Lợi dụng giãn cách dịch Covid-19, nhiều đối tượng đuổi đánh bảo vệ, xâm chiếm đất dự án
Lợi dụng giãn cách dịch Covid-19, các đối tượng đã đuổi đánh bảo vệ để xâm chiếm đất dự án nhà ở tại phường An Khánh, TP. Thủ Đức (TP. HCM), gây bức xúc dư luận.
Gián đoạn trách nhiệm vì sáp nhập địa chính và dịch Covid-19
Theo tìm hiểu của PV báo Nhà báo & Công luận, năm 1998, Thủ tướng Chính phủ quyết định giao cho Công ty Xây dựng - May Thêu Trường Thịnh làm chủ làm chủ đầu tư dự án xây dựng khu nhà ở tại phường Bình An, quận 2 (nay là phường An Khánh, TP. Thủ Đức).
Đại diện chủ đầu tư dự án phản ánh với các phóng viên báo đài.
Bài liên quan
Quận 2 (TP.HCM): Chính quyền 'bật đèn xanh' cho xây dựng không phép?
Kiểm tra xây dựng không phép... trên giấy!
Thiếu quyết liệt khi để người “lạ” chiếm đất Dự án đã được Thủ tướng phê duyệt
Trên cơ sở thẩm định đồ án quy hoạch điều chỉnh 1/500 tại dự án và được UBND TP. HCM chấp thuận tại thông báo số 666/TBT-VT ngày 20/9/2007, UBND quận 2 ban hành Quyết định số 428/QĐ-UBND ngày 16/01/2008 phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu nhà ở diện tích 18.728m2, diện tích đất công trình công cộng là 15.083m2.
Đến nay, dự án đã đền bù được 96% và hoàn tất 100% tiền sử dụng đất theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước sau khi thực hiện kiểm toán dự án; cơ sở hạ tầng kỹ thuật dự án thực hiện được 80% bao gồm: giao thông, điện, nước; và đã có 15 hộ gia đình xây dựng nhà và sống ổn định tại dự án từ năm 2014...
Vì còn 4% chưa giải quyết đền bù xong (trong đó nguyên nhân là sự tranh chấp phân chia quyền lợi nội bộ giữa các chi tộc), buộc dự án phải nằm in bất động mấy chục năm nay, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp lẫn những hộ dân có nền đất ở đây.
Dự án còn dang dở.
Việc "bất động" lâu năm của dự án đã phát sinh nạn lấn chiếm đất, xây nhà trái phép của nhiều đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, có sự thờ ơ thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Dù cơ quan chức năng đã có nhiều quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế... nhưng việc thực thi các quyết định này hầu như bằng không.
Liên quan đến vấn đề này, báo Nhà báo & Công luận đã có nhiều bài viết phản ánh. Chủ tịch UBND quận 2 lúc đó đã có nhiều cuộc họp để chỉ đạo nhằm giải quyết triệt để vấn nạn.
Tuy nhiên, do thời gian thực hiện tổ chức sáp nhập quận 2, quận 9, Q. Thủ Đức (thành TP. Thủ Đức); sáp nhập phường Bình An và Bình Khánh (thành phường An Khánh); đồng thời TP. HCM áp dụng giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 nên việc triển khai theo chỉ đạo thực hiện các quyết định cưỡng chế chưa thể triển khai.
Đuổi đánh bảo vệ, xâm chiếm đất dự án
Chính vì dự án phải tạm dừng quá lâu nên nơi đây đã trở thành "điểm nóng" trong việc lấn chiếm đất, xây dựng trái phép, gây mất an ninh trật tự của nhiều đối tượng "lạ".
Một cán bộ phòng đô thị quận 2 (cũ) cho biết, việc một số con cháu của 3 Chi gia tộc dù đã nhận tiền đền bù lại không bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là lý do dự án bị chậm trễ. Bên cạnh, có một số đối tượng cũng tự ý đến xâm chiếm, xây nhà trái phép, gây rối làm mất an ninh trật tự, ... buộc địa phương nhiều lần phải thành lập tổ xử lý nóng túc trực 24/24.
