vững vàng, tha thiết.
“Nghe nói cậu có bố là bộ đội ở đảo, tớ biết là cậu đôi khi sẽ buồn và nhớ bố. Nhưng, Trung thu đến rồi, cho dù cậu có buồn thế nào thì cũng nên vui lên. Có như vậy bố cậu mới yên tâm mà công tác được”, cháu Minh Nguyệt, học sinh lớp 6A1, Trường THCS Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội nắn nót viết lời chúc để dán lên một chiếc đèn ông sao. Vào ngày chuyển quà, bỗng xuất hiện một người đàn ông đã luống tuổi, tự nguyện tham gia chuyển hơn 200 thùng quà trọng lượng tới 1,5 tấn.
Ông Dương Văn Tuyên ở Hà Nội, từng là bộ đội đặc công thời kháng chiến tại chiến trường Tây Nguyên những năm 1973. Ký ức của ông về thời trai trẻ là những ngày ăn cơm nắm với măng rừng, những đêm căng mình đối đầu với địch. Hơn 50 năm trôi qua, đất nước đã thống nhất, ông vẫn miệt mài lao động. Nụ cười chất phác, ông khẽ gạt mồ hôi và nói: “Thương các con, các cháu!”.
Có những sinh viên ở Ninh Thuận, Khánh Hòa hoàn cảnh khó khăn nhưng đã tích góp tiền làm thêm để có kinh phí ra Hà Nội, Hải Phòng tổ chức Trung thu cho các em nhỏ. Nhiều nhà báo, doanh nghiệp đã lặng lẽ kết nối các nguồn lực và trực tiếp tham gia khâu tổ chức. Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông - Viettel Post vận chuyển miễn cước toàn bộ quà tới Cam Ranh, Vũng Tàu, Phú Quốc.
Tết Trung thu “Bố ở đảo xa, con ở nhà có bạn” năm nay được tổ chức tại Bộ Tư lệnh Vùng 5 hải quân (Phú Quốc, Kiên Giang) với nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trò chơi thiếu nhi, tặng quà Trung thu, đồ dùng học tập và học bổng. Chương trình cũng gửi 1.000 phần quà qua Bộ Tư lệnh Vùng 4 hải quân, 800 phần quà qua Bộ Tư lệnh Vùng 2 hải quân để trao cho con em cán bộ, chiến sĩ.
Trung thu, Trường Sa bắt đầu vào mùa biển động. Những người lính công tác lâu năm trên quần đảo thường kể rằng, hiếm khi người lính được ngắm trọn vẹn vầng trăng tròn trên bầu trời trong và nhiều sao như ở đất liền. Nhưng, ký ức tuổi thơ, niềm vui của các con mình, các cháu thiếu nhi cả nước chính là niềm tự hào và hạnh phúc vô bờ đối với các anh. Có lẽ, từ ý nghĩa đặc biệt đó mà những mùa Trung thu gần đây, toàn xã hội đã dành sự quan tâm đặc biệt cho con em cán bộ, chiến sĩ hải quân.
Món quà tinh thần ấy góp phần tiếp thêm niềm tin, hy vọng để người lính và hậu phương của họ càng thêm vững vàng, nhiệt huyết.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/loi-chuc-tuoi-tho-trong-chiec-den-thang-tam-i667248/