Lợi ích bất ngờ khi dùng căn cước công dân gắn chíp thay thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh

Hiện nay người dân có thể dùng căn cước công dân gắn chíp thay cho thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh. Việc thay thế này đảm bảo được tính nhanh chóng, thuận tiện, phần nào giúp chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao.

Thay thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện từng bước đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo việc tra cứu thông tin về bảo hiểm y tế qua thẻ căn cước công dân gắn chíp. Nhiều người dân đã được tích hợp thông tin về bảo hiểm y tế trong dữ liệu về căn cước công dân (CCCD).

Tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị chuẩn bị kế hoạch và nguồn lực để triển khai tiếp đón, tổ chức KCB cho người bệnh có căn cước công dân gắn chíp tích hợp mã thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hoặc qua ứng dụng VNEID.

Theo đó, cơ sở KCB thông báo công khai cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón người bệnh khi đi KCB bảo hiểm y tế bằng CCCD có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID (chỉ áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp).

Người bệnh đã được cấp căn cước công dân có gắn chíp

Trường hợp khi kiểm tra CCCD (quét mã QR code) hoặc qua ứng dụng VNEID đã có thông tin hợp lệ về tham gia bảo hiểm y tế thì cơ sở KCB thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành; đồng thời thông tin cho người bệnh biết để đi KCB bảo hiểm y tế kể từ lần sau bằng CCCD gắn chíp hoặc bằng ứng dụng VNEID.

Trường hợp khi kiểm tra thông tin nhưng không có thông tin hợp lệ về tham gia bảo hiểm y tế: Giải thích để người bệnh đó biết tình trạng của thẻ BHYT trên CCCD chưa thể thực hiện được; thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).

Hiện nay người dân đều có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay cho thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh BHYT.

Hiện nay người dân đều có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay cho thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh BHYT.

Người bệnh chưa được cấp căn cước công dân có gắn chíp

Thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành (xuất trình thẻ bảo hiểm y tế và giấy tờ tùy thân có ảnh).

Bộ Y tế đề nghị đồng chí Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo đúng hướng dẫn tạm thời tại Công văn này. Bộ Y tế sẽ thống nhất với Bộ Công an và Bảo hiểm y tế Việt Nam sớm có tài liệu hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật hoặc hàm API (nếu có), để các đơn vị thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, bất cập và kiến nghị, đề nghị các đơn vị tổng hợp, kịp thời phản ánh về Bộ Y tế (qua Vụ BHYT) để được xem xét, giải quyết hoặc để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan.

Hiện nay về cơ bản, người dân ở các địa phương đều có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chíp thay cho thẻ BHYT để khám chữa bệnh BHYT.

Vì vậy, nếu đã được cấp thẻ CCCD gắn chíp, người bệnh chỉ cần mang theo CCCD và không cần đem thẻ BHYT giấy đi cùng khi đến khám, chữa bệnh mà vẫn được giải quyết hưởng quyền lợi BHYT.

Khi đi khám, chữa bệnh, người bệnh xuất trình CCCD gắn chíp cho nhân viên y tế để họ quét mã QR code kiểm tra thông tin và làm thủ tục khám, chữa bệnh theo đúng quy trình.

Ngoài việc cho phép sử dụng CCCD gắn chíp thay cho thẻ BHYT giấy, Công văn 931/BYT-BH, Bộ Y tế cũng đề cập đến việc cho phép sử dụng VNeID thay thế cho thẻ BHYT giấy khi người dân đi khám chữa bệnh.

Theo đó, những công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử (VNeID) do Bộ Công an cung cấp và tích hợp thông tin về thẻ BHYT trên đó thì có thể sử dụng ứng dụng này để làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT.

Để được tích hợp thông tin BHYT trên ứng dụng VNeID cần làm gì?

Để được tích hợp thông tin BHYT trên ứng dụng VNeID, người dân phải đăng ký đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 tại công an xã, phường, thị trấn hoặc công an nơi cấp thẻ CCCD. Khi đi, người dân mang theo thẻ CCCD gắn chíp và thẻ BHYT để phía công an cập nhật thông tin.

Sau khi đăng ký thành công, người dân có thể sử dụng thông tin thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID để thay cho thẻ BHYT giấy để làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT. Cách sử dụng ứng dụng này như sau:

Bước 1: Đăng nhập tài khoản VNeID.

Bước 2: Chọn mục "Ví giấy tờ" sau đó Chọn "Thẻ BHYT".

Bước 3: Nhập mã Passcode để xác minh người dùng.

Bước 4: Xuất trình hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID cho nhân viên y tế.

Vì vậy, để thuận tiện khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, đề nghị công dân đề nghị cấp thẻ CCCD gắn chíp, tích hợp thông tin BHYT vào thẻ CCCD, đăng ký tài khoản định danh điện tử trong thời gian sớm nhất.

Để được tích hợp thông tin BHYT trên ứng dụng VNeID người dân mang theo thẻ CCCD gắn chíp và thẻ BHYT để phía công an cập nhật thông tin.

Để được tích hợp thông tin BHYT trên ứng dụng VNeID người dân mang theo thẻ CCCD gắn chíp và thẻ BHYT để phía công an cập nhật thông tin.

Làm thế nào để tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước công dân gắn chip?

Thực hiện Quyết định số 1911/QĐ-TTg ngày 15/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 8/3/2022, Bộ Công an đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam triển khai đồng bộ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp thông tin thẻ BHYT vào thẻ CCCD, phục vụ người dân và cơ quan y tế xác thực thông tin công dân khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Trường hợp đã đăng ký sử dụng ứng dụng VssID trước đây nhưng với thông tin là CMND thì cập nhật thông tin CCCD để được xác thực tự động và tự đồng bộ dữ liệu thẻ BHYT với CCCD gắn chip, các bước thực hiện như sau:

Truy cập cổng dịch vụ công Ngành BHXH tại địa chỉ http://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn.

