Lời giải cho xuất khẩu sầu riêng
Thông lệ hằng năm, ra giêng giá sầu riêng sẽ ở mức rất cao bởi thời điểm nghịch vụ nhưng năm nay giá trên chợ mạng lại đang rất rẻ. Thực hư thế nào?
Sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều người bán hàng online liên tục rao "giải cứu sầu riêng" với giá rẻ kỷ lục 50.000 - 60.000 đồng/kg. Nguyên nhân vì trước Tết, hàng không thông quan được để xuất khẩu sang Trung Quốc nên phải quay đầu tiêu thụ nội địa.
Chuyện gì đã xảy ra?
Khảo sát thị trường ngày 3-2, tức mùng 6 tháng giêng âm lịch, một số người bán lẻ rao "giải cứu sầu riêng Ri6 rẻ nhất Vịnh Bắc Bộ", chỉ 40.000 - 60.000 đồng/kg hoặc bán theo thùng với nhiều mức giá khác nhau. Chị Ngọc, một người bán sầu riêng trên mạng xã hội, cho hay chị đang có gần 500 sọt sầu riêng cần bán tại Hà Nội. Trong đó, sầu riêng Ri6 có giá khoảng 200.000 đồng/thùng 9-10 kg; sầu riêng Thái khoảng 300.000 đồng/thùng 9-10 kg.
Một số người bán khác lại rao giá sầu riêng Ri6 khoảng 350.000 đồng/thùng 9-10 kg; sầu riêng Thái khoảng 460.000 đồng/thùng 9-10 kg.
Trước đó, vào những ngày trước và trong Tết Nguyên đán, nhiều nơi cũng livestream để bán sầu riêng đóng gói xuất khẩu với giá thấp hơn giá tại vườn. Thời điểm đó, phóng viên Báo Người Lao Động từng ghi tại khu vực huyện An Nhơn (tỉnh Bình Định), một số xe container sầu riêng phải đậu dọc quốc lộ để bán lẻ cho người đi đường với giá bán lẻ 70.000 đồng/kg và 550.000 đồng nguyên thùng (khoảng 8 kg, từ 3-4 trái) để thu hồi vốn. Về lý do phải bán lẻ ở thị trường trong nước, người bán chỉ nói lý do đơn giản là "cửa khẩu nghỉ Tết" nên phải quay xe bán nội địa. Đây là điều chưa từng có với ngành sầu riêng trong vài năm gần đây.
Cũng trong ngày 3-2, ghi nhận tại các vựa thu mua ở ĐBSCL, giá sầu riêng đang ở mức thấp bất thường, chỉ bằng 50% so với đầu tháng 1-2025. Theo đó, sầu riêng giống Ri6 loại A giá chỉ 60.000 đồng/kg, loại B 40.000 đồng/kg; các loại phẩm cấp thấp hơn giá chỉ từ 25.000 - 31.000 đồng/kg. Sầu riêng Dona (Thái) được một số vựa báo giá loại A giá còn 90.000 đồng/kg, loại B giá 70.000 đồng/kg nhưng cũng có một số vựa chỉ thu mua sầu riêng Dona loại thấp cấp hơn, thậm chí tạm ngưng mua.
Bà Võ Bạch Lê, chủ thương hiệu sầu riêng Huỳnh Lâm chuyên cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng trái cây cao cấp, cho hay mọi năm thời điểm này bà thường "tạm nghỉ" vì giá quá cao, không thể cạnh tranh nổi với các mối thu mua sầu riêng xuất khẩu. Trong khi hiện tại, mỗi ngày, công ty bà vẫn tiêu thụ được khoảng 1-2 tấn sầu riêng Ri6 ở thị trường trong nước.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), xác nhận xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc trước Tết gặp trục trặc khi nước này tăng cường kiểm soát chất vàng O và cadimi khiến doanh nghiệp (DN) trở tay không kịp. Ngoài ra, đầu năm, nhu cầu về sầu riêng tại Trung Quốc ở mức thấp cũng ảnh hưởng đến mặt bằng giá sầu riêng.
Cũng vì lý do Trung Quốc kiểm soát vàng O và cadimi trên sầu riêng mà giá trị xuất khẩu rau quả trong tháng 1-2025 bị sụt giảm 11,3% so với tháng trước và giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt khoảng 416,5 triệu USD.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, một "ông lớn" trong ngành xuất khẩu trái cây, thừa nhận từ khi Trung Quốc có quy định mới về kiểm soát sầu riêng nhập khẩu, DN chưa xuất khẩu lô nào sang thị trường này.