"Trong đó có, trường hợp Ngô Hữu V. là "dân xã hội đen" tự ý kéo container vào dự án chiếm đất, rào kẽm gai xung quanh, xây dựng thêm tường gạch, cột gạch, khung sắt, mái tole ... UBND Quận 2 đã ban hành quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế, nhưng không hiểu sao lúc đó phường Bình An lại không tổ chức cưỡng chế để sau đó phát sinh thêm nhiều đối tượng khác tiếp tục vào xâm chiếm", cán bộ phòng đô thị nói.
Hình ảnh ông T. phá hoại cây xanh dự án.
Đặc biệt, thời gian vừa qua lợi dụng giãn cách dịch Covid-19, 2 mẹ con bà Phạm Thị B.Th. và con trai là Huỳnh Thanh T. đã thuê "dân xã hội đen" vào dự án đuổi đánh bảo vệ, chặt cây xanh của dự án rồi ngang nhiên dựng tôn bao chiếm khoảng 2.000m2 đất.
Anh N. (nhân viên bảo vệ) cho biết, 2 mẹ con bà Th. rất hung hăng. Vừa qua, lợi dụng dịch bệnh, 2 mẹ con đã ngang nhiên phá hoại hàng rào tôn bảo vệ ranh giới dự án, mở lối đi vào và thực hiện san lấp, chiếm đất, lập một nhà tạm bằng tôn trên diện tích đất đã được công ty giải phóng mặt bằng. "Khi chúng tôi ngăn cản thì họ đe dọa và đuổi đánh", anh N. nói
Ông T. dựng tôn bao chiếm đất dự án.
Cũng theo bảo vệ N., nhiều lần trước đó ông T. và bà Th. kéo một số người xăm trổ vào đuổi đánh nhân viên bảo vệ dự án; điển hình tháng 09/2020, khi chủ đầu tư tổ chức thi công sửa chữa hệ thống cấp nước của dự án thì ông T. dẫn "dân xã hội đen" vào đe dọa đánh công nhân...
Sau mỗi lần bà Th. và ông T. có những hành vi xâm chiếm, hành hung, phá hoại... thì chủ đầu tư đều có văn bản kèm theo hình ảnh chứng cứ tố cáo, gửi cơ quan chức năng.
Thông tin về vấn đề này, ông Hồ Hải Phong, Chủ tịch UBND phường An Khánh, TP. Thủ Đức cho biết, Chi tộc bà Phạm Thị B.Th. đã nhận gần 10 tỷ đền bù của chủ đầu tư dự án, nhưng chưa nhận 9 nền đất hoán đổi. Lý do chưa nhận, vì bà Th. yêu cầu phải có sổ đỏ và giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay dự án chưa hoàn thành nên cơ quan chức năng chưa cấp GCNQSDĐ, còn giấy phép xây dựng thì theo quy định khi dự án đã có quy hoạch 1/500 thì không bắt buộc phải có giấy phép xây dựng.
Chủ đầu tư gửi đơn tố cáo đến Công an TP. Thủ Đức và cơ quan chức năng.
"Việc lợi dụng dịch bệnh, bà Th. và ông T vào xâm chiếm đất dự án đã bị phường đã lập biên bản. Hiện phường có báo cáo gửi UBND TP. Thủ Đức và đang chờ quyết định xử lý", ông Phong nói.
Được biết, vừa qua TP. Thủ Đức cũng đã có họp để giải quyết về những tồn đọng trên địa bàn. Trong đó có việc giải quyết những vướng mắc tại dự án này.
Ngoài việc hiện thực hóa các quyết định cưỡng chế các công trình vi phạm, người dân cũng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét nhanh chóng cấp sổ cho các hộ tái định cư và 14 hộ đã xây dựng nhà ở ổn định từ năm 2014 đến nay.
Báo Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục sự việc.