Lời cuối cho cuộc tình?
Quá tệ! Có lẽ đó là cảm giác chung của nhiều tướng lĩnh Mỹ khi nghe Bộ ngoại giao Philippines thông báo rằng, theo quyết định của Tổng thống Rodrigo Duterte, Manila đã chính thức đơn phương chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ, được ký từ năm 1998.
Bằng quyết định này, dường như lời cuối cho “cuộc tình” trăm năm giữa Mỹ với Philippines đang đi đến hồi kết.
Giữa những thông tin tràn ngập về dịch Covid-19 đang lan tràn khắp thế giới, dường như một thông báo hủy thỏa thuận thăm viếng không gây được sự chú ý của dư luận. Nhưng, vượt qua khuôn khổ của một quyết định hủy bỏ đơn phương về các lực lượng (của Mỹ) thăm viếng (Philippines), động thái này của Manila đã gây chấn động về mặt địa chính trị ở một tầm mức lớn hơn rất nhiều so với sự đoạn tuyệt một mối quan hệ song phương.
Có thể nói không ngoa rằng, nếu như được thực thi, nó sẽ có tác động không nhỏ đến cục diện của khu vực Đông Nam Á, rộng hơn là cả khu vực châu Á và với hiệu ứng domino, có thể là trên cả phạm vi thế giới.
Cái “lõi” của Hiệp ước phòng thủ Mỹ - Philippines
Sau Thế chiến 2, để chuẩn bị cho cuộc Chiến tranh Lạnh đang tới gần, Mỹ có hàng loạt biện pháp nhằm tăng cường sự hiện diện ở khu vực châu Á. Năm 1947, Thỏa ước căn cứ quân sự được ký kết cho phép Hoa Kỳ mướn 16 căn cứ (trong đó có căn cứ không quân Clark) và khu vực dành cho quân sự bao gồm vịnh Subic của Philippines trong khoảng thời gian 99 năm.
Tiếp đó, Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines (MDT) ký năm 1951, được tạo dựng dựa trên những căng thẳng thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh, là một hiệp ước liên minh, quy định rằng nếu một trong hai bên bị tấn công vũ trang thì bên kia có nghĩa vụ thực hiện hành động đáp trả mối đe dọa chung đối với cả hai bên.
Năm 1979, Thỏa ước căn cứ quân sự năm 1947 được bổ sung phụ lục, xác nhận chủ quyền của Philippines tại căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark, thay đổi vai trò người Mỹ từ làm chủ sang khách. Mỹ chỉ được thuê căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark đến năm 1991. Nếu muốn tiếp tục thuê các căn cứ này thì phải đàm phán lại với chủ nhà Philippines.
Giữa năm 1991, hoạt động dữ dội của ngọn núi lửa Pinatubo đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động ở vịnh Subic và làm hư hại hầu như toàn bộ căn cứ không quân Clark, cộng với những cuộc đàm phán không thành công giữa hai bên đã buộc Mỹ phải rời bỏ 2 căn cứ quân sự quan trọng bậc nhất khu vực châu Á này tại Philippines.
Nhưng Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines 1951 thì vẫn còn đó! Hai bên tiếp tục duy trì tình trạng là đồng minh và Mỹ vẫn hy vọng có thể đưa lực lượng quân sự quay lại Philippines. Bởi vậy, sau nhiều năm thương lượng, Manila và Washington đã đạt được Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA), ký năm 1998.
Thỏa thuận này quy định các điều kiện tiên quyết, phạm vi hoạt động cũng như quyền hạn pháp lý liên quan đối với binh sĩ, nhân viên và trang thiết bị quân sự của Mỹ khi tiến vào Philippines, kể cả nội dung những cuộc tập trận do cả hai bên phối hợp tổ chức.
Do Hiến pháp Philippines có quy định không cho phép các lực lượng quân đội nước ngoài được “thường trú” trên lãnh thổ nước này nên VFA mới “lách luật” bằng cách quy định rằng các lực lượng Mỹ tới và ở lại Philippines là lực lượng “luân phiên” chứ không phải “thường trú”!
Có thể nói Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) giữa Mỹ với Philippines là cái “lõi” trong Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines (MDT). Không có VFA thì MDT chỉ là một cái máy tính không có hệ điều hành, hợp tác an ninh giữa Mỹ và Philippines sẽ chỉ có tác dụng trên giấy.
Giọt nước tràn ly
Vĩ lẽ gì mà một thỏa thuận quan trọng nhường ấy lại dễ dàng bị Manila xóa bỏ trong vòng một nốt nhạc?
Điều gì cũng có căn nguyên của nó. Kể từ khi lên nắm quyền ở Philippines từ giữa năm 2016, Tổng thống R.Duterte đã đảo ngược chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Aquino III, áp dụng thế cân bằng ngoại giao với các nước lớn. Một trong những quyết định đối ngoại quan trọng đầu tiên của tân Tổng thống Philippines là gạt bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế La Hay (bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc tại các vùng biển lân cận), đồng thời không ít lần bày tỏ mong muốn Philippines tự đứng trên đôi chân của mình trong các vấn đề đảm bảo an ninh.
Chiến dịch trấn áp các hoạt động buôn bán ma túy do ông R.Duterte phát động kể từ khi còn làm Thị trưởng Davao và tiếp tục khi ông đã vào trong Điện Malacanang đã vấp phải không ít lời chỉ trích từ phía Mỹ, chủ yếu liên quan đến khía cạnh nhân quyền. Điều này không ít lần khiến ông R.Duterte bực bội, đặc biệt là đối với trường hợp Mỹ viện lý do quan ngại về nhân quyền, dọa cấm cửa các quan chức Philippines, trong đó có cựu Cảnh sát trưởng Ronald dela Rosa, một đồng minh lâu năm của ông Duterte.
