Lời hứa muộn

Hưng có bà mẹ khùng. Mẹ Hưng khùng nhưng khôn và thương con vô cùng. Đi đâu thấy nhà ai có gì là bà sẽ vào xin, thấy người ta vừa đi lưới về, bà nói thằng Hưng con bà thích món cá kho lắm nhưng nhà chẳng có tiền nên Hưng chẳng mấy khi được ăn cơm với cá.

Bà nói khiến cho người ta mủi lòng, đưa cho bà mấy con cá để thằng Hưng biết với người ta.

Có những khi người ta không cho, ví như nhà có đám giỗ chạp gì đó, thực phẩm mua đủ cho mấy mâm, giờ cho là cho làm sao. Trong khi người ta còn đang áy náy thì bà đã thò tay bốc ngay miếng thịt giấu vào trong áo và chạy mất.

Dần dà, người ta đề phòng bà, có người còn đuổi mắng. Lòng thương cũng có giới hạn, thà người ta tự cho, chứ phải cho thành ra khó chịu. Con cái người ta còn đói, của đâu cho mãi nên thương vẫn thương nhưng đành phải sống ác.

Bù lại, Hưng ngoan hiền và học rất giỏi, tên Hưng không bao giờ lọt khỏi những danh sách khen thưởng tuyên dương dù anh phải học bằng những tờ giấy trắng Giang xé từ quyển vở năm cũ của mình. Anh lấy những tờ giấy đôi, đóng thành vở học, những tờ giấy lẻ anh cắt xén cẩn thận đóng thành những quyển sổ tay xinh xắn. Những quyển sổ ấy, anh luôn cho cô chọn trước.

Mẹ Hưng không phải lúc nào cũng khùng. Có những khi bà rất tỉnh táo, bà thu vén quét dọn nhà cửa, cũng trồng được luống rau trước nhà hay nuôi thêm đôi gà lấy trứng. Mỗi lần thấy Giang, bà lại nói: “Mai kia lớn Giang làm con dâu mẹ nhé, mẹ trồng toàn rau cải cúc này, trồng cả cây ổi nữa này, thằng Hưng mà bắt nạt, con cứ sang mách mẹ”.

Khi còn nhỏ, Giang không hiểu lắm nên kệ và chưa khi nào thấy sợ bà, nhưng lớn lên một chút, cô hiểu con dâu là gì và đâm ghét anh. Hưng học giỏi ai cũng quý, nhưng làm con dâu một bà mẹ khùng thì vênh vang gì.

Giang thôi không chơi với Hưng nữa, cuối năm học cô xé giấy trắng ở những quyển vở cũ, bỏ vào bịch nylon vứt sang sân nhà anh và chạy nhanh về. Cô cũng không thèm những cuốn sổ be bé anh hay đóng, dù khi nhìn bạn bè khoe được anh cho sổ cô cũng thấy thèm.

Mẹ Hưng mỗi ngày mỗi quá đáng hơn trong việc cải thiện bữa ăn cho con trai, bà ra đồng bắt tôm cá, còn vào chuồng gà nhà người ta lấy trứng. Xe đạp của người đang thăm đồng cũng bị bà dắt chạy do bà không biết đi xe đạp. Hưng ngượng ngùng đi xin lỗi nhưng dù anh có ngăn thế nào cũng không thể giữ chân mẹ mình ở trong nhà. Khóa cổng thì bà trèo rào, trèo không được thì bà đạp luôn bờ rào để đi cho dễ.

Bực nhất là bất cứ lúc nào thấy Giang, bà cũng gọi “con dâu ơi!” và khoa chân múa tay khoe với mọi người “con dâu tôi đấy!”. Làng nhỏ xíu, ai cũng biết nhau, Giang thanh minh nhưng không xuể, người ta chỉ cười nói cô trẻ con, có người nói chấp gì lời bà điên. Cô tránh mặt mẹ con Hưng mọi nơi mọi lúc. Lên cấp ba, thay vì xuống thị xã học thì cô xin bố mẹ cho lên nhà cậu trên thành phố ở nhờ.

Nghe nói khi Giang đi, ngày nào mẹ Hưng cũng đi qua nhà cô gọi “con dâu của mẹ ơi”. Bà mang đến ngõ nhà cô những củ khoai, quả ổi và những bó cải cúc là món cô thích. Trong làng, những cánh cổng đều được sửa chữa kiên cố và chắc chắn. Lạ một điều là nhà ai bà cũng trèo cổng, duy có nhà cô là không.

Có lẽ, cô yêu và lấy chồng có phần vội vàng cũng vì muốn thoát khỏi ác mộng thời thiếu nữ. Lúc đưa chồng về thăm nhà, cô không gặp Hưng, nghe nói hôm ấy anh giữ mẹ trong nhà và canh bà. Hẳn anh sợ mẹ mình sẽ phá nát chuyến thăm quê của cô.

