Lối đi riêng trên con đường ngoại giao kinh tế

BPO - Tiếp tục phát triển kinh tế lên tầm cao mới qua con đường ngoại giao, cuối năm 2022, Tỉnh ủy Bình Phước xây dựng Kế hoạch số 123-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10-8-2022 của Ban Bí thư (khóa XIII). Tuy tái lập tỉnh với xuất phát điểm thấp nhưng diện mạo hôm nay khẳng định ngoại giao kinh tế (NGKT) là một trong những quyết sách đúng hướng và hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025 cũng như tầm nhìn chiến lược dài lâu.

Bài cuối:
"ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN"... KHÔNG XA

Nửa nhiệm kỳ 2020-2025 đã đi qua, Bình Phước phát triển kinh tế trong bối cảnh phải “gồng mình” chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực gấp đôi, Bình Phước đã đạt tăng trưởng thuộc top đầu khu vực Đông Nam Bộ. Những năm gần đây, Bình Phước đã có những chiến lược cụ thể trong thu hút doanh nghiệp, người tài, người giàu đến đầu tư, sinh sống... Đặc biệt, tạo lối đi riêng về NGKT, Bình Phước đang thúc đẩy, bứt phá để về đích vào năm 2030 với mục tiêu trở thành “điểm đến hấp dẫn, nơi đáng sống”...

Xuất phát điểm “con nhà khó”

Những năm đầu mới tái lập, Bình Phước là tỉnh thuần nông; công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm tỷ trọng 5% tốc độ tăng trưởng (GRDP) của tỉnh. 25 năm “chuyển động”, Bình Phước có tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 43,19% GRDP vào cuối 2022. Báo cáo từ UBND tỉnh, năm 2022, GRDP tăng 8,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 75 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Điển hình trong 6 tháng đầu năm 2023, GRDP ước tăng 7,27%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước...

Khi tái lập tỉnh năm 1997, Bình Phước chỉ có 103 tuyến đường với hơn 1.200km, tỷ lệ đường đất và cấp phối sỏi đỏ chiếm gần 84%. Quốc lộ 13, 14 và đường liên tỉnh xuống cấp trầm trọng. Các tuyến đường huyện, xã hầu hết “nắng bụi, mưa lầy”. Khi chủ trương phát triển hạ tầng giao thông được ưu tiên số 1 đã từng bước tạo nên những đổi thay tích cực. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 2.850 tuyến đường với tổng gần 9.000km. Trong đó, các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 13, 14, ĐT741 và đường liên tỉnh, huyện được nhựa hóa 100%, giúp lưu thông thuận lợi, kết nối thông thương trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi và đoàn doanh nghiệp Nhật Bản khảo sát thực tế quy hoạch và cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước (Khu B) - Ảnh: Ngọc Huyền

Đặc biệt, việc hoàn thành tuyến đường tuần tra biên giới kết nối lưu thông giữa tỉnh Bình Phước với tỉnh Đắk Nông và Tây Ninh còn đảm bảo quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới. Nhiều dự án trọng điểm như: BOT quốc lộ 13 đoạn An Lộc - Chiu Riu; BOT mở rộng ĐT741 đoạn Bàu Trư - Đồng Xoài và đoạn Đồng Xoài - Phước Long; BT đường Minh Hưng - Đồng Nơ cũng đã hoàn thành đúng hẹn, kết nối giao thông liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế.

Công nghiệp của tỉnh chuyển dịch đúng hướng đã kéo theo cơ cấu lao động tiếp tục chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ, xây dựng... từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh với khoảng 600.016 lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Không chỉ giải quyết việc làm cho người lao động địa phương mà lao động từ nhiều tỉnh, thành phố khác cũng tìm đến Bình Phước làm việc...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiệm vụ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là một trong 3 chương trình đột phá. Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm là tăng khả năng liên kết vùng, tác động tích cực tới nền kinh tế. Bởi giao thông là tiền đề quan trọng để phát triển công nghiệp, đô thị, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh và khu vực. Đây cũng là điều kiện để các tổ chức, tập đoàn trong và ngoài nước xem xét khi đầu tư vào tỉnh.

