Lối đi riêng trên con đường ngoại giao kinh tế
BPO - Sau 12 năm thực hiện ngoại giao kinh tế (NGKT) theo Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X), Bình Phước đã nâng tầm cả tiềm lực và vị thế. Tiếp tục phát triển NGKT ở tầm cao mới, cuối năm 2022, Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Kế hoạch số 123-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10-8-2022 của Ban Bí thư (khóa XIII) về công tác NGKT. Tuy tái lập tỉnh với xuất phát điểm thấp nhưng nhờ biết phát huy lợi thế về NGKT, dựa trên lợi thế và đặc thù, con đường NGKT của tỉnh đã tạo nên một lối đi riêng... Hơn thế, NGKT còn là quyết sách hỗ trợ đắc lực cho thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Bài 1:
THÍCH ỨNG LINH HOẠT
Nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI đã đi được nửa chặng đường. Đây là nhiệm kỳ đặc biệt khó khăn khi bối cảnh toàn thế giới bị ngưng trệ bởi dịch Covid-19. Hoạt động NGKT của tỉnh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, nhanh chóng thích ứng, linh động trong điều hành bằng nhiều giải pháp phù hợp, NGKT ở Bình Phước vẫn là mảng sáng, góp phần quan trọng vào thực hiện "mục tiêu kép": vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Thông qua NGKT, hình ảnh Bình Phước cũng được quảng bá đậm nét với khát vọng vươn lên giàu đẹp, phồn vinh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường (bên phải) trao đổi với các nhà đầu tư, doanh nghiệp bên lề hội nghị xúc tiến đầu tư do tỉnh phối hợp Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tổ chức tại thành phố Perth, Australia - Ảnh: Nguyễn Hằng
Quyết sách phù hợp
NGKT được hiểu là đẩy mạnh hoạt động ngoại giao vì mục đích hợp tác, phát triển kinh tế. NGKT gồm những việc: cung cấp thông tin về kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn vốn, bạn hàng, đối tác, thị trường; làm cầu nối cho các cuộc gặp gỡ và đàm phán quốc tế… Đây là hoạt động đóng vai trò quan trọng, góp phần tích cực vào quá trình phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và Bình Phước nói riêng. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra, thúc đẩy NGKT đi vào chiều sâu theo Chỉ thị số 15-CT/TW và Kế hoạch số 123-KH/TU giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn chiến lược đến năm 2030.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Bình Phước tiếp tục có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp với danh mục 80 dự án kêu gọi đầu tư, với tổng vốn hơn 2 tỷ USD. Các dự án tập trung chủ yếu phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các dịch vụ logistics… Lãnh đạo tỉnh luôn nhất quán quan điểm: Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, môi trường đầu tư thông thoáng, chính sách hấp dẫn; đồng thời cam kết sát cánh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết thủ tục đầu tư, chú trọng công tác an sinh xã hội cho người lao động...
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường và đoàn công tác của tỉnh thăm, làm việc với Công ty Cheil Electric tại thành phố Busan, Hàn Quốc vào tháng 4-2023 - Ảnh: Nguyễn Hằng
Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng các kịch bản điều hành kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, tăng cường đấu thầu qua mạng... Tỉnh cũng tổ chức gặp gỡ từng loại hình doanh nghiệp và thành lập Tổ phản ứng nhanh do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền làm Tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Để phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, ngày 17-1-2023, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng ký ban hành Nghị quyết số 01/NQ-HĐND thông qua quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hai năm tới, Bình Phước phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá dựa trên đồng bộ nền tảng hạ tầng “cứng và mềm”; phát triển các cụm, ngành có tiềm năng. Tỉnh chú trọng phát huy lợi thế chiến lược là đất đai và vị trí địa lý, giải quyết những nút thắt chiến lược để từ vị trí “dự trữ” thành một “động lực” tăng trưởng, phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đến năm 2030, Bình Phước phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả bền vững. Đồng nghĩa, nơi đây sẽ là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ và trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh, văn minh vào năm 2050.
Chủ động tìm đối tác
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, dịch Covid-19 xuất hiện đã làm đảo lộn các phương thức chỉ đạo, điều hành và vận hành phát triển kinh tế truyền thống. Các dự án kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đối mặt với nhiều thách thức và Bình Phước không ngoại lệ. Năm 2020, có 27 đoàn đối tác, doanh nghiệp nước ngoài đến tỉnh tìm hiểu cơ hội đầu tư thì năm 2021 chỉ có 11 đoàn... Không thụ động trước khó khăn, lãnh đạo tỉnh đã phối hợp các cơ quan liên quan đẩy mạnh ngoại giao Đảng, NGKT; thay thế các chuyến đi trực tiếp bằng xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác, doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới. NGKT thông qua kết nối trực tuyến và đặc biệt ưu tiên những nước hợp tác truyền thống, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...
Đoàn công tác của tỉnh Bình Phước tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư tại Sydney (Australia) - Ảnh: Nguyễn Hằng
Theo đó, nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh kết nối trực tuyến với các nước đã thực hiện thành công. Đơn cử tháng 3-2021, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đã chủ trì hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư với đối tác Nhật Bản. Hội nghị có sự tham dự của Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản; Hạ nghị sĩ, thành viên Hạ viện Nhật Bản Sasaki Hajime và hơn 100 nhà đầu tư Nhật Bản; kết nối điểm cầu với TP. Hồ Chí Minh do Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh chủ trì mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp 2 nước...
Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Đài Loan diễn ra từ ngày 21 đến 24-3-2023 là cơ hội để tỉnh Bình Phước gặp gỡ, tiếp xúc với các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư Đài Loan - Ảnh: Nguyễn Hằng
Năm 2022 có 40 đoàn khách nước ngoài với 763 lượt người nước ngoài đến thăm và làm việc tại tỉnh, tăng 29 đoàn so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó phải kể đến buổi làm việc của tỉnh với đoàn doanh nghiệp Nhật Bản vào ngày 17-11-2022 do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền chủ trì. Buổi làm việc có sự tham gia của Trưởng chi nhánh Thương vụ Osaka, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka cùng nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản...
Sau 2 năm hoạt động NGKT trực tuyến do dịch Covid-19, hơn 1 năm qua tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn ngoại giao, thể hiện sự quyết liệt trong kích cầu kinh tế. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh có hơn 20 chuyến công tác đối ngoại để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; kêu gọi, thu hút đầu tư thành công với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Đơn cử, chuyến công tác vào tháng 4 vừa qua do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đến làm việc tại Hàn Quốc, Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông (Trung Quốc). Bên cạnh giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư của vùng đất trù phú Bình Phước, tỉnh đã kêu gọi đầu tư tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, logistics, công nghệ thông tin, các dự án tạo ra giá trị gia tăng cao… Hoặc tại Đài Loan (Trung Quốc) từ ngày 21 đến 24-3, tỉnh phối hợp Công ty Becamex - Bình Phước đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham dự của hơn 50 doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Những ngày cuối tháng 5 vừa qua, đoàn công tác của tỉnh do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường dẫn đầu đã kết nối với các doanh nghiệp hàng đầu tại Australia, New Zealand... Qua đó, một vùng đất giàu tiềm năng của Việt Nam là Bình Phước đã được quảng bá với bạn bè quốc tế. Thông qua ngoại giao, tỉnh cũng tập trung kêu gọi xúc tiến đầu tư. Một chuyến đi hứa hẹn đưa công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo, công nghiệp điện tử, hàng tiêu dùng của tỉnh... lên tầm cao mới.