"Một lô sầu riêng có giá trị rất lớn (khoảng 3 tỉ đồng - PV) nên DN phải hết sức cẩn thận, lỡ có rủi ro thì thiệt hại rất lớn. Không chỉ DN Việt Nam, DN Thái Lan cũng vậy" - ông Tùng nhìn nhận.
Giải pháp bền vững
Trong khi đó, theo thông tin từ một số DN chuyên xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, hiện thị trường đã cơ bản thông suốt. Ông Bùi Mạnh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Vietnox Agri (Đắk Lắk), cho biết Việt Nam đã có nhiều trung tâm kiểm nghiệm chất cadimi, vàng O được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp nhận, vì vậy cơ bản thị trường tiêu thụ đã được thông suốt. Hiện, giá sầu riêng đang được DN thu mua tại vựa với mức từ 140.000 - 170.000 đồng/kg, tùy loại.
Về hiện tượng "giải cứu" sầu riêng, ông Toàn cho hay hiện nay trên chợ online có nhiều cách marketing nên người tiêu dùng thông thái cần lựa chọn sản phẩm chất lượng, tránh ham của rẻ.
Còn "giải cứu", có thể do một số container trước Tết, DN không xuất đi được do không có chứng nhận vàng O nên quay đầu tiêu thụ trong nước.
"Đây chỉ là hiện tượng, không đến mức phải "giải cứu" vì đầu ra cho sầu riêng vẫn được bảo đảm và Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính của loại quả này" - ông Toàn nói.
Tuy vậy, để bảo đảm thị trường bền vững, ông Toàn khuyến cáo cần có quan điểm nhất quán và xuyên suốt về chất lượng của sầu riêng Việt Nam, đó là không được xuất khẩu bằng mọi giá mà phải tuân thủ tốt các quy định, kiểm định thật kỹ lô hàng trước khi xuất khẩu; tìm khách hàng uy tín,…
Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng trước việc Trung Quốc dựng hàng rào kỹ thuật khẩn cấp buộc các DN xuất khẩu phải tuân thủ để tiếp tục xuất khẩu bình thường trở lại. Tuy nhiên, đây là xu thế chung của các nước về an toàn thực phẩm, các quy định kiểm dịch thực vật sẽ ngày càng nghiêm ngặt và phía sản xuất phải đáp ứng để duy trì khả năng cạnh tranh.
Khoảng 3 tháng nữa, Việt Nam sẽ vào vụ thu hoạch chính sầu riêng, làm tăng áp lực tiêu thụ, đòi hỏi xuất khẩu phải thông suốt. Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng DN cần có giải pháp bảo quản, chống nấm sau thu hoạch như Thái Lan để yên tâm xuất khẩu, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng ngành rau quả. Đồng thời, cần kiểm soát chất lượng từ gốc theo quy định mới.
Bà Nguyễn Thái Huyền, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nông nghiệp Việt Nông Phát (Đắk Lắk) chuyên tư vấn chăm sóc vườn sầu riêng, nhấn mạnh chỉ có nâng cao chất lượng mới giúp sầu riêng Việt Nam xây dựng thương hiệu và đứng vững trên thị trường, nhất là khi phải cạnh tranh với hàng từ Lào, Campuchia. Theo bà, để làm được điều này, cần sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, DN và nông dân, tránh sản xuất manh mún.
Đã có 9 trung tâm kiểm nghiệm
Trao đổi với Báo Người Lao Động, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết Việt Nam hiện có 9 trung tâm kiểm nghiệm chất vàng O được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận đủ điều kiện, các lô hàng sầu riêng Việt Nam đạt chuẩn yêu cầu đã được thông quan.
Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Trung Quốc cũng giống thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản… Họ ngày càng quan tâm tới sức khỏe và an toàn chất lượng nên sẽ kiểm tra nhiều hơn. Do vậy, ngành sầu riêng cần phải tuân thủ điều kiện mà các thị trường đưa ra, để giữ ổn định hoạt động thông quan hàng hóa.
Trước đó, thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cuối năm 2024, Tổng cục Hải quan Trung Quốc phát hiện một số lô hàng sầu riêng của Thái Lan có dư lượng vàng O, hay còn gọi là Auramine O, Basic Yellow 2 hoặc BY 2. Đây là chất dùng để tạo màu trong công nghiệp, đã có nhiều bằng chứng cho thấy chất này gây ung thư trên động vật và người.
Vì vậy, Hải quan Trung Quốc đã kiểm tra 100% lô hàng nhập khẩu và có thể mất đến một tuần để thông quan. Việc này khiến hoạt động xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam bị gián đoạn, nhiều lô hàng không có giấy kiểm định phải quay về.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/loi-giai-cho-xuat-khau-sau-rieng-196250203211135551.htm