Lối đi tự mở qua đường sắt, vi phạm chồng vi phạm
6 tuyến đường sắt với chiều dài 162km đi qua Hà Nội, có 460 điểm giao cắt, trong đó chỉ 183 đường ngang hợp pháp, còn tới 277 lối đi tự mở.
Năm 2023, xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt khiến 13 người tử vong. Trong 3 tháng năm 2024, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 4 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 2 người.
Ngày nào cũng đi ngang qua tuyến đường Trần Phú - Phùng Hưng, chứng kiến cảnh tụ tập đông người, chụp ảnh trên đường sắt rồi thưởng thức cà phê, anh Phạm Văn Hoàn (quận Ba Đình) ngao ngán: "Phố cafe đường tàu, đây là hành vi lấn chiếm hành lang đường sắt, khoảng cách từ nhà người dân đến đường ray tàu chỉ vài ba mét".
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thấy những nguy hiểm từ những lối đi tự mở. Chị Nguyễn Chi (phố Lê Duẩn, quận Đống Đa) cảm thấy những lối đi tự phát qua đường sắt này không ảnh hưởng tới an toàn cuộc sống của họ: "Nhà sát đường tàu, một ngày nhà tôi đi đi lại lại cũng rất nhiều lần nên là cứ để không rào chắn như này đi lại thấy tiện với nhanh hơn".
Theo Luật sư Vũ Văn Sơn, Công ty Luật Lam Anh, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, mặc dù đã có quy định pháp luật rất rõ ràng nhưng nhiều người dân vẫn vi phạm an toàn giao thông đường sắt.
Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, Quốc hội đã quy định 17 hành vi nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt tại điều 9, Luật Đường sắt số 6 năm 2017. Trong các hành vi bị nghiên cấm, có hành vi tự ý mở lối đi ngang qua đường sắt và hành vi vượt rào, vượt chắn đường ngang, vượt qua đường ngang khi có tín hiệu cấm vượt, vượt rào ngăn giữa đường sắt và khi vực xung quanh. Các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi bị cấm sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự.
Với hành vi vượt rào, vượt chắn đường ngang khi có tín hiệu cấm vượt, mức phạt đối với người đi bộ là từ 60.000-100.000VNĐ; đối với người đi xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ là 100.000-200.000VNĐ; với người đi xe mô tô và xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe tương tự xe gắn máy là 800.000-1.000.000VNĐ; với lái xe ô tô, các loại xe tương tự ô tô là 4.000.000-6.000.000VNĐ.
Người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 1-3 tháng.
Đối với hành vi tự ý mở lối đi ngang qua đường sắt, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000-20.000.000VNĐ, tổ chức vi phạm bị phạt 20.000.00-40.000.000VNĐ theo quy định tại khoản 4, điều 51, Nghị định số 100 năm 2019.
Hành vi tự ý mở đường đi ngang qua đường sắt trái phép, gây nguy hiểm cho người khác như gây chết người, gây thương tích, tổn hại từ 61% trở lên, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên hoặc chưa gây thiệt hại đã bị xử phạt hành chính mà còn tái phạm thì có thể bị truy cưu trách nhiệm hình sự theo điều 268 bộ luật Hình sự về tội cản trở giao thông đường sắt.
Theo Quyết định số 358 của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2025 phải xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở qua đường sắt. Tuy nhiên, theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, sau 3 năm triển khai Quyết định 358, Hà Nội mới rào đóng được 63 lối đi tự mở và chỉ xây dựng được 2,2km đường gom và hàng rào; chỉ mới thu hẹp được 112 vị trí lối đi tự mở, xây dựng 89 vị trí gờ giảm tốc và cắm258 biển báo “Chú ý tàu hỏa”, xây dựng được duy nhất 1 hầm chui.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/loi-di-tu-mo-qua-duong-sat-vi-pham-chong-vi-pham-242094.htm