Tháng 2-2017, cựu Bộ trưởng Tư pháp Philippines, Thượng nghị sĩ Leila de Lima bị cảnh sát Philippines bắt giữ vì tình nghi có liên quan đến buôn bán ma túy. Giọt nước làm tràn ly chính là việc một số nghị sĩ Mỹ chỉ trích hành động này, coi đó là có động cơ chính trị. Đi xa hơn, có 2 nghị sĩ Mỹ còn đề xuất Quốc hội Mỹ trừng phạt Philippines bằng cách cấm nhập cảnh vào Mỹ bất kỳ quan chức tư pháp nào liên quan đến vụ bắt giữ Thượng nghị sĩ Leila de Lima.
Ông Duterte phản ứng cực rắn: cấm 2 nghị sĩ Mỹ nọ nhập cảnh vào Philippines; cấm các quan chức Philippines, chỉ trừ Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Lopez, không được đến Mỹ, kể cả đi du lịch cùng với gia đình; từ chối thẳng thừng lời mời của Tổng thống Donald Trump tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN dự kiến diễn ra ở Las Vegas vào trung tuần tháng 3-2020.
Và sau “tối hậu thư” cho Mỹ một tháng để “thay đổi” (quan điểm đối với việc cấm các quan chức Philippines nhập cảnh liên quan đến nhân quyền), ông Duterte đã hành động đúng như lời đe dọa: chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA).
Mắt xích bị hổng
Việc Philippines đơn phương chấm dứt VFA, nếu thành hiện thực, sẽ không chỉ đe dọa liên minh quân sự với Mỹ mà sẽ dẫn tới những hệ lụy lâu dài đối với tình hình an ninh khu vực, đặc biệt là quan hệ cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ với Trung Quốc.
Trong chiến lược quân sự của Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương, “chuỗi đảo thứ nhất” là tên gọi hệ thống vành đai ngăn chặn mà Mỹ muốn dựng lên ở khu vực này, bắt đầu từ Nhật Bản ở phía Bắc (với căn cứ Okinawa), qua Đài Loan, rồi tới Philippines và kéo dài xuống phía Nam tới tận Singapore, nơi trong năm 2019 Mỹ vừa ký gia hạn thỏa thuận sử dụng căn cứ quân sự thêm 15 năm nữa.
Mục tiêu của “chuỗi đảo” này thì ai cũng nhìn thấy: phong tỏa không cho các hạm đội của Trung Quốc, được trang bị tên lửa hiện đại, vươn ra xa các vùng biển xa trên Thái Bình Dương, đe dọa các lợi ích của Mỹ.
Với cả Nhật Bản, Đài Loan, Philippines đều là những đồng minh của Mỹ, lựa chọn của Trung Quốc nhằm tìm cách thoát khỏi “chuỗi đảo” phong tỏa này là đột phá về hướng Nam. Đó chính là một trong những lý do sâu xa khiến cho Trung Quốc tiến hành xây dựng và quân sự hóa các kết cấu nhân tạo ở Biển Đông, đưa ra những đòi hỏi vô lý về lãnh thổ trên Biển Đông và thực hiện các hành vi khiêu khích “dưới ngưỡng” như cho giàn khoan thăm dò vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam hay đưa một lượng tàu cá lớn đến đánh bắt ở vùng biển của Indonesia...
Tất cả nhằm tạo ra những vùng “tranh chấp” tại các vùng biển thuộc chủ quyền chính đáng của các nước láng giềng, từ đó tiến tới thâu tóm khu vực Biển Đông, mở đường ra những vùng biển xa...
Philippines là một mắt xích quan trọng trong “chuỗi đảo” và một khi Manila chấm dứt VFA, điều đó cũng có nghĩa là mắt xích đó trong chiến lược của Mỹ đã bị chọc thủng!
Có thể đó cũng là lý do khiến Tổng thống Duterte khá cứng rắn khi đưa ra tuyên bố đơn phương chấm dứt VFA.
Tuy nhiên, điều quan trọng là VFA quy định rằng một trong hai bên có thể rút khỏi thỏa thuận sau khi thông báo trước 180 ngày. Điều đó có nghĩa là VFA vẫn còn hiệu lực trong 6 tháng, khoảng thời gian đủ để hai bên giải quyết những bất đồng thông qua các cuộc đàm phán.
Cả Tổng thống Duterte lẫn ông Trump đều là những người rất khó đoán định về các quyết định của họ. Những đòn phép tâm lý đều có thể được sử dụng cho những cuộc đàm phán, nếu có. Tại Nhà Trắng, khi được hỏi về việc Philippines rút khỏi VFA, ông Trump đã bình thản nói: “Không sao, chúng ta sẽ tiết kiệm được nhiều tiền!”.
Không một ai biết liệu ông Trump, người từng bày tỏ sự nghi ngờ giá trị của các liên minh từ NATO tới Mỹ-Hàn Quốc có thực sự nghĩ như thế không. Nhưng, quan hệ giữa Mỹ và Philippines đã kéo dài trên trăm năm, không phải dễ một lúc mà buông bỏ. Không yêu đừng nói lời cay đắng!
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/loi-cuoi-cho-cuoc-tinh-586425/