Du lịch sẽ là “kênh” kinh tế hiệu quả

Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội thì muốn tạo dấu ấn trong NGKT, Bình Phước phải trở thành "điểm đến hấp dẫn, nơi đáng sống". Vì vậy, đầu tư cho du lịch cũng có tác dụng tương hỗ vô cùng phù hợp và tác dụng tích cực lâu dài. Theo Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 17-1-2023 của HĐND tỉnh thông qua quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì phát triển du lịch được xác định là nhiệm vụ quan trọng để ưu tiên với chỉ tiêu cụ thể: Khách du lịch đến tỉnh năm 2025 đạt 2 triệu lượt và năm 2030 tăng lên 3,5 triệu lượt người.

Đường Phan Bội Châu vừa khánh thành tháng 5-2023 kết nối các KCN Đồng Xoài I, II với KCN Đồng Xoài III, Khu đô thị Cát Tường - Phú Hưng, xã Tiến Hưng, tuyến chính ĐT741 mở ra nhiều cơ hội mới trong thu hút đầu tư

Đường Phan Bội Châu vừa khánh thành tháng 5-2023 kết nối các KCN Đồng Xoài I, II với KCN Đồng Xoài III, Khu đô thị Cát Tường - Phú Hưng, xã Tiến Hưng, tuyến chính ĐT741 mở ra nhiều cơ hội mới trong thu hút đầu tư

Bình Phước có 41 dân tộc anh em sinh sống; đa dạng về văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán cùng lợi thế về đất đai, cây công nghiệp, cây ăn trái, thác, hồ... phủ đều khắp tỉnh. Đây là tiềm năng cốt lõi để tỉnh NGKT gắn kết phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, các ngành hữu quan tham mưu lãnh đạo tỉnh lĩnh vực phụ trách cần kết hợp chặt chẽ và tăng tốc hơn nữa; tập trung phát triển 4 loại hình du lịch thế mạnh như: sinh thái, văn hóa, tâm linh và du lịch cuối tuần sẽ làm nên những thành công mới trong NGKT của tỉnh.

Bình Phước là cửa ngõ, kết nối Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, tuyến huyết mạch kết nối khu vực Tây Nguyên với đồng bằng sông Cửu Long... Cùng với đó là hệ sinh thái rừng nguyên sinh phong phú, sự đa dạng văn hóa tộc người… Nếu khai thác đúng hướng, thế mạnh này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch nói riêng, NGKT của tỉnh nói chung phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới.

Tiếp tục bứt phá để về đích đúng hẹn

Trong Kết luận số 993-KL/TU ngày 21-4-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 về các nội dung hội nghị lần thứ 13, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: Công tác đối ngoại cần được chú trọng, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, Tỉnh ủy đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đề cao trách nhiệm, nỗ lực và quyết tâm thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm. Sau khi hoàn thiện khung chủ trương, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã thể hiện rõ chính sách ưu tiên thu hút nhằm đưa Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng quyết tâm và khát vọng vươn lên...

Để biến khát vọng thành hiện thực thì ngoài những lợi thế, đột phá về yếu tố nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được tỉnh tính đến. Đặc biệt, tỉnh có chính sách thu hút lao động trình độ cao, người tài, người giàu đến tỉnh sinh sống, làm việc. Chương trình hành động số 17-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là một trong những chính sách phù hợp để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Cùng với Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 17-1-2023 thông qua quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Phước tin tưởng về nền tảng đã có để hướng đến "điểm đến hấp dẫn, nơi đáng sống".

Trải qua hơn 26 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, với khát vọng vươn lên không ngừng, Bình Phước đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện. NGKT không chỉ góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế mà còn là động lực để Bình Phước chuyển mình phát triển. NGKT cũng khẳng định sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự đồng lòng thực hiện của cả hệ thống chính trị và nhân dân; thể hiện sự hòa quyện “ý Đảng - lòng dân” đã làm nên sức mạnh nội lực đưa Bình Phước “cất cánh” vươn xa.

Ngọc Tú

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/145282/loi-di-rieng-tren-con-duong-ngoai-giao-kinh-te