Giang sinh con gái, mẹ lên thăm con, nuôi cháu kể mẹ Hưng ngày càng bệnh nặng. Hưng phải trói chân tay mẹ vào giường vì sợ bà đi lang thang. Hoàn cảnh thế nhưng Hưng học hành đàng hoàng, chí thú làm ăn, chưa thấy yêu đương vợ con gì. Mẹ kể: “Cả làng cả xã ai chả biết Hưng có bà mẹ khùng, có đứa con gái nào dám yêu hay lấy nó. Hầu mẹ chồng đã chẳng dễ dàng, còn là bà mẹ chồng khùng điên thì ai dám. Hoặc nếu có cô gái nào dám thì chắc gì nó đã đồng ý”.

Giang cúi mặt ngắm con, không kể mẹ nghe có lần cô gặp Hưng ngoài phố. Anh nghe ai mách phố ấy có ông thầy lang mát tay nên tìm tới bốc thuốc cho mẹ. Nhận ra nhau, cô thấy anh cao lớn đĩnh đạc nhưng u tối. Anh hỏi cô sống vui không, cô gật đầu bảo có, không dám hỏi anh câu tương tự. Có hỏi thì câu trả lời cũng khiến cả người nói lẫn người nghe xót xa.

Không dấu hiệu báo trước, chồng Giang có người khác, anh nói anh thật lòng thương người kia. Cô chìa ra tờ giấy ly hôn, anh hơi kinh ngạc, cô cười: “Ra tiệm thử tới thử lui chục cái áo mà mang về mặc vẫn thấy có cái không thích không hợp nữa là chồng. Coi như mình mua phải hàng lỗi, những tổn thương là tiền phí gửi hàng và lấy những tháng ngày từng hạnh phúc để bù lại tất cả, để khỏi phải hận hay ghét nhau”.

Cô vẫn nhớ đến Hưng, nhà chỉ có hai mẹ con núm níu, cô vẫn tranh thủ ghé chỗ ông thầy lang bốc thuốc gửi về cho anh để anh khỏi cất công lên thành phố. Mỗi lần anh lên thường mất hơn nửa ngày, thời gian ấy anh để mẹ ở nhà một mình không yên tâm. Trong những gói thuốc gửi về, thi thoảng cô gửi kèm cho bà bộ quần áo, mấy món linh tinh. Ngày xưa, bà quý cô nhất còn gì.

Hưng không từ chối những món quà cô gửi kèm, nhưng thường nhắn cô đừng tốn kém nữa. Và những lần nói chuyện gần đây nhất, anh thường ngập ngừng cuối mỗi lần nói chuyện: “Có chuyện gì, báo anh biết ngay nhé!”.

Tất nhiên là cô “vâng ạ” rất tự nhiên, điều đó làm anh vui, nhưng trong lòng cô biết, cô sẽ chẳng bao giờ làm phiền anh vì những chuyện phiền muộn của mình.

Trong những câu chuyện, thi thoảng Hưng nói mẹ nhắc cô, những phút giây tỉnh táo ít ỏi, mẹ thường nhắc về con bé đen nhẻm dễ nuôi. Bà bảo: “Con bé có đôi mắt biết nói, những người như vậy thường lận đận”. Giang nghe anh nói thì phá lên cười: “Lận gì đâu, giờ em khỏe bắt chết, ưng ăn thì ăn, ưng ngủ thì ngủ, thích đi đâu thì đi, giờ ai mà giục em lấy chồng em còn mắng cho”.

Mẹ Hưng mất. Bà không bệnh tật gì, ngủ và đi luôn. Hẳn là trời thương nên trong khi người ta ốm đau thuốc thang thì bà luôn khỏe mạnh. Những ngày cuối, nghe nói là bà không hát hò gào thét như bình thường mà hay ôm song cửa sổ nhìn ra ngoài. Không biết ai nói mà bà biết Giang đã có con, bà có cháu nội rồi. Đến bữa, bà dành miếng cá trắng phau để sang bát bên cạnh nói phần cháu nội. Trong vườn có quả ổi chín, bà nói phần cháu nội, hẳn nó cũng thích ổi như mẹ nó.

Chiều ấy bà đòi đi tắm, bữa tối bà đòi ăn món canh cua rau muống. Hưng còn lấy làm mừng, nghĩ những thang thuốc đã có tác dụng đưa mẹ mình trở về. Anh gọi điện cho Giang, hẹn khi nào Giang đưa con gái về cho mẹ nhìn một lần.

Tối ấy, bà ngoan ngoãn lên giường, hát một bài trước khi ngủ thiếp đi. Và giấc ngủ kéo dài muôn đời...

Giang ẵm con gái về, cay cay mắt nghĩ ngày mai Hưng sẽ thế nào, nhẹ nhõm hay chống chếnh. Dù mẹ anh có điên dại nhưng vẫn còn chỗ cho anh dựa nương. Cùng Hưng lên đồng thăm mộ bà, nhìn Hưng cõng con gái thoăn thoắt đi trước, Giang cũng đạp qua những bụi cỏ may mặc chúng ghim đầy ống quần. Lúc chắp tay nhìn những sợi khói ngoằn ngoèo bay lên và tan trong ráng chiều, cô buột miệng: “Mẹ yên tâm ra đi, con sẽ không để Hưng cô độc”.

Giang tin là mẹ Hưng nghe được và sẽ ngậm cười q

MAI PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/loi-hua-muon-post684263.html