Lời giải oan cho danh nhân Nguyễn Thị Lộ
Vở diễn Bên ánh sao Khuê do NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn dựa trên kịch bản của tác giả Nguyễn Văn Thịnh vừa được Nhà hát Cải lương Việt Nam hoàn thành dàn dựng và ra mắt khán giả những ngày cuối tháng 11-2019. Khai thác đề tài lịch sử nhưng vở diễn vẫn mang đến nhiều dấu ấn sáng tạo trong cách tiếp cận nội dung và dàn dựng, xử lý nghệ thuật.
Bên ánh sao Khuê tiếp tục mạch đề tài liên quan vụ án Lệ Chi viên - một đại án xảy ra đã hơn năm thế kỷ. Song không giống những tác phẩm khác thường chủ yếu khắc họa hình ảnh danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, vở diễn tập trung làm sáng tỏ chân dung người thiếp yêu của ông là bà Nguyễn Thị Lộ - một nhân vật chưa được nhắc đến nhiều trong lịch sử. Bà được cho là sinh ra tại làng Hải Hồ, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng (nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Vốn xuất thân là một cô gái bán chiếu nhưng với tư chất thông minh, lại được cha cho học hành cho nên bà sớm thông hiểu kinh sách và biết làm thơ. Bà được Nguyễn Trãi yêu và trọng cả về tài lẫn sắc. Vua Lê Thái Tông cũng rất mực nể trọng bà, phong bà làm lễ nghi học sĩ, phụ trách dạy dỗ ở hậu cung. Trong một lần đi tuần, vua ghé Lệ Chi viên, nơi Nguyễn Trãi xin về ở ẩn và đột ngột băng hà. Bị giáng tội giết vua, Nguyễn Thị Lộ phải chịu tội chết, còn Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Dựa trên những cứ liệu lịch sử này, vở diễn đã được phóng tác để thể hiện rõ nét tâm hồn, tài năng, tính cách và như một lời chiêu tuyết (giải oan) về người phụ nữ mà quan Hành khiển Nguyễn Trãi coi là tri kỷ. Nguyễn Thị Lộ hiện lên không chỉ là người tài hoa trong văn học, chu đáo trong ứng xử, thủy chung trong tình nghĩa, mà còn là người sắc sảo, kín kẽ trong chuyện chính trị, luôn lấy việc nước, việc triều đình làm trọng... NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết, khi thực hiện vở diễn, chị và ê-kíp sáng tạo gặp rất nhiều áp lực mà trước hết và lớn nhất là việc phải vượt qua chính mình bởi trước đó, chị và Nhà hát Cải lương Việt Nam từng dàn dựng thành công hai vở Vua thánh triều Lê và Vằng vặc sao Khuê cùng khai thác đề tài về vụ án Lệ Chi viên và nhân vật lịch sử Nguyễn Trãi. Làm thế nào để tạo ra những đột phá khi tiếp cận một nội dung đã cũ, điều trăn trở ấy thôi thúc nữ đạo diễn tìm ra hướng đi riêng khi mang đến những góc nhìn mới về nhân vật Nguyễn Thị Lộ. NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ: “Vở diễn chính là lời chiêu tuyết, là lát cắt nhằm làm sáng tỏ nỗi oan mà bà và chồng mình đã phải gánh chịu”.
Đi theo mạch cảm hứng ấy, nữ đạo diễn càng có cớ và có “đất” để thể hiện những sáng tạo riêng trong từng mảng, miếng sân khấu. Bàn đến những nhân vật tài hoa trong lịch sử cho nên vở diễn đặc biệt giàu chất thơ. Màu sắc trữ tình thấm đẫm trong nỗi nhớ nhung Nguyễn Thị Lộ trao gửi chồng phương xa, hòa quyện trong những vần thơ tuyệt đẹp của Nguyễn Trãi dành tặng người thương: “Hé cửa đêm chờ hương quế lọt/ Quét hiên ngày lệ bóng hoa tan” và còn lưu luyến trong chính bối cảnh, không gian của vở diễn. Theo dõi Bên ánh sao Khuê, người xem vô cùng ấn tượng với những biến hóa tài tình trong cách sử dụng hình ảnh chiếu cói xuyên suốt vở diễn. Ít ai ngờ, một vật dụng bình dị và rất đỗi thuần Việt lại có thể mang đến những không gian nghệ thuật cách điệu và giàu xúc cảm đến vậy. Có lúc những chiếc chiếu cói làm nổi bật mầu đen hắc ám của quyền lực, lúc lại trở thành không gian thơ mộng của Lệ Chi viên, lúc đầy ám ảnh tang thương khi diễn tả nỗi oan thấu trời... Từ đây, xuất hiện nhiều phân cảnh để lại dấu ấn khó quên trong lòng người xem, như: cảnh Nguyễn Thị Lộ bịn rịn, quyến luyến chia tay chồng về ở ẩn, cảnh bà gửi gắm nhờ người em thân thiết chăm sóc chồng, hay cảnh bà sắc sảo đáp trả các quan thái giám về tầm quan trọng của âm nhạc dân gian truyền thống trong văn hóa Việt... Đặc biệt phải kể đến phân đoạn gần kết vở, khi Vua Lê Thái Tông quỳ xuống xin lỗi Thị Lộ, bày tỏ sự ân hận và biết ơn đối với người đã từng dạy dỗ mình. Dù ngắn nhưng đây là phân đoạn góp phần minh oan rõ nhất cho tấm lòng, tài đức vẹn toàn của bà.
Thêm một điều thú vị là với Bên ánh sao Khuê, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã “khoe” được dàn diễn viên trẻ triển vọng có cả thanh và sắc. Đó là Thùy Dung với giọng ca ngọt, cách diễn tự nhiên thể hiện khá tròn vai nhân vật Nguyễn Thị Lộ. Đó là NSƯT Trọng Hùng trong vai Nguyễn Trãi đã lột tả được sự nghiêm cẩn, tài hoa, cốt cách và nghĩa khí của một danh nhân văn hóa. Trong vai Vua Lê Thái Tông, nghệ sĩ trẻ Trung Tuấn cũng đã gợi lên nhiều cảm xúc về vai diễn nơi người xem. Bên cạnh đó, còn cần nói đến hệ thống diễn viên đảm nhận những vai phụ, nhất là các vai thái giám với diễn xuất của NSƯT Trọng Bình, Tuấn Thái, Văn Thuận đã chuyển tải rất đạt sự ma lanh, nham hiểm của những kẻ gian thần...
Trong những đêm công diễn tại Rạp hát Kim Mã, Hà Nội, các hàng ghế luôn chật kín khán giả, những tràng pháo tay vang lên không ngớt. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thành công của một vở cải lương lịch sử được dàn dựng nghiêm túc, công phu. Tuy nhiên, với thời lượng kéo dài khoảng hai tiếng rưỡi, theo các chuyên gia sân khấu, vở diễn nên có sự điều chỉnh ở một số chi tiết để tiết chế hơn về mặt dung lượng theo hướng cô đọng, ngắn gọn, phù hợp với thói quen tiếp nhận của công chúng hiện đại.