'Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ'
Đây là một trong những quan điểm khá quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ cùng cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp FDI với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển" diễn ra tại Hà Nội vào ngày 17-9.
Theo Thủ tướng, nếu làm việc với nhau mà "bên thua, bên thắng" thì không phải là hợp tác. Nếu "bên thua, bên thắng" thì chúng ta phải ngồi lại, lắng nghe, trao đổi với nhau để hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài "với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng từ khoảng 4 tỷ USD khi bắt đầu đổi mới lên khoảng 400 tỷ USD trong năm nay. Việt Nam cũng thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng. Đến hiện tại, cả nước đã thu hút được hơn 35,5 ngàn dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 430 tỷ USD.
Với tất cả những yếu tố, điều kiện có sẵn, thu hút FDI luôn là một trong những định hướng quan trọng nhất mà Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, quan điểm về thu hút nguồn vốn đầu tư quan trọng này cũng đã thay đổi rất nhiều cho phù hợp với tình hình mới. Trong đó, ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng ít lao động, thân thiện với môi trường, phát triển một số lĩnh vực cụ thể thuộc công nghiệp hỗ trợ như: chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đổi mới công nghệ...
Tuy nhiên, giai đoạn này, nhiều thách thức đang diễn ra: hậu quả dịch bệnh vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, căng thẳng giữa các quốc gia khiến nhiều chuỗi cung ứng đứt gãy, lạm phát tăng cao ở nhiều thị trường… Do đó, để “đón” được dòng vốn FDI, Việt Nam nói chung và các địa phương trọng điểm như Đồng Nai nói riêng còn cần phải nỗ lực nhiều. Trong đó có những yếu tố quan trọng như: cải thiện chính sách, tạo hành lang pháp lý về đầu tư thông thoáng, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ chủ lực, đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông… Khi và chỉ khi các nhà đầu tư tìm thấy lợi ích khi đầu tư tại Việt Nam thì dòng vốn FDI mới bền vững. Nhưng ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng phải được hưởng lợi ích từ những dự án FDI thì mới có động lực cải thiện, thu hút, phát triển nguồn vốn đặc biệt này.
Với một thị trường thế giới nhiều biến động như hiện tại thì “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và “đôi bên cùng thắng” mới là quan điểm hợp tác lâu dài.