Lời gia truyền của Đồng Nhân Đường

'Đồng Nhân Đường Bắc Kinh' luôn tuân thủ nghiêm ngặt lời dạy của tổ tiên 'bào chế tuy phức tạp nhưng không bớt công đoạn, dược liệu tuy đắt đỏ nhưng không bớt thành phần'.

Theo đuổi chất lượng sản phẩm tốt nhất không cố tình chạy theo số lượng luôn là quan niệm mà người nghệ nhân giữ vững. Inamori Kazuo, huyền thoại kinh doanh của Nhật Bản, từng nói rằng: “Tỷ lệ thành công trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm của tôi là 100%, bởi vì chúng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc”.

Sáng tạo là sản phẩm phụ của tinh thông, muốn đạt tới độ tinh thông, chỉ có thông qua quá trình học tập và thực tiễn lâu dài để bồi dưỡng. Bởi vậy, phải đứng ở góc độ thị trường và khách hàng để suy nghĩ, phải quyết tâm, kiên trì, bền bỉ, bởi vì mọi phát minh và sáng tạo không thể làm một lần là xong.

Người thợ sáng tạo sản phẩm luôn giữ vững con tim khắt khe theo đuổi sự hoàn mỹ, không ngừng đốc thúc bản thân phải làm tốt hơn nữa. Họ chưa từng theo đuổi số lượng và thị phần một cách mù quáng, mà thường xuyên kiểm điểm bản thân.

Giai đoạn thứ ba, làm việc bằng lương tâm. Xung quanh chúng ta đang không ngừng xuất hiện những cụm từ như “giá trên trời”, “xa xỉ”, nhiều sản phẩm danh không đúng với thực, cuối cùng chỉ có thể đi tới diệt vong.

Những người nghệ nhân ưu tú đều hiểu tường tận về giá thành, giá trị của sản phẩm và dịch vụ của mình, nhưng họ thường rất khiêm tốn, không bao giờ thổi phồng bản thân, cũng không bao giờ khoác lác về sản phẩm, mà còn thường xuyên nghĩ cách hạ giá thành sản phẩm để đối mặt với áp lực giá cả liên tục tăng cao, nhằm thỏa mãn nhu cầu của nhiều người tiêu dùng nhiều hơn.

Họ sẽ không đưa những thứ hàng kém chất lượng vào lẫn với hàng tốt cho đủ số lượng, luôn dốc hết tâm lực, dùng nguyên vật liệu tốt nhất để tạo ra sản phẩm, suy nghĩ cho lợi ích của người tiêu dùng và môi trường sinh thái.

“Đồng Nhân Đường Bắc Kinh” là cửa hiệu lâu đời về Y học cổ truyền Trung Quốc. Họ luôn tuân thủ nghiêm ngặt lời dạy của tổ tiên “bào chế tuy phức tạp nhưng không bớt công đoạn, dược liệu tuy đắt đỏ nhưng không bớt thành phần”, xây dựng ý thức tự kỷ luật “phối chế bằng lương tâm, ý đồ ông trời thấu”, giữ vững tinh thần tỉ mỉ trong quá trình chế tạo thuốc. Sản phẩm của họ được cả trong và ngoài nước biết đến nhờ “phương pháp phối chế độc đáo, lựa chọn nguyên liệu chất lượng, kỹ thuật tinh xảo, hiệu quả chữa trị rõ rệt”.

“Cái tâm của người làm nghề”, chính là làm tốt sản phẩm, phục vụ người tiêu dùng bằng thái độ nghiêm túc. Trong quá trình làm việc, người thợ có thể tận hưởng cảm giác đầy đủ mà công việc mang lại, tức có thể tận hưởng sự trưởng thành và niềm vui trong quá trình tương tác với sản phẩm.

Ngoài ra, còn có thể tận hưởng cảm giác hài lòng và vui sướng khi sự phục vụ của mình được mọi người đón nhận và yêu thích. Họ giữ vững tâm nguyện thuở ban đầu để làm việc lâu dài.

Đến nay, tinh thần nghệ nhân coi trọng chất lượng, theo đuổi sự hoàn mỹ đang được đông đảo mọi người sùng bái. Nhưng khi đề cập đến tinh thần nghệ nhân, không ít người sẽ mang sản phẩm của Trung Quốc ra so sánh với sản phẩm của Đức, Nhật Bản, quy kết nguyên nhân gây ra sự khác biệt là do thiếu sót của tinh thần nghệ nhân trong truyền thống văn hóa Trung Quốc. Cách nói này thiếu tính công bằng và hợp lý.

Nhìn lại lịch sử, sản phẩm do Nhật Bản và Đức chế tạo cũng từng bị gắn mác “giá rẻ kém chất lượng”. Hình tượng sản phẩm chất lượng cao mà họ đang xây dựng hiện tại không tách rời chiến lược “cách mạng chất lượng”, “chất lượng cứu quốc”, “chấn hưng chất lượng” mà họ thực hiện lúc bấy giờ, không tách rời sự

hỗ trợ của công nghệ tiên tiến và hệ thống giáo dục toàn diện. Thành công của họ không phải là chuyện một sớm một chiều, mà phải trải qua quá trình nỗ lực cải thiện vài chục năm, thậm chí là hàng trăm năm.

Trong quá trình công nghiệp hóa, ngành chế tạo của Trung Quốc ban đầu chỉ có thể dựa vào ưu thế “đồ tốt giá rẻ” để tiến vào thị trường quốc tế, nhưng trong giai đoạn phát triển với tốc độ chóng mặt, trên thị trường đã bắt đầu đầy rẫy hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Nguyên nhân bởi nhiều doanh nghiệp vì theo đuổi hiệu quả, lợi ích kinh tế nhất thời mà phớt lờ đi chất lượng và nội hàm của sản phẩm.

Sau một loạt sản phẩm chất lượng cao như tàu cao tốc, điện hạt nhân, điện gia dụng, điện thoại di động vươn tầm vóc ra thương trường quốc tế, người tiêu dùng Trung Quốc đã dần tìm lại được lòng tin với sản phẩm của nước nhà, ngành chế tạo của Trung Quốc cũng bắt đầu được công nhận, tiếng tăm đang dần trở lại.

Đây là điều mọi người cảm thấy vui mừng. Giai đoạn hiện tại đang là giai đoạn bước ngoặt của cách mạng khoa học công nghệ và cải cách ngành nghề mới, việc sản suất và phát triển mô hình chế tạo cũng đã phát sinh cải cách lớn. Những thay đổi này vừa hay đã phù hợp với quan niệm và nội hàm mới của tinh thần nghệ nhân.

Đúng như câu “Mười năm mài kiếm”, mọi việc không thể làm nhanh vội, việc gây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng vậy. Muốn bồi dưỡng tinh thần nghệ nhân, để nó sánh kịp với thời đại, thì đòi hỏi chúng ta phải không ngừng tăng cường ý thức thương hiệu, không ngừng hoàn thiện chế độ khích lệ và môi trường văn hóa xã hội, nâng cao quyền lực mềm, tạo dựng hình tượng tốt đẹp về sản phẩm.

Phó Thủ Vĩnh/ Bách Việt Books & NXB Lao động

Nguồn Znews: https://znews.vn/loi-day-gia-truyen-giup-dong-nhan-duong-giu-thuong-hieu-post1565541.html