'Lợi ích kép' từ các cửa hàng nông sản an toàn
Nắm bắt nhu cầu mua sắm ngày càng khắt khe của người tiêu dùng, một vài năm trở lại đây các cửa hàng nông sản an toàn đã lần lượt hình thành, phát triển trên địa bàn tỉnh ta. Với hàng hóa, thực phẩm bày bán có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm, lại thuận tiện trong việc mua bán, các cửa hàng này đang được nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn làm điểm mua sắm hàng ngày.
Thay vì ra chợ mua thực phẩm cho mỗi bữa ăn như trước, giờ đây chị Vân (phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình) đã thay đổi thói quen bằng việc lựa chọn thực phẩm tại Cửa hàng Nông sản an toàn sông Vân ở ngay gần nhà. Theo chị Vân: Tại đây các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm, riêng các mặt hàng tươi sống được bảo quản trong tủ đông lạnh nên tôi khá yên tâm.
"Do đặc thù công việc bận rộn tôi thường gọi dịch vụ ship hàng của Nông sản an toàn sông Vân, vừa giúp tiết kiệm thời gian so với việc ra các chợ truyền thống, lại hạn chế được nguy cơ lây lan dịch COVID-19 khi không phải đến chỗ đông người"- chị Loan, một khách hàng khác chia sẻ.
Theo anh Nguyễn Ngọc Tiên, chủ Cửa hàng Nông sản an toàn sông Vân (phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình): Mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 1 tạ rau, củ, quả. Đa phần trong số đó là nông sản từ các hợp tác xã, trang trại của nông dân trong tỉnh như: cà chua Mai Sơn (Yên Mô), rau, quả Khánh Thành (Yên Khánh), thịt dê Ninh Giang (Hoa Lư)… Đặc biệt đây đều là các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đủ điều kiện an toàn, đủ điều kiện vệ sinh thú y nên được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Chỉ tính riêng từ sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, hiện trên địa bàn tỉnh đã có hơn 20 cửa hàng như Nông sản an toàn sông Vân đi vào hoạt động, trung bình mỗi huyện, thành phố có từ 1-3 cửa hàng. Đáng chú ý, tất cả các cửa hàng đều có thiết bị test nhanh sản phẩm khi có yêu cầu của khách, đồng thời liên tục mở rộng nhiều loại dịch vụ phục vụ những khách hàng bận rộn như: sơ chế sẵn thực phẩm, ship hàng tận nhà…
Lợi thế lớn nhất của hệ thống cửa hàng này là luôn có được nguồn hàng chất lượng, phong phú phục vụ nhu cầu của khách. Được biết, lợi thế này xuất phát từ việc Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã vận động thành lập 32 Hợp tác xã và 136 Tổ hợp tác chuyên ngành sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn; xây dựng 477 mô hình "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn".
Điển hình là mô hình chăn nuôi dê đủ điều kiện vệ sinh thú y, mô hình trồng trọt đủ điều kiện an toàn tại xã Yên Từ (Yên Mô) và xã Văn Phong (Nho Quan), mô hình giò chả đủ điều kiện sản xuất an toàn tại xã Lưu Phương (Kim Sơn), xã Khánh Thiện (Yên Khánh)...
Các hộ nông dân tham gia mô hình được tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm, công bố sản phẩm phù hợp quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ vay vốn. Một số mô hình còn được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ một phần nguyên liệu, vật tư, máy móc…
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh: Việc liên kết chặt chẽ giữa các cửa hàng nông sản an toàn (do tổ chức Hội hỗ trợ thành lập) với các trang trại, mô hình kể trên không những giúp ổn định nguồn hàng mà còn tiết kiệm được chi phí, thời gian vận chuyển nên hàng hóa luôn tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng. Ở chiều ngược lại, với những phản hồi tốt của khách hàng về chất lượng nông sản, cùng số lượng tiêu thụ ổn định, thậm chí ngày càng tăng ở chuỗi cửa hàng Nông sản đã phần nào khuyến khích bà con nông dân tích cực đầu tư sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm.
Có thể thấy, hệ thống cửa hàng nông sản an toàn đã và đang mang lại "lợi ích kép" cho cả khách hàng và người sản xuất khi đóng vai trò "cầu nối" đưa nông sản, thực phẩm sạch ở trong và ngoài tỉnh đến tay người tiêu dùng.
Mặt khác, kênh phân phối này cũng góp phần thúc đẩy người sản xuất (trực tiếp là các hộ nông dân trong tỉnh) đầu tư cải tiến chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh và bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại. Từ đó tạo chuyển biến quan trọng trong sản xuất, sử dụng thực phẩm sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ðây cũng là mô hình xúc tiến thương mại đối với nông sản rất phù hợp và hiệu quả trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Bài, ảnh: Đào Duy