Tấm vải liệm Turin dài khoảng 3m, rộng 1m nổi tiếng thế giới khi được cho là dùng để bọc xác Chúa Jesus sau khi hành hình. Theo đó, nó trở thành một trong những biểu tượng tôn giáo thiêng liêng nhất đối với hàng tỷ tín đồ Cơ Đốc giáo.
Tấm vải hiện được trưng bày và bảo quản ở nhà thờ Thánh John ở Turin, Italy. Hình ảnh trên tấm vải liệm trong âm bản đen – trắng xuất hiện gương mặt một người đàn ông được cho chính là Chúa Jesus.
Trên tấm vải liệm cũng có một số vết máu nạn nhân bị tra tấn và đóng đinh. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, vết máu trên tấm vải liệm chỉ ra cái chết đau đớn của người đàn ông. Từ đây, càng có nhiều người tin rằng tấm vải liệm Turin dùng để liệm xác chúa Jesus.
Vào năm 1988, Tòa Thánh Vatican cho phép các nhà khoa học kiểm tra tấm vải bằng phương pháp đồng vị phóng xạ carbon 14.
Theo đó, một góc nhỏ của tấm vải được gửi tới 3 phòng thí nghiệm thuộc Đại học Oxford, Đại học Arizona và Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ.
Ba phòng thí nghiệm trên đều đưa ra kết luận giống nhau là tấm vải xuất hiện trong khoảng thời gian năm 1260 - 1390. Điều này có nghĩa tấm vải có muộn hơn 1.000 năm sau khi Chúa Jesus qua đời. Vì vậy, một số người cho rằng hình Chúa Jesus trên tấm vải được các thầy tu làm giả vào thời Trung Cổ.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra bằng máy tính về sau cho thấy niên đại của tấm vải xác định bằng phương pháp trên không thực sự đáng tin.
Một số chuyên gia đã thử dùng những phương pháp hiện đại nhất để tái hiện hình ảnh Chúa Jesus bị đóng đinh trên một tấm vải khác nhưng thất bại.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng nếu công nghệ hiện đại nhất hiện nay không làm được thì người ta làm giả nó ở thời Trung cổ rất khó có thể xảy ra.
Trong bối cảnh cuộc tranh luận về tính xác thực của tấm vải liệm Turin chưa ngã ngũ thì Tòa Thánh Vatican không đưa ra thông báo chính thức nào. Dù vậy, nhiều người, đặc biệt là các tín đồ Cơ Đốc giáo tin rằng, tấm vải đóng vai trò tâm linh quan trọng.
video: Bí ẩn rùng rợn nghĩa địa cổ Ai Cập (nguồn: VCT Now)
Tâm Anh (theo CNN, Express)