Lợi ích bất ngờ dành cho phụ nữ khi Trung Quốc cần thêm trẻ em

Nỗ lực thúc đẩy sinh đẻ ở Trung Quốc tạo điều kiện để phụ nữ độc thân được tiếp cận thụ tinh nhân tạo và đông lạnh trứng, điều trước đây chỉ giới hạn ở các cặp vợ chồng.

Trong khi Trung Quốc đang nỗ lực chống lại sự suy giảm dân số, những phụ nữ độc thân như Chen Luojin đang trở thành một phần của giải pháp thúc đẩy sinh đẻ.

Chen (33 tuổi), đã ly hôn và sống ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, nơi đầu tiên hợp pháp hóa việc đăng ký có con cho phụ nữ độc thân vào tháng 2. Đây cũng là chính sách được Trung Quốc cân nhắc mở rộng trên toàn quốc để tăng tỷ lệ sinh.

Những thay đổi đó có nghĩa phụ nữ chưa lập gia đình cũng có thể nghỉ thai sản có lương và nhận trợ cấp nuôi con, phúc lợi trước đây chỉ dành riêng cho các cặp vợ chồng. Điều quan trọng là Chen có thể tiếp cận phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) một cách hợp pháp tại bệnh viện tư nhân.

Hiện tại, cô đã mang thai 10 tuần.

"Không phải ai cũng phù hợp để trở thành cha mẹ đơn thân, nhưng tôi hài lòng với lựa chọn này. Công bằng mà nói, kết hôn hay không là do mỗi cá nhân quyết định. Chúng tôi đã tự do hóa các chính sách và tôi biết rất nhiều phụ nữ độc thân đang làm IVF", Chen nói với CNA.

"Cởi trói" cho phụ nữ độc thân

Lo ngại về sự sụt giảm dân số lần đầu tiên trong 60 năm và tình trạng già hóa nhanh chóng Trung Quốc, các cố vấn của chính phủ đã đề xuất vào tháng 3 rằng phụ nữ độc thân và người chưa lập gia đình nên được tiếp cận với phương pháp đông lạnh trứng và điều trị IVF, cùng các dịch vụ khác.

Lu Weiying, chuyên gia chính tại Trung tâm Y tế Sinh sản của Phụ nữ và Trẻ em ở tỉnh Hải Nam, cho biết bà đã đệ trình một đề xuất vào tháng 3 để cho phép phụ nữ độc thân tiếp cận với đông lạnh trứng, một thủ tục ngày càng phổ biến và được tìm kiếm.

"Người Trung Quốc kết hôn và sinh con muộn hơn nhiều so với trước đây, điều này dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ vô sinh, sẩy thai và tăng nguy cơ dị tật thai nhi", bà nói.

 Các chính sách sinh đẻ được nới lỏng giúp phụ nữ độc thân có nhiều lựa chọn hơn.

Các chính sách sinh đẻ được nới lỏng giúp phụ nữ độc thân có nhiều lựa chọn hơn.

Tự do hóa IVF trên toàn quốc có thể tăng thêm nhu cầu điều trị sinh sản ở nơi vốn đã là thị trường lớn nhất thế giới, tạo nên cho các dịch vụ sinh sản còn hạn chế. Một số nhà đầu tư trong ngành đang nhìn thấy cơ hội mở rộng.

"Nếu Trung Quốc thay đổi chính sách cho phép phụ nữ độc thân có con, điều này có thể dẫn đến nhu cầu IVF tăng lên", Yve Lyppens, giám đốc phát triển kinh doanh khu vực Châu Á Thái Bình Dương của INVO Bioscience - đơn vị đang chờ phê duyệt để ra mắt công nghệ IVF tại Trung Quốc sau khi ký thỏa thuận phân phối với Onesky Holdings có trụ sở tại Quảng Châu vào năm 2022 - cho biết.

Tuy nhiên theo Lyppens, "nếu có sự gia tăng đột ngột, Trung Quốc sẽ gặp vấn đề về công suất thậm chí còn lớn hơn".

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) đã không trả lời yêu cầu bình luận về việc tự do hóa khả năng tiếp cận IVF, dù trước đó họ thừa nhận rằng nhiều phụ nữ trẻ đang trì hoãn kế hoạch kết hôn và sinh con, lưu ý rằng chi phí giáo dục và nuôi dạy con cái đắt đỏ đã làm giảm tỷ lệ kết hôn.

Chi nhánh của NHC ở Tứ Xuyên không trả lời các câu hỏi từ hãng tin Reuters về việc liệu có cung cấp phương pháp điều trị IVF cho tất cả phụ nữ tại các bệnh viện công hay không. Khi công bố những thay đổi vào tháng 2, NHC Tứ Xuyên cho biết họ nhắm mục đích "thúc đẩy sự phát triển dân số lâu dài và cân bằng".

