Đề xuất 'cải cách triệt để, tránh hình thức' để thị trường vàng lành mạnh

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước tiếp thu một phần kiến nghị từ giới chuyên môn và doanh nghiệp, nhưng dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012 về kinh doanh vàng vẫn chưa chạm đến cốt lõi của vấn đề.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 24/2012 về kinh doanh vàng.

Nhân dịp này, báo Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) về các vấn đề dư luận quan tâm:

Từ năm 2012 đến nay, thị trường vàng miếng Việt Nam hoạt động dưới sự điều tiết của Nghị định 24/2012. Với chủ trương kiểm soát hiện tượng “vàng hóa”, Nhà nước tập trung quyền sản xuất vàng miếng vào duy nhất một doanh nghiệp – Công ty SJC, theo mô hình “độc quyền định hướng”.

Chênh lệch giá vàng vẫn cao

Ban đầu, cơ chế trên giúp ổn định tâm lý thị trường. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, hệ lụy của nó đã trở nên rõ ràng: Chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế kéo dài, người dân và doanh nghiệp phải chịu tác động. Thực trạng giá vàng trong nước cao hơn thế giới tới 10–12 triệu đồng/lượng không chỉ tạo ra tâm lý đầu cơ mà còn khiến hàng loạt kênh đầu tư, tích trữ trở nên méo mó.

 PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế.

PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế.

Nguyên nhân sâu xa không chỉ là cung – cầu, mà nằm ở cơ chế pháp lý lỗi thời đang ảnh hưởng đến thị trường: Từ độc quyền thương hiệu, giấy phép con, cho đến quy trình cấp phép mang tính xin – cho.

Theo Nghị định 24, để được kinh doanh vàng miếng, doanh nghiệp không chỉ cần đăng ký kinh doanh mà còn phải xin giấy phép từ NHNN. Quy trình phức tạp, quyền lực cấp phép tập trung vào một cơ quan duy nhất đã hình thành nên tình trạng “xin – cho” kéo dài. Mỗi lần nhập khẩu vàng nguyên liệu hoặc vàng miếng, doanh nghiệp lại phải chờ đợi cấp phép từng lô, mất cơ hội giao dịch trong thị trường biến động nhanh.

Độc quyền sản xuất vàng miếng SJC không những làm mất đi cơ hội cạnh tranh lành mạnh mà còn dẫn đến tình trạng “người gánh hậu quả là dân”. Giá vàng SJC cao bất thường không phản ánh đúng cung cầu, mà phản ánh của vị thế độc quyền.

Hệ quả là người dân tích trữ vàng phải mua với giá cao, bán lại bị lỗ nặng; doanh nghiệp sản xuất không thể chen chân, thị trường mất đi động lực cải tiến.

Cải cách mới dừng ở mức kỹ thuật

Mặc dù NHNN tiếp thu một phần kiến nghị từ giới chuyên môn và doanh nghiệp, nhưng dự thảo sửa đổi Nghị định 24 vẫn chưa chạm đến cốt lõi của vấn đề.

Cụ thể, dự thảo vẫn duy trì cơ chế cấp phép từng lần xuất – nhập khẩu vàng nguyên liệu, NHNN vẫn “tổ chức sản xuất vàng miếng” – vừa hoạch định, vừa tham gia thị trường. Vẫn đặt ra điều kiện sản xuất khắt khe (vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng) khiến chỉ một vài doanh nghiệp có thể tiếp cận, thực chất là duy trì độc quyền dưới hình thức mới.

Quan trọng hơn, dự thảo chưa có đề xuất cụ thể nào về thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia, một công cụ thị trường cần thiết để minh bạch hóa giao dịch và giảm đầu cơ.

Cơ hội cải cách đang ở ngay trước mắt

Nghị quyết 68/2025 của Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu “xóa bỏ cơ chế xin – cho, sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế”. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định cần phải “chấm dứt độc quyền vàng miếng, bình thường hóa thị trường vàng theo nguyên tắc thị trường có kiểm soát”. Vì vậy, nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 24 không thể hiện được tinh thần ấy, thì không những bỏ lỡ cơ hội cải cách mà còn khiến lòng tin thị trường bị bào mòn nghiêm trọng.

Từ góc độ chuyên gia, xin đề xuất năm định hướng cải cách cấp thiết sau:

Một là, bãi bỏ hoàn toàn cơ chế cấp phép mua bán vàng miếng, chuyển sang quản lý hậu kiểm. Doanh nghiệp chỉ cần đăng ký ngành nghề kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

Hai là, xóa độc quyền vàng miếng – cho phép nhiều thương hiệu đạt chuẩn. Mở rộng sản xuất cho các doanh nghiệp có năng lực. Nhà nước ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật vàng miếng, kiểm định độc lập – không can thiệp vào thương hiệu.

Ba là, bỏ quy định cấp phép từng lần xuất – nhập khẩu vàng nguyên liệu. Chỉ cấp hạn mức hàng năm, giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp.Tránh mất cơ hội thị trường và giảm gánh nặng hành chính.

Bốn là, NHNN rút khỏi vai trò sản xuất, chỉ làm chức năng quản lý nhà nước. Tránh xung đột vai trò và hiện tượng vừa hoạch định, vừa tham gia thị trường.Tập trung xây dựng cơ chế minh bạch, kiểm tra – giám sát chặt chẽ thị trường.

Năm là, thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia và thị trường phái sinh vàng. Minh bạch hóa giá cả, hạn chế đầu cơ. Kết nối thị trường vàng vật chất với thị trường tài chính – tín dụng.

Cải cách cần triệt để, tránh hình thức

Thị trường vàng Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử. Hoặc tiếp tục điều chỉnh mang tính kỹ thuật, hoặc cải cách mạnh mẽ theo đúng tinh thần Nghị quyết 68.

Đã đến lúc chấm dứt tư duy “quản không được thì cấm”, xóa bỏ cơ chế xin – cho, để trả lại cho thị trường vàng đúng chức năng là kênh đầu tư, dự trữ minh bạch, hiệu quả, và phục vụ ổn định kinh tế vĩ mô.

Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Về điều kiện cấp phép sản xuất vàng miếng, Dự thảo của NHNN quy định phải có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, VCCI cho rằng việc yêu cầu doanh nghiệp sản xuất vàng miếng phải có thêm giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng là chưa hợp lý.

Bởi, đây là hai loại hình hoạt động khác nhau, sản xuất là hoạt động trong khâu đầu của chuỗi cung ứng, còn mua bán là hoạt động thương mại. Việc gộp hai loại giấy phép vào một yêu cầu làm phát sinh hiện tượng “giấy phép lồng trong giấy phép”, gây tăng chi phí tuân thủ và thời gian làm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, tại Dự thảo, NHNN đề xuất doanh nghiệp muốn được cấp phép sản xuất vàng miếng phải có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỉ đồng, ngân hàng là 50.000 tỉ đồng. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này.

"Không rõ tại sao quy định yêu cầu ngưỡng 1000 tỉ đồng với hoạt động này?VCCI đặt câu hỏi và dẫn phản ánh của doanh nghiệp cho rằng quy định này quá chặt, là rào cản quá lớn và sẽ loại phần lớn doanh nghiệp khỏi khả năng tham gia thị trường vàng.

Việc này cũng có thể dẫn đến tình trạng chỉ có một số ít doanh nghiệp có thể tham gia thị trường, làm hạn chế tính cạnh tranh, không đa dạng hóa được nguồn cung, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi và sự lựa chọn của người dân.

PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-cai-cach-triet-de-tranh-hinh-thuc-de-thi-truong-vang-lanh-manh-post858513.html