Lối đi nào cho làng nghề hầm than ở Sóc Trăng?

Làng nghề hầm than xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) hình thành trên 50 năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng/người. Tuy nhiên, làng nghề này mang tính tự tiêu, tự cấp; lao động thủ công chưa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, chưa đảm bảo về điều kiện xử lý môi trường...

Ông Hà Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: “Lúc cao điểm, toàn xã có trên 1.000 lò hầm than. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, một số hộ đã bỏ lò chuyển sang làm nghề khác. Hiện, xã có 430 hộ làm nghề hàm than với 939 lò, tập trung ở các ấp Hòa Thành, Hòa Lộc 2, Hòa An”.

Nghề hầm than xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, chủ yếu là phụ nữ.

Nghề hầm than xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, chủ yếu là phụ nữ.

Nghề hầm than cho thu nhập cao. Mỗi lò giá trị sản phẩm 90 triệu đồng cho l2 hầm than đước; 60 triệu đồng cho lò hầm cây tạp. Mỗi năm, các lò hầm than ở Xuân Hòa cung cấp cho thị trường trong, ngoài nước trên dưới 54.000 tấn than. Nguyên liệu dùng để hầm than chủ yếu là đước, nhãn, vú sữa, bạch đàn, bưởi... Trung bình mỗi năm, một lò hầm than nơi đây sản xuất 6 mẻ, một mẻ trung bình 12 tấn. Các lò than này đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Ông Huỳnh Văn Chi (ngụ Hòa Lộc 2) chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 lò, chủ yếu là hầm than đước, mỗi lò từ 12-15 tấn than. Từ lúc phát lửa cho đến khi than chín từ 20 ngày đến 1 tháng. Khi than chín thì đóng cửa lò, chờ 20 ngày cho nguội mới dỡ than ra bán cho thương lái. Để hầm được 1 lò than đước cần 20m3 củi đốt lò (củi tạp). Sau khi trừ chi phí, nếu được giá, mỗi lò cho lợi nhuận từ 15 triệu đồng. Nếu không được giá, mỗi lò cho lợi khoảng 6 triệu đồng, có khi không lời vì giá thấp”.

Thường các chủ lò hầm than thuê người làm từ công đoạn bốc vác cây xếp vào lò, canh chừng thời gian hầm cho đến khi dỡ than giao cho thương lái. Chi phí cho một lò hết 15 triệu đồng. Những người làm công thu nhập 250.000đ/người/ngày. Nghề hầm than rất vất vả vì làm quanh năm. Cực nhất là vào mùa khô, nắng nóng, cộng thêm cái nóng của lò tỏa ra càng làm cho không khí nóng hơn, ngột ngạt hơn. Tuy nhiên những người làm nghề hầm than vẫn chấp nhận vì cho thu nhập ổn định.

Một phụ nữ đang lấy than trong lò ra nói: “Ở các lò hầm than đa số là phụ nữ. Một ngày làm cho lò than, mỗi người được trả công từ 200.000-250.000 đồng. Tuy không cao nhưng là khoản thu nhập đáng kể, ổn định”.

Bước vào một lò hầm đang ra hàng, chúng tôi thấy ngột ngạt, khó thở khi bụi than bay mịt mù. Trong khi đó, nhiều người phụ nữ mặt đen nhẻm vì dính bụi than nhưng họ vẫn không đeo khẩu trang. “Ngán nhất là lúc dỡ lò, vì phải ở trong lò nhiều hơn ở bên ngoài nên rất ngộp, cộng thêm bụi bặm và nóng”, một phụ nữ dỡ than cho hay. Tuy mang lại công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, nhưng lò hầm than ở Xuân Hòa lại gây ra không ít những hệ lụy: ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân địa phương bởi bệnh hô hấp, bệnh ngoài da…

Theo UBND xã Xuân Hòa, nhiều người lao động tại các lò hầm than còn chủ quan chưa quan tâm đến trang bị bảo hộ lao động. Khói bụi lò hầm than ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Thống kê cho thấy có khoảng 425ha cây ăn trái bị thiệt hại do ảnh hưởng của khói, bụi than. Nghề hầm than xây lò chất củi gây cản trở giao thông... Một nông dân địa phương cho biết: “Nhiều năm qua, có rất nhiều vườn cây ăn trái trong khu vực có lò hầm than bị thất thu, thậm chí nhiều nhà phải bỏ vườn vì không có thu nhập. Khói bụi từ các lò hầm than tỏa ra bám đen cây ăn trái và các căn nhà ở gần”.

Tỉnh Sóc Trăng đã có kế hoạch quy hoạch tập trung các lò hầm than vào một khu vực ở địa bàn xã (nay là thị trấn) An Lạc Thôn nhưng chưa thực hiện được vì nhiều hộ không đồng ý. Cơ quan chức năng có kế hoạch lắp đặt các thiết bị xử lý khói bụi nhưng cũng chưa thực hiện được. Ông Huỳnh Văn Chi giải thích: “Tỉnh có quy hoạch dời các lò nhưng các hộ không đồng ý vì ra đó phải thuê đất mở lò, đường vận chuyển nguyên liệu hầm than và than thành phẩm khó khăn, đội giá thành than sản phẩm so với làm lò hầm than ngay trên đất của mình”.

Ông Hà Thanh Bình cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị các chủ lò thực hiện tốt việc xử lý khói bụi nhằm chống ô nhiễm môi trường, tránh gây thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Đề nghị ngành chức năng quan tâm, nghiên cứu, giúp đỡ cho địa phương phát triển nghề hầm than mà trọng tâm là việc áp dụng mô hình xử lý khói bụi hiệu quả, chi phí thấp, dễ vận hành nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường”.

V.Đức – C.Xuân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/loi-di-nao-cho-lang-nghe-ham-than-o-soc-trang--i732873/