Lời hồi đáp trên hành trình vật lộn với ung thư của bác sĩ trẻ
Cuốn hồi ký của nam bác sĩ 37 tuổi mắc ung thư phổi là những đối diện chân thật với bản thể, với hiện thực tàn khốc cùng tình yêu, mơ ước và chọn lựa trước khi từ giã cõi đời.
Năm 36 tuổi, bác sĩ phẫu thuật thần kinh Paul Kalanithi phát hiện mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Đây cũng là lúc anh và vợ quyết định có con. Chỉ một năm sau, ngày 9/3/2015, Kalanithi qua đời. Khi hơi thở hóa thinh không (tựa gốc: When Breath Becomes Air) là món quà cuối cùng nam bác sĩ trẻ dành tặng vợ con và những con người đang mải miết tìm kiếm niềm tin trong cuộc sống.
“Con cừu nhỏ lạc lối và bối rối”
Cuốn hồi ký được Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y. Căn bệnh ung thư phổi đến khi anh vừa hoàn thành xong khóa đào tạo phẫu thuật và nhận được học bổng sau tiến sĩ của Đại học Stanford (Mỹ).
Trước khi phát hiện mình mắc ung thư phổi, cuộc sống của Kalanithi gắn liền với những thành tựu và hoài bão lớn lao. Kalanithi là con trai của một bác sĩ ở thị trấn Kingman, Arzona, Mỹ. Khi theo học bậc sau đại học chuyên ngành Văn học Anh của Đại học Stanford, anh luôn tự vấn về trách nhiệm thực sự của một cá nhân. Anh mong mỏi tìm kiếm câu trả lời không có trong những trang sách. Bởi vậy, Kalanithi quyết định đăng ký vào trường y.
Đối với Paul Kalanithi, y học không phải là một công việc mà là một cách tiếp cận khác cho những câu hỏi siêu hình trong suốt thời gian theo đuổi ngôn ngữ Anh. Năm thứ 4 ngành Y, Kalanithi bối rối trong chọn lựa chuyên ngành như X-quang, da liễu…Cuối cùng, anh quyết định chọn phẫu thuật thần kinh – chuyên ngành khó nhất như một sự thách thức.
Theo Guardian, yêu cầu của khóa học rất khắc nghiệt, Kalanithi phải làm việc hơn 100 giờ/tuần, thực hành các kỹ thuật phẫu thuật giữa ranh giới sống và chết chính xác tới từng milimet. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo lĩnh vực lâm sàng khắt khe nhất, anh trở thành bác sĩ phẫu thuật thần kinh chính tại Stanford. Kalanithi còn là nhà khoa học xuất chúng với đề tài nghiên cứu tiến sĩ về liệu pháp Gene giành giải thưởng cao quý nhất trong sự nghiệp. Tất cả dấu mốc từ khi còn trẻ đến lý do vì sao anh chọn trở thành bác sĩ phẫu thuật não đều được ghi lại bằng giọng tự sự tinh tế, nhẹ nhàng.
Đối diện với “án tử hình”, bên trong vị bác sĩ trẻ là những câu hỏi không lời đáp và một cuộc đấu tranh căn tính sâu sắc giữa khao khát một cuộc sống đầy lý tưởng với hiện thực như “con cừu lạc lối và đầy bối rối”. Năm tháng cuối đời là khoảng thời gian Kalanithi đi tìm định nghĩa về sự sống và cái chết, đối diện với bản thể bằng câu hỏi đầy hiện sinh: lý do tồn tại của anh trên cuộc đời.
Cánh cửa giác ngộ trong hành trình đi về cái chết
Nhà văn Colleen McCulough viết: “Con chim mang chiếc gai của bụi mận cắm vào ngực tuân theo quy luật bất di bất dịch của thiên nhiên; bản thân nó không biết sức mạnh nào đã buộc nó lao vào mũi nhọn và chết mà vẫn hót. Lúc mũi gai xuyên qua tim nó, nó không nghĩ đến cái chết sắp đến, nó chỉ hót, hót cho đến lúc mất tiếng đứt hơi. Nhưng chúng ta, khi lao ngực vào bụi mận gai, chúng ta biết, chúng ta hiểu. Tuy thế ta vẫn lao ngực vào bụi mận gai. Sẽ mãi mãi như thế!" (Tiếng chim hót trong bụi mận gai). Đối diện với cái chết, chúng ta mới hiểu một điều quan trọng hơn đó là lý tưởng và ý nghĩa của sự sống và sự hy sinh.
Ngay từ phần mở đầu của Khi hơi thở hóa thinh không, bác sĩ Kalanithi đã vật lộn trong những câu hỏi. Điều gì khiến cuộc sống đáng sống hơn khi cái chết cận kề? Bạn sẽ làm gì khi biết tương lai của mình chuẩn bị đặt dấu chấm hết? Họ có nên có một đứa con khi mình sắp phải ra đi? Liệu có điều gì giúp anh kéo dài sự sống?
Bản năng đầu tiên của Kalanithi khi phát hiện ra mình bị ung thư là ám ảnh về số liệu thống kê và đường cong sinh tồn. Anh muốn biết mình còn bao lâu để sống. Nếu là 3 tháng, anh sẽ dành thời gian cho gia đình. Nếu là một năm anh sẽ viết một cuốn sách và nếu là 10 năm, anh sẽ quay trở lại với y học.
Tất cả dự định đó đều được được thực hiện chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm sau khi anh phát hiện mắc bệnh. Và Khi hơi thở hóa thinh không là mảnh ghép cuối cùng trong hành trình chọn lựa của anh - thỏa mãn đam mê viết lách.
Quá trình chấp nhận sự thật và đi tìm lời hồi đáp cho những câu hỏi hết sức hiện sinh đã khiến bác sĩ Kalanithi tìm thấy món quà quý giá của cuộc đời. Đó chính là đức tin và sự yêu thương. “Câu hỏi không chỉ đơn thuần là sống hay chết mà còn là cuộc sống nào đáng sống”, anh viết.