Đăng nhập bằng tài khoản VssID đã được phê duyệt.

Tại mục thông tin cá nhân, bổ sung thông tin CCCD thay cho CMND cũ, gửi tờ khai điều chỉnh thông tin đến cơ quan BHXH phê duyệt.

In tờ khai, kí tên và nộp tại cơ quan BHXH gần nhất để được phê duyệt điều chỉnh thông tin tài khoản giao dịch điện tử. Sau khi tờ khai điều chỉnh thông tin được phê duyệt thì dữ liệu thẻ BHYT sẽ được tự động tích hợp vào CCCD gắn chip.

Trường hợp chưa đăng ký sử dụng ứng dụng VssID, các bước thực hiện như sau:

Tải ứng dụng VssID về điện thoại thông minh, chọn "Đăng ký ngay".

Kê khai thông tin cá nhân, lưu ý điền số CCCD, số điện thoại và địa chỉ email để nhận mã OTP xác thực. Gửi tờ khai đăng ký trên ứng dụng.

In và nộp tờ khai đăng ký tại cơ quan BHXH gần nhất để được phê duyệt sử dụng ứng dụng. Sau khi cán bộ BHXH phê duyệt thành công thì thẻ BHYT sẽ tự động tích hợp vào CCCD gắn chip.

Người dân hưởng lợi gì từ sử dụng căn cước công dân gắn chip khám chữa bệnh bảo hiểm y tế?

Việc triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chip đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân và đơn vị.

Trước đây, khi vào khám, chữa bệnh người dân phải xuất trình nhiều giấy tờ, chờ đợi khá lâu để nhân viên y tế xác minh và nhập thông tin. Một số trường hợp thông tin không khớp giữa bảo hiểm và giấy tờ tùy thân. Số khác có thể hỏng hoặc mất thẻ bảo hiểm khiến việc đăng ký khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT gặp không ít khó khăn.

Từ khi áp dụng dùng thẻ CCCD vào khám chưa bệnh BHYT, người dân và nhân viên y tế đã tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm nhiều giấy tờ thủ tục. Nhờ đó, đảm bảo được tính nhanh chóng, thuận tiện, phần nào giúp chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao.

Ngoài ra, người dân cũng không phải mất thời gian hoàn tất các thủ tục xin cấp lại thẻ BHYT trong trường hợp mất hoặc thẻ rách, hỏng, hết hạn… Đồng thời, cơ quan quản lý tiết kiệm được chi phí cấp phát thẻ, quản lý thẻ BHYT, chống lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT.

Hiện nay thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang được hoàn thiện. Do đó, sẽ có trường hợp khám chữa bệnh bằng CCCD được và còn trường hợp chưa thực hiện được khi thông tin giữa 2 cơ sở dữ liệu chưa xác thực. Đối với người bệnh đã được cấp CCCD có gắn chíp điện tử khi đi khám chữa bệnh lần đầu nên mang theo thẻ BHYT hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID - BHXH số kèm giấy tờ tùy thân có ảnh.

Sau lần đầu đã khám chữa bệnh thành công bằng CCCD hoặc VNeID thì từ lần khám bệnh sau chỉ cần xuất trình CCCD hoặc sử dụng ứng dụng VNeID.

Trường hợp CCCD chưa kịp tích hợp dữ liệu thẻ BHYT hoặc người tham gia BHYT chưa được cấp tài khoản VNeID, người bệnh vẫn sử dụng thẻ BHYT hoặc VssID để khám chữa bệnh theo quy định.

Do đó, các cơ sở y tế vẫn đang triển khai song song giữa việc tra cứu thông tin BHYT bằng thẻ CCCD và thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành là xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh.

Khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chip đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân và đơn vị. Ảnh minh họa: TL

Khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chip đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân và đơn vị. Ảnh minh họa: TL

96% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), BHXH Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiều dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia và của ngành.

BHXH Việt Nam thông tin, tính đến ngày 20/2/2023, về kết nối, chia sẻ dữ liệu và sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip, ứng dụng định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ BHYT giấy để khám chữa bệnh BHYT: Hệ thống đã xác thực trên 74,4 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ gần 96,3 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Toàn quốc đã có 12.268 cơ sở KCB triển khai KCB BHYT bằng căn cước công dân gắn chip (đạt 96% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc), với gần 11,8 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chip phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.

Về triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia: Hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý gia hạn 587 thẻ BHYT thông qua dịch vụ gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng thông qua Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam và Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí: Đến nay, BHXH 2 địa phương triển khai thí điểm (Hà Nội và Hà Nam) đã tiếp nhận và giải quyết 12.455 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 502 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí được thực hiện qua 2 nhóm dịch vụ công liên thông này.

Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp: BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 60.115 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

Trong năm 2023, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đảm bảo và kiện toàn hệ thống công nghệ thông tin để tiếp tục đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan; tiếp tục rà soát, làm sạch thông tin dữ liệu y tế, bảo hiểm, thuế; tiếp tục triển khai chống trục lợi BHXH, BHYT, trong đó, phấn đấu khoảng 80% cơ sở KCB sử dụng căn cước công dân gắn chip để xác thực sinh trắc học.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/loi-ich-bat-ngo-khi-dung-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-thay-the-bao-hiem-y-te-khi-di-kham-chua-benh-172230427000252467.htm