Lợi ích của việc sử dụng đồng euro tại Croatia

Việc gia nhập khu vực Schengen đã mở ra kỷ nguyên mới cho người Croatia, song nó vẫn khiến nhiều người hoài nghi.

Sân bay quốc tế Zagre của Croatia. Ảnh: Visit Croatia

Sân bay quốc tế Zagre của Croatia. Ảnh: Visit Croatia

Vào tháng 1/2023, Croatia đã chính thức trở thành thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và khu vực đi lại tự do Schengen. Trong khi việc tham gia khu vực Schengen nhận được sự ủng hộ của hầu hết người Croatia mong muốn việc đi lại xuyên biên giới với các quốc gia láng giềng dễ dàng hơn, thì việc gia nhập Eurozone vẫn khiến nhiều người hoài nghi. Tuy nhiên, theo cựu Bộ trưởng Kinh tế Croatia không có lý do gì để lo lắng về vấn đề này.

Việc gia nhập khu vực Schengen đã mở ra kỷ nguyên mới cho người Croatia. Sau 10 năm là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), giờ đây người dân Croatia đã có thể đi du lịch sang Hungary, Slovenia hay Italy mà không cần phải trải qua quá trình kiểm tra hộ chiếu kéo dài.

Nhưng bất chấp thực tế là Croatia đã chuẩn bị cho việc sử dụng đồng euro từ nhiều năm trước, việc tham gia Eurozone vẫn còn là một điều gì đó chưa chắc chắn đối với đại đa số người dân Croatia. Cựu Bộ trưởng Kinh tế, đồng thời là nhà phân tích kinh tế của Croatia, Goranko Fizulić, khẳng định không có lý do gì để nước này trì hoãn việc gia nhập Eurozone.

Ông nói có nhiều người lo sợ sự thay đổi, giá cả tăng cao và mức sống giảm sút. Những lo ngại này đã được đề cập rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trong những tuần trước khi đồng euro ra đời. Nhưng ông Fizulić cho rằng đây là một bước tiến lớn đối với Croatia, và nó sẽ tạo ra lợi ích giống như việc nước này gia nhập khu vực Schengen.

*Một số doanh nghiệp tận dụng “kẽ hở”

Chính phủ Croatia đã cố gắng xoa dịu nỗi lo sợ của người dân về việc sử dụng đồng euro, bằng cách liên tục đảm bảo rằng mọi thứ sẽ ổn. Một vài tháng trước khi gia nhập Eurozone, Chính phủ đã yêu cầu tất cả hàng hóa bán lẻ phải niêm yết giá bằng cả đồng nội tệ kuna cũng như đồng euro, tạo sự minh bạch về giá. Quy định này có hiệu lực đến hết năm nay.

Mặc dù đồng kuna đã được Chính phủ Croatia ban hành và chính thức đưa vào lưu thông trên thị trường từ những năm 1990, nhưng đồng euro cũng không phải là một điều mới lạ đối với người dân nước này. Trong một thời gian dài, đồng euro đóng vai trò là đồng tiền dự trữ không chính thức cùng với đồng kuna. Do đó, nhiều lĩnh vực bán lẻ của Croatia đã niêm yết giá bằng euro từ vài năm trước, mặc dù khách hàng vẫn sử dụng đồng kuna để thanh toán, ví dụ như ngành hàng ô tô, bất động sản hoặc vật liệu xây dựng.

Các công ty du lịch của Croatia cũng thường xuyên quảng cáo giá “tour” du lịch hạng sang bằng cả hai loại tiền tệ kuna và euro. Nhiều người Croatia thậm chí đã lựa chọn đồng euro làm đồng tiền tiết kiệm. Điều này xuất phát từ lý do mọi người tin tưởng vào sự ổn định chính sách của Eurozone hơn là của Ngân hàng trung ương Croatia. Do đó, Croatia chỉ đơn giản là đang tiếp nối lịch sử từ thời nước này còn nằm trong Cộng hòa Liên bang Xã hội Chủ nghĩa Nam Tư, khi đồng mark của Đức là đồng tiền dự trữ chính.

