Lợi ích 'kép' khi bảo vệ động vật hoang dã

Quy định của pháp luật về nghiêm cấm hành vi săn bắt, nuôi nhốt, vận chuyển, giết thịt động vật hoang dã đã có hiệu lực và ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, tình trạng săn bắt, nuôi nhốt, vận chuyển, giết thịt động vật hoang dã chưa chấm dứt, mặc dù cơ quan chức năng đã tuyên truyền và xử lý một số trường hợp vi phạm…

Quy định của pháp luật về nghiêm cấm hành vi săn bắt, nuôi nhốt, vận chuyển, giết thịt động vật hoang dã đã có hiệu lực và ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, tình trạng săn bắt, nuôi nhốt, vận chuyển, giết thịt động vật hoang dã chưa chấm dứt, mặc dù cơ quan chức năng đã tuyên truyền và xử lý một số trường hợp vi phạm…

Lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Tam Đảo phối hợp với các chuyên gia chăm sóc, bảo vệ cá thể gấu bị săn bắt trái phép.

Lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Tam Đảo phối hợp với các chuyên gia chăm sóc, bảo vệ cá thể gấu bị săn bắt trái phép.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cá nhân, tổ chức săn bắt, nuôi nhốt, vận chuyển, giết thịt động vật hoang dã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Chỉ riêng hành vi quảng cáo để kinh doanh động vật hoang dã và sản phẩm của chúng trái quy định của pháp luật đã bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng.

Hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật hoang dã trái quy định của pháp luật nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng lên đến 400.000.000 đồng, kèm theo hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả.

Đặc biệt, trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp; quý, hiếm bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 15 năm theo quy định tại Điều 244, Bộ luật Hình sự.

Thái Nguyên là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn (rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt là hơn 30.000ha) với gần 300 loài động vật. Trong các khu rừng tự nhiên có tới 34 loài động vật nguy cấp, quý, hiếm, như: Voọc, khỉ, sơn dương, nai, tê tê, mèo rừng… Các loài này sống chủ yếu ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, Vườn quốc gia Tam Đảo.

Động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh thường xuyên bị săn bắt để giết thịt, buôn bán bởi tập tục sử dụng nguồn thực phẩm từ rừng, nhận thức lệch lạc của một bộ phận người dân cho rằng các sản phẩm từ động vật hoang dã có khả năng chữa bệnh.

Chính vì vậy, việc bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, cho dù cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền, vận động và xử lý một số trường hợp vi phạm.

Cụ thể, hàng năm, ngoài việc điều tra số lượng các loại động vật hoang dã, lực lượng Kiểm lâm của tỉnh thường xuyên phối hợp với Công an, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ động vật hoang dã; giao nộp các loại vũ khí sử dụng để săn bắt.

Lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn đã phối hợp với lực lượng Công an xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Mới đây, lực lượng Công an huyện Đại Từ đã phối hợp với Kiểm lâm hoàn tất hồ sơ khởi tố vụ án bắt giữ, nuôi nhốt trái phép một cá thể Culi nhỏ (có tên khoa học là Nycticebus Pygmaeus) tại Vườn quốc gia Tam Đảo. 2 trường hợp bị cơ quan chức năng xử lý hình sự khi tổ chức giết thịt cá thể hổ để nấu cao tại TP. Phổ Yên và TP. Thái Nguyên...

Thói quen coi các sản phẩm từ động vật hoang dã là món ăn đặc sản, thuốc quý dùng chữa bệnh chưa được loại bỏ nên ngoài việc săn bắt trong tự nhiên, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các mô hình chăn nuôi động vật hoang dã.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 80 cơ sở được cấp phép nuôi động vật có nguồn gốc từ tự nhiên, như: Gấu, hươu, nai, nhím, cầy vòi, các loại rắn độc... Các cá thể nuối nhốt đều được cơ quan chức năng đánh mã số để theo dõi, quản lý.

Một số mô hình nuôi động vật hoang dã có đem lại giá trị kinh tế và được cơ quan chức năng kiểm soát. Việc làm này cũng góp phần hạn chế tình trạng săn bắt, giết thịt, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép, nhưng những người yêu thiên nhiên đều mong muốn cơ quan chức năng nên nghiên cứu, tuyên truyền, vận động để tiến tới chấm dứt việc nuôi nốt này.

Cùng với đó là việc quy hoạch và bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh cần thực hiện tốt hơn nữa để tạo điều kiện cho các loại động vật hoang dã có không gian sống an toàn, phát triển. Những cánh rừng đa dạng về các loại động vật, thực vật đó sẽ từng bước đem lại lợi nhuận về kinh tế khi du lịch sinh thái để gần gũi với tự nhiên đang dần trở thành thói quen của nhiều người.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202211/loi-ich-kep-khi-bao-ve-dong-vat-hoang-da-2ae1904/