Lợi ích kép từ đào tạo nghề theo ''đặt hàng''
Thực hiện Đề án 'Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020' do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009, những năm gần đây, một số địa phương của Hà Nội đã triển khai đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội, theo 'đặt hàng' của doanh nghiệp... Việc này mang lại lợi ích kép, vừa giúp doanh nghiệp sở hữu nguồn lao động có tay nghề, vừa giúp người lao động có việc làm sau khi học nghề.
Nhiều lao động ở thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) có việc làm sau khi học nghề may.
Đào tạo theo nhu cầu xã hội
Công tác đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động, của xã hội là hướng đi được huyện Quốc Oai tích cực triển khai từ 4 năm nay. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức được 228 lớp đào tạo nghề cho 8.096 lao động nông thôn; 33,83% lao động được doanh nghiệp tuyển dụng sau đào tạo, hơn 50% lao động tự tạo việc làm sau học nghề.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương cho biết, huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo phương châm: Chỉ dạy nghề khi xác định được lao động có việc làm và thu nhập cao hơn sau đào tạo. Từ đó, Quốc Oai triển khai 3 mô hình: Đào tạo nghề theo đặt hàng của doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu phát triển của làng nghề và yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết bao tiêu sản phẩm cho người lao động...
“Năm 2017, huyện Quốc Oai phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse tại Khu công nghiệp Ngọc Liệp mở 2 lớp đào tạo nghề hàn điện cho 70 lao động. Các lao động sau đào tạo đều có việc làm với mức thu nhập 8,5 triệu đồng/người/tháng”, ông Nguyễn Đức Phương thông tin.
Cách làm hiệu quả của Quốc Oai đang được nhiều địa phương trên địa bàn thành phố thực hiện, mang lại hiệu quả rõ nét.
Năm 2019, chị Nguyễn Thị Thủy, ở thôn Nam, thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) được học nghề may 3 tháng miễn phí và tìm được việc làm tại một xưởng may trong thôn. “Trước đây, tôi chỉ làm nông nghiệp nên thu nhập rất thấp. Từ khi có nghề may, mỗi tháng có thêm 3-4 triệu đồng, cuộc sống ổn định hơn”, chị Thủy nói.
Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì Đặng Quyết Thắng cho biết: "Đến nay, huyện Ba Vì đã tổ chức được 214 lớp đào tạo nghề cho 7.452 người. Lao động học nghề nông nghiệp đã ứng dụng ngay vào sản xuất; với các nghề phi nông nghiệp như may, cơ khí, điện..., nhiều học viên mở được cửa hàng riêng hoặc đi làm công nhân tại các doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 80%".
Với góc nhìn của một doanh nghiệp, bà Dương Thị Thu Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) chia sẻ: “Thời gian qua, doanh nghiệp đã phối hợp với các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Quốc Oai trong công tác đào tạo nghề. Năm 2019, đơn vị đã hỗ trợ hơn 100 lao động học nghề trồng nấm và thu mua sản phẩm của các học viên”.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, song công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn Thủ đô vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần khắc phục.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn: “Việc đào tạo nghề ở một số nơi vẫn chưa gắn với nhu cầu người học; chưa bám vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp... Do đó, một số nghề chưa phát huy được hiệu quả”.
Để tháo gỡ những bất cập nêu trên, theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Lê Trọng Khuê, căn cứ vào nhu cầu tại các địa phương, hội đã phối hợp mở các lớp dạy nghề phù hợp. Với các huyện có cụm, khu công nghiệp như: Thanh Oai, Thường Tín, Đông Anh, Hoài Đức... sẽ tập trung đào tạo các nghề phi nông nghiệp và kiến nghị tăng thời gian đào tạo để người lao động có đủ kỹ năng làm việc tại các doanh nghiệp.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết: “Chúng tôi phối hợp với các huyện, thị xã để rà soát kỹ hơn nữa nhu cầu của người học cũng như đặc thù kinh tế - xã hội tại các địa phương, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo chi tiết. Mặt khác, các huyện, thị xã cần làm việc với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn, có kế hoạch dạy nghề theo đặt hàng của doanh nghiệp và đào tạo theo nhu cầu, lợi thế phát triển của từng địa phương”.
Về phần mình, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, Sở NN&PTNT đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã gắn các chương trình dạy nghề với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các vùng chuyên canh, nhà máy, hợp tác xã sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản…
Đào tạo nghề bám sát nhu cầu thực tế, theo “đặt hàng” sẽ mang lại lợi ích kép: Vừa giúp doanh nghiệp có nguồn lao động, vừa giúp người lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Đó là giải pháp căn cơ để chính sách đào tạo nghề của Nhà nước đạt hiệu quả cao nhất.