Lối đi nào cho xuất bản điện tử?

Trong thời đại công nghệ 4.0, xuất bản điện tử đã tạo ra những tiện ích vượt trội so với xuất bản truyền thống, nhưng lĩnh vực này ở Việt Nam được nhận định còn nhiều thách thức và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông) cho biết, xuất hiện vào những năm cuối thế kỷ XX, sách điện tử đã làm cho ngành công nghiệp xuất bản thế giới có những chuyển hóa sâu sắc, khi các thiết bị lưu trữ và phổ biến thông tin kỹ thuật số ngày càng chiếm vị trí quan trọng nhờ những ưu thế về dung lượng, sự tiện lợi. Sự ra đời của ebook (sách điện tử), nhất là các thiết bị, phần mềm hỗ trợ đọc, trao đổi, mua bán sách trực tuyến đã tạo ra một cuộc cách mạng thật sự trong giới xuất bản. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, gọn nhẹ, độc giả đã có thể có những trải nghiệm như đọc một cuốn sách giấy, lật giở từng trang. Hình ảnh, audio, video được tích hợp vào ebook trên tương tác thời gian thực nên rất trực quan, sống động.

Xuất bản điện tử ở Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng chưa phát triển như kỳ vọng. (Ảnh minh họa)

Xuất bản điện tử ở Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng chưa phát triển như kỳ vọng. (Ảnh minh họa)

Có thị trường hơn 90 triệu dân, với tỷ lệ người sử dụng thiết bị công nghệ tương đối cao, xuất bản điện tử là hướng phát triển được kỳ vọng góp phần đưa ngành xuất bản nước ta vươn lên tầm cao mới. Thực tế cho thấy, hiện nay nước ta có 59 nhà xuất bản (NXB), nhưng chỉ có một số ít NXB và một số nhà sách lớn như Tiki, Vinabook, Phương Nam book, Thái Hà books, First News... đang theo đuổi xuất bản điện tử. NXB Trẻ thành lập hẳn một thương hiệu Ybook với số lượng lớn sách được số hóa, có tiêu chuẩn cao với nhiều ấn phẩm được công chúng đón nhận. Waka - đơn vị hoạt động xuất bản điện tử hàng đầu nước ta cho biết, những tháng đầu 2020, doanh thu của đơn vị tăng 20%-30%, đặc biệt tăng trong thời điểm thực hiện cách ly xã hội phòng, chống dịch COVID-19 lượng người đọc sách điện tử tăng vọt.

Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động xuất bản điện tử ở nước ta vẫn khiêm tốn. Số liệu thống kê 3 năm trở lại đây đã cho thấy rõ thực trạng này. Năm 2017, chỉ có 137 xuất bản phẩm điện tử được đăng ký lưu chiểu, trong khi có tới trên 2 vạn đầu sách được in. Tới năm 2018, con số xuất bản phẩm điện tử đã tăng lên gần 200, nhưng vẫn quá ít so với hơn 31.000 cuốn sách in truyền thống. Riêng năm 2019, xuất bản phẩm điện tử đạt hơn 2.400 cuốn với 1,5 triệu lượt truy cập, doanh thu đạt khoảng 100 tỷ đồng, chiếm gần 4% doanh thu hoạt động xuất bản. Nhưng theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, con số thống kê trên cho thấy thị trường xuất bản điện tử ở nước ta phát triển chưa xứng với tiềm năng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, xuất bản điện tử còn kém phát triển vì trước hết nhiều năm nay, các xuất bản phẩm điện tử lậu, không bản quyền, phát tán miễn phí trên rất nhiều diễn đàn, trang mạng trong và ngoài nước đã ảnh hưởng đến doanh thu cũng như danh tiếng của các NXB, đơn vị làm sách chân chính. Trong khi đó, theo ông Trần Chí Đạt, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Thông tin và Truyền thông, một NXB muốn làm sách điện tử phải đầu tư rất nhiều trang thiết bị, tốn kém, trong khi tiềm lực của nhiều đơn vị không đủ đáp ứng. Đầu tư nhân lực công nghệ thông tin cũng đòi hỏi cao, trong khi nhân lực của NXB về công nghệ còn yếu.

Nhiều cuộc bàn tròn tìm giải pháp để đưa xuất bản điện tử nước ta phát triển hơn đã diễn ra thời gian qua. Các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản cho rằng, các NXB cần phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện và năng lực để chuyển dần sang xuất bản số, đồng thời tích cực tìm kiếm những đề tài đúng với “hơi thở” của thời đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người đọc. Đặc biệt, các đơn vị cần tăng cường năng lực ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Bản thân mỗi cá nhân hoạt động trong ngành xuất bản cũng cần có sự chủ động, tích cực nâng cao trình độ, tăng cường tri thức, nâng cao khả năng thích nghi, dám đối mặt với thách thức. Ngoài ra, chúng ta cần có chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh các xuất bản phẩm điện tử lậu (ebook, audio book...).

Quỳnh Phạm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/loi-di-nao-cho-xuat-ban-dien-tu-n183704.html