Người Croatia đã chuẩn bị gia nhập Eurozone kể từ khi đất nước của họ trở thành một phần của EU. Nhưng khi đồng euro được giới thiệu, bắt đầu xuất hiện những lời phàn nàn trên các phương tiện truyền thông. Nguyên nhân là do làn sóng tăng giá thường được minh chứng bằng hình ảnh giá cả tăng so với thời kỳ trước. Đặc biệt trong ngành thực phẩm và khách sạn, một số chủ doanh nghiệp đã lợi dụng cơ hội này để tăng giá dịch vụ và hàng hóa.

Ví dụ, một chiếc bánh ngọt trước đây được bán với giá 75 xu euro nay bỗng tăng thêm 10 xu euro. Giá ly cà phê cappuchino (một loại cà phê phổ biến của phương Tây) tại một số nơi đã tăng từ 1,65 euro lên 1,80 euro. Mặc dù đây không phải là một bước nhảy vọt về giá, nhưng nhiều người Croatia cảm thấy có sự thay đổi này trong chi tiêu hàng ngày của họ.

*Khó khăn kinh tế không phải là hệ quả của đồng euro

Tuy vậy, tình hình kinh tế khó khăn của Croatia không phải là hệ quả của đồng euro. Mức sống của người Croatia đã giảm trong những tháng gần đây. Những người chỉ trích đồng tiền chung châu Âu có thể cho rằng do việc gia nhập Eurozone khiến đời sống trong nước của người dân Croatia trở nên “chật vật” hơn. Nhưng chuyên gia Fizulich tin rằng ngay cả khi không có đồng euro, thì sức mua trong nước cũng sẽ suy giảm. Việc sử dụng đồng euro có thể gây tác động đối với những người có thu nhập dưới mức trung bình và người đã nghỉ hưu, khi giá có thể đã tăng 1-2%. Tuy nhiên, ảnh hưởng chắc chắn sẽ không nhiều hơn thế.

Croatia hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất EU. Vào tháng 6/2023, lạm phát của nước này tăng lên ngưỡng 8,3%, trong khi thu nhập ròng trung bình hàng năm chưa đến 11.000 euro. Theo chuyên gia Fizulic, vấn đề của Croatia là có sự chênh lệch lớn về thu nhập và cơ cấu kinh tế không thuận lợi. Mặc dù quốc gia này có mức thuế giá trị gia tăng (VAT) cao nhất trong EU, với 25%, tương đương mức thu thuế của Đan Mạch hoặc Thụy Điển. Nhưng theo cựu Bộ trưởng Kinh tế Fizulić, thuế chủ yếu dùng để tài trợ cho bộ máy nhà nước phát triển quá mức.

Croatia chỉ sản xuất một số mặt hàng để xuất khẩu. Nhìn chung, đất nước này chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu từ du lịch, nhắm vào lượng du khách có sức mua cao hơn từ các quốc gia láng giềng, như Đức, Italy và Austria. Ông Fizulić nhận định, ở những nơi du lịch đóng vai trò quan trọng, giá cả đã tăng lên. Do đó, bất kể là đồng euro hay đồng kuna cũng sẽ không thể làm thay đổi tình hình.

Chuyên gia Fizulich coi việc gia nhập Eurozone là một thành công của Croatia, bởi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Croatia với các nước trong khu vực sẽ không bị ảnh hưởng bởi tỷ giá hối đoái. Bên cạnh đó, việc đi lại cũng dễ dàng và rẻ hơn nhiều. Đồng thời, chuyên gia Fizulić nói thêm rằng việc đưa đồng euro vào đời sống của Croatia cũng tạo ra tác động tâm lý đến người dân, bởi giờ đây, họ đã có một loại tiền tệ an toàn và ổn định mà không cần quan tâm đến một loại tiền dự trữ nước ngoài nữa. Ông nhấn mạnh đây là lý do vì sao Croatia lựa chọn sử dụng đồng euro./.

Việt Dũng (P/v TTXVN tại Praha)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/loi-ich-cua-viec-su-dung-dong-euro-tai-croatia/304445.html