Lối đi nào cho người đồng tính ở Việt Nam?

Nhiều nam sinh thuộc LGBT+ cho biết, họ đang tự tin bước trên hành trình vượt qua định kiến và thử thách, một số còn có nguyện vọng chuyển giới, để được là chính mình.

Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật đã tổ chức cuộc thi sinh viên Miss Conservation 2022 (Hoa hậu Bảo tồn 2022). Trần Vinh (ND Tôn Ngọc Bảo Linh, 19 tuổi, sinh viên Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP. HCM) là người đăng quang ngôi vị hoa hậu trước sự chứng kiến của hơn 200 khách mời. Á hậu 1 và 2 lần lượt là hai sinh viên cùng trường Trần Hồ Hà Đan và Phương Tiên, đều 20 tuổi.

Bài liên quan

Cộng đồng LGBT mong được đối xử bình đẳng

SEA Pride 2016: Lễ hội của cộng đồng LGBT ở Hà Nội

Xu hướng thời trang đồng tính nữ lên ngôi ở Hollywood

Cô gái đồng tính đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Philippines 2021

Tại đây, điểm đặc biệt của các bạn không nằm ở phần trình diễn trang phục ấn tượng hay câu trả lời ứng xử xuất sắc, mà là thái độ tự tin ẩn sau những bộ tóc giả và váy đầm rực rỡ. Bộ ba cùng tất cả thí sinh khác đều là những nam sinh thuộc cộng đồng LGBT+ chọn dự thi bằng nghệ danh (ND), nhiều trong số đó còn có nguyện vọng chuyển giới.

Từng chịu nhiều tổn thương

Từng là nạn nhân của kỳ thị giới tính trong môi trường học đường, Nguyễn Huỳnh Nhân (20 tuổi, sinh viên sinh viên Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP. HCM), không khỏi xúc động khi kể lại câu chuyện “không những bị bạn bè kỳ thị, mà các giáo viên cũng dùng nhiều từ khiếm nhã để nói về tôi”.

“Tôi từng liên tục bị chửi mắng dù không làm gì sai, và cũng không dám nói chuyện với bất kỳ ai. Nhưng rồi tôi nhận ra mình chỉ có một lần để sống, nên phải sống đúng con người thật, không cần che giấu. Hôm nay, tôi tự tin nói rằng tôi là Nguyễn Nhân Ái, là người trong cộng đồng LGBT+”, Nhân tự hào, cho biết.

Trần Hoàng Đoàn (20 tuổi, ND Trần Hồ Hà Đan) tâm sự cũng chịu tổn thương bởi những cử chỉ, lời nói và ánh mắt kỳ thị thuở thiếu thời. “Tôi sinh ra và lớn lên tại vùng quê chưa phát triển, với nhiều định kiến về chuẩn mực của một người đàn ông. Sự xuất hiện của tôi lúc ấy bị xem là điều bất thường vì tôi thuộc cộng đồng LGBT”, Đoàn kể.

Anh cho rằng sự kỳ thị sẽ tồn tại mãi mãi nếu người trong cộng đồng không một lần dám can đảm bứt phá và cần dùng lời nói thay vì hành động để thay đổi chính mình và xã hội. “Tôi ước mơ trở thành phiên bản tốt nhất của mình: Một cô gái hoàn toàn tự tin”, Đoàn giãi bày.

Làm đủ mọi nghề để... mua hormone

Chia sẻ về hành trình “chạm” đến ước mơ chuyển giới, Hoàng Đoàn cho biết đã bắt đầu tiêm hormone hơn một năm, ngày từ quê lên học ở TP. HCM.

“Để trang trải học phí và chi phí tiêm hormone, tôi phải bán bánh tráng hằng ngày”, anh nói.

Số người thuộc cộng đồng LGBT+ được gia đình ủng hộ vốn không nhiều.

Cũng lựa chọn như Đoàn nhưng có khởi đầu sớm hơn, Trần Vinh đã chủ động làm đủ mọi nghề từ năm học lớp 11 để mua viên hormone về uống, sau khoảng thời gian dài đấu tranh tư tưởng và tìm hiểu từ những người chị đi trước. “Tôi muốn sống thật với giới tính của mình hơn là sống dưới hình hài nam mà đi giả nữ. Trở thành một cô gái hoàn thiện giúp tôi tự tin hơn cũng như có thể tìm được một tình yêu trọn vẹn”, Vinh chia sẻ.

Sau hai buổi sáng chiều học trên lớp, Vinh dành thời gian tối để đi múa trong vũ đoàn của tỉnh, làm phục vụ ở quán cà phê, quán trà sữa.

“Một tháng thu nhập cũng không bao nhiêu, chỉ đủ chi trả tiền hormone và xăng xe. Thử thách lớn nhất là làm sao có đủ tiền đến Thái Lan để thực hiện phẫu thuật chuyển giới", anh nói.

