Lối đi dành cho người khuyết tật bị xâm phạm, gây lãng phí

Hiện nay, khi xây dựng đường giao thông nội đô như đường đi, lối đi trong bệnh viện, công viên… các địa phương, đơn vị đều quan tâm dành lối đi cho người sử dụng xe lăn nhưng thực tế lại có những vấn đề cần lưu tâm.

Về công trình cho người khuyết tật đã có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình bảo đảm người khuyết tật tiếp cận sử dụng (QCVN 10:2014/BXD). Cùng đó, đã có chế tài xử lý vi phạm theo Điểm c Khoản 1 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sử đổi bởi Điểm i Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính người điều khiển phương tiện gia thông vi phạm quy tắc gia thông đường bộ). Như vậy, lối đi cho người khuyết tật đã được Nhà nước quan tâm, tạo nét văn minh đô thị.

 Ô tô đỗ chắn lối dành cho người đi xe lăn ở đường Lê Lợi (TP Bắc Giang).

Ô tô đỗ chắn lối dành cho người đi xe lăn ở đường Lê Lợi (TP Bắc Giang).

Quan sát tại TP Bắc Giang, hầu hết các tuyến đường, phố chính đều có một lối đi lát gạch màu vàng dành riêng cho người người sử dụng xe lăn. Tuy vậy, ở nhiều tuyến đường, phố, kể cả đường Lê Lợi - tuyến đường chính đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh song tại nhiều điểm, lối đi này thường xuyên bị ô tô, xe máy đậu đỗ chắn hết.

Ở thị trấn Thắng (Hiệp Hòa), địa phương đang chỉnh trang đô thị và đường phố. Trong đó, đường Quang Trung vừa được sửa sang, có lối đi dành cho xe lăn. Dù vậy, tại nhiều điểm, lối đi này không được bố trí đồng bộ, thống nhất vô hình chung ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Ngay trong lúc đơn vị thi công đang lát gạch vỉa hè đã thấy những bất cập như có đoạn lối đi này đâm thẳng vào cột điện, rồi tường nhà dân, bậc thềm nhô ra lấn đường… Không biết bên thi công có phát hiện ra bất cập này để bàn bạc với đơn vị thiết kế (?). Còn một số người dân thì cho rằng đường ưu tiên cho người khuyết tật lại trở thành cái bẫy với cả người bình thường (!).

 Hộ dân làm bậc lên xuống lấn chiếm vỉa hè và cả lối dành cho người đi xe lăn (ảnh chụp tại thị trấn Thắng- Hiệp Hòa).

Hộ dân làm bậc lên xuống lấn chiếm vỉa hè và cả lối dành cho người đi xe lăn (ảnh chụp tại thị trấn Thắng- Hiệp Hòa).

Với những điều "mắt thấy, tai nghe" trên, rất mong trước khi thi công những công trình dành cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, các đơn vị liên quan cần tính toán kỹ, phối hợp đồng bộ để nâng gia trị sử dụng, tránh lãng phí và thể hiện văn minh đô thị, quan tâm đến người khuyết tật, không ai bị bỏ lại phía sau.

Trương Đức Nhân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/loi-di-danh-cho-nguoi-khuyet-tat-bi-xam-pham-gay-lang-phi-103131.bbg