Thành phố Thượng Hải và tỉnh Quảng Đông cũng đã cho phép phụ nữ chưa kết hôn đăng ký con, nhưng dịch vụ IVF cho phụ nữ độc thân vẫn bị cấm.

Lyppens cho biết hầu hết phòng khám IVF ở Trung Quốc đã hoạt động hết công suất trước Covid-19, có khả năng sẽ lại rơi vào tình trạng tương tự ngay sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống dịch.

Nhu cầu tăng vọt

Chưa thể ước tính có bao nhiêu bệnh nhân mong muốn nhưng không thể tiếp cận điều trị, song một số phụ nữ được hưởng lợi từ IVF nói rằng phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt.

Xiangyu (34 tuổi), một phụ nữ đã có gia đình chọn làm thụ tinh trong ống nghiệm ở Trùng Khánh, cho biết: "Hàng người xếp hàng dài trong bệnh viện".

Các bệnh viện và phòng khám ở Trung Quốc, cả công và tư nhân, cung cấp khoảng 1 triệu lượt điều trị IVF hàng năm, so với 1,5 triệu ở phần còn lại của thế giới, theo các tạp chí học thuật và các chuyên gia trong ngành.

Giá cho một chu kỳ - bao gồm thuốc kích thích buồng trứng, lấy trứng, thụ tinh trong phòng thí nghiệm và chuyển phôi - được quy định tại Trung Quốc dao động trong khoảng 3.500-4.500 USD, bằng 1/4 giá ở Mỹ.

Trung Quốc có 539 cơ sở IVF công và tư. NHC cho biết họ đặt mục tiêu thành lập một cơ sở cho mỗi 2,3 triệu người vào năm 2025, nâng tổng số lên trên 600.

 Các cơ sở hỗ trợ sinh sản của Trung Quốc chưa đủ đáp ứng nhu cầu lớn và ngày càng gia tăng của người dân.

Các cơ sở hỗ trợ sinh sản của Trung Quốc chưa đủ đáp ứng nhu cầu lớn và ngày càng gia tăng của người dân.

Thị trường IVF của Trung Quốc, bao gồm điều trị, thuốc và thiết bị, dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm là 14,5% trong những năm tới, tăng gần gấp đôi lên 85,4 tỷ nhân dân tệ vào năm 2025.

Vivian Zhang, giám đốc điều hành của Merck China, công ty cung cấp các sản phẩm và dịch vụ sinh sản cho phòng khám IVF ở nước này, cho biết các thành phố ở tỉnh nhỏ đang nhanh chóng phát triển trung tâm sinh sản tương tự như ở Bắc Kinh và Thượng Hải.

"Có một nhu cầu y tế rất lớn chưa được đáp ứng cho các bệnh nhân Trung Quốc", Zhang nói, đồng thời cho biết thêm rằng cô "rất lạc quan" về thị trường IVF ở nước này.

Các chuyên gia trong ngành cho biết sự mất cân bằng về quyền lực giới tính, sự kỳ thị trong xã hội Trung Quốc mà các bà mẹ đơn thân phải đối mặt, cũng như thiếu các cuộc điều tra xã hội khiến việc định lượng tổng nhu cầu trở nên khó khăn, ảnh hưởng tới chính sách đưa ra.

Camila Caso, giám đốc nền tảng của Recharge Capital, công ty đầu tư vào các phòng khám và công nghệ sinh sản, cho biết nhiều phụ nữ Trung Quốc thích đến các phòng khám ở nước ngoài nếu họ còn độc thân, hoặc nếu muốn thực hiện các xét nghiệm di truyền khác nhau hay chọn giới tính của đứa trẻ.

Đất nước tỷ dân đã thực hiện chính sách một con cứng nhắc từ năm 1980 đến năm 2015 - gốc rễ của nhiều thách thức về nhân khẩu học. Đến nay, chính phủ đã cho phép người dân sinh đến 3 con.

Trong khi nhiều phụ nữ Trung Quốc trì hoãn hoặc từ bỏ việc sinh con những năm gần đây, nhiều người vẫn muốn trở thành mẹ.

Joy Yang (22 tuổi, Hồ Nam), làm trong lĩnh vực tài chính quốc tế, cho biết lần đầu tiên cô nghe nói về IVF trên truyền hình và muốn nó được tự do hóa trên toàn quốc. Trong trường hợp không tìm được đối tác nhưng tình hình tài chính cho phép, cô muốn dùng IVF để có con.

"Có một số phụ nữ không muốn kết hôn nhưng vẫn muốn có con. Tôi có thể chọn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm", Yang nói.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-ich-bat-ngo-danh-cho-phu-nu-khi-trung-quoc-can-them-tre-em-post1427015.html