Để có thể kiên trì bước tiếp trên hành trình mơ ước, theo Vinh, là do anh may mắn có người thân, bạn bè bên cạnh. Nam sinh nhớ hoài khoảnh khắc công khai tin muốn chuyển giới cho mẹ cùng ông bà được biết rồi nhận được sự ủng hộ từ cả ba. “Mẹ cười với tôi, còn ông bà thì bảo con sao cũng được, chỉ cần hạnh phúc thôi”, Vinh bồi hồi.

Mong nhiều hơn nữa “cái nhìn văn minh”

Là tân hoa hậu sinh viên, Trần Vinh nhận định dù là bất kỳ ai thì yếu tố bên trong mới là giá trị thiết thực nhất, không phải ngoại hình hay xu hướng tính dục.

“Tôi sẽ dùng cả tiếng nói và hành động để cho xã hội thấy người khác làm được thì cộng đồng LGBT+ cũng làm được. Và khi tôi hướng bản thân sống tích cực, những bạn khác trong cộng đồng sẽ có ý thức học hỏi theo”, anh nói.

Các cuộc thi sắc đẹp dành cho người đồng tính, chuyển giới,... là sân chơi để các bạn trẻ thỏa sức sống "thật".

Là đại diện đứng ra tổ chức Miss Conservation, Thạch Hải Đăng (21 tuổi, sinh viên Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM) cho biết cuộc thi là sân chơi để bạn trẻ có thể sống thật với bản thân và được thấu hiểu, đồng cảm hơn. “Chương trình muốn lưu giữ và bảo tồn những nét đẹp văn hóa Việt Nam, qua đó cho thấy cộng đồng LGBT+ đang tạo ra những giá trị thực tế đóng góp cho xã hội”, Đăng khẳng định.

Anh tiếp tục: “Sau khi cuộc thi kết thúc, có những trường liên hệ mời chúng tôi về để truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên cũng thuộc cộng đồng LGBT+. Chúng tôi dự định sẽ thực hiện một tour trường học để cổ vũ các bạn khác dám đứng lên thể hiện bản thân, dám come out (công khai xu hướng tính dục). Tôi cũng mong có thêm nhiều chương trình LGBT+ nhân văn và thiết thực để bạn trẻ truyền đi những câu chuyện tích cực, cùng với đó được tỏa sáng khi là chính mình”.

Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát, “linh hồn” của những vở kịch dành cho thiếu nhi và cũng là người thầy luôn gần gũi với các thế hệ sinh viên Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP. HCM, nhận định cuộc thi của Hải Đăng là một “cái nhìn văn minh” cho thấy sự tồn tại và giá trị của cộng đồng LGBT+ đối với xã hội.

“Tôi mong các bạn cố gắng trau dồi hết tất cả mọi thứ, không chỉ về ngoại hình, không chỉ về tài năng mà còn về kỹ năng, đức độ trong cuộc sống. Để khi mọi người nhìn vào cộng đồng thì thấy các bạn đều là những người có ích, xứng đáng được tôn trọng”, anh bày tỏ.

Cuộc thi tuy đã kết thúc, nhưng những dư âm của nó vẫn sẽ tiếp tục lan rộng không chỉ ở cộng đồng LGBT+. Như MC Nguyễn Công Minh Trí, tổng đạo diễn chương trình, chia sẻ: “Dù chỉ là sinh viên, các thí sinh LGBT+ vẫn đang làm hết khả năng để tỏa sáng rực rỡ theo cách riêng. Từ đó, chứng minh cho xã hội thấy nguồn năng lượng của các bạn sẽ góp phần tích cực giúp quảng bá những nét văn hóa đẹp của đất nước, cũng như tiếp thêm cảm hứng hành động vì những quyền bình đẳng”.

Theo WHO và các Hiệp hội ngành nghề tâm lý và tâm thần trên thế giới, LGBT hoàn toàn không phải là một bệnh lý. Các nỗ lực nhằm thay đổi danh tính của một người đồng tính hay chuyển giới đã được chứng minh là không mang lại các thay đổi lâu dài. Ngược lại, nó còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về tâm lý và thể chất cho người LGBT.

Mới đây, trong thư phản hồi tới Viện iSEE (Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE), Tổ chức Y tế thế giới khẳng định sẽ luôn đứng trên các quan điểm y học cập nhật nhất về việc không xem đồng tính, song tính, chuyển giới là bệnh hay rối loạn tâm lý. Ông Kidong Park cũng nhấn mạnh rằng: Các cố gắng để thay đổi xu hướng tính dục của một người là thiếu cơ sở khoa học, và không thể chấp nhận về y đức, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và quyền của người bị tác động.

Huệ Mẫn - Hà Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/loi-di-nao-cho-nguoi-dong-tinh-o-viet-nam-post199139.html