Lợi ích kép từ khai thông tin hàng hóa nhập khẩu trước khi tới cửa khẩu
Vừa qua, cơ quan hải quan đã có một bước tiến mới trong cải cách việc thực hiện các thủ tục. Cụ thể, thay vì khai báo bằng hồ sơ giấy, các doanh nghiệp làm thủ tục qua cửa khẩu đường bộ, đường thủy nội địa thực hiện khai báo bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu điện tử. PGS.TS Vũ Duy Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) đã trao đổi với phóng viên TBTCVN để hiểu rõ hơn về Bản kê điện tử này.
PV: Thưa ông, thời gian qua, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã có nhiều cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả trong lĩnh vực này của cơ quan hải quan?
PGS.TS Vũ Duy Nguyên: Thời gian qua, cơ quan hải quan đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong cải cách, hiện đại hóa. Đơn cử như việc kiểm tra sau thông quan, áp dụng quản lý rủi ro, phân luồng hàng hóa xuất nhập khẩu. Từ đó giảm thiểu việc kiểm tra thực tế hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại.
Doanh nghiệp nhận được rất nhiều lợi ích từ những cải cách này. Dễ nhận thấy đó là giảm chi phí tuân thủ, thời gian thông quan và áp lực trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa. Đặc biệt, khi hiện đại hóa hải quan, doanh nghiệp có thể làm thủ tục mọi lúc, mọi nơi để có thể chủ động khai báo, làm thủ tục cho các lô hàng của mình nhanh nhất, thuận lợi nhất.
PV: Một trong những bước cải cách gần đây mà Tổng cục Hải quan triển khai là việc đưa vào sử dụng hệ thống khai báo, tiếp nhận, xử lý bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu. Theo ông, hệ thống này có những ưu điểm nào?
PGS.TS Vũ Duy Nguyên: Qua triển khai, hệ thống đã phát huy nhiều ưu điểm vượt trội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện khai báo điện tử, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí và nhân lực cho cả doanh nghiệp, cũng như cơ quan hải quan.
Người khai hoàn toàn chủ động, lưu thông tin, khai báo sửa đổi bổ sung trước khi nộp lên hệ thống, không cần in bản kê để chờ cơ quan hải quan đóng dấu xác nhận. Đặc biệt, khi khai điện tử, người khai hải quan không phải lưu hồ sơ giấy.
Việc khai báo, tiếp nhận, kiểm tra, xác nhận bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu điện tử góp phần ngăn chặn việc đưa hàng cấm vào Việt Nam, hàng hóa không đáp ứng yêu cầu chất lượng, vệ sinh và giấy phép do gắn trách nhiệm người nhập khẩu từ khi chưa đưa hàng hóa vào Việt Nam. Đồng thời kết nối được các khâu trong chuỗi dây chuyền thủ tục, nhất là hàng hóa vận chuyển độc lập, từ đó đảm bảo hiệu quả quản lý hải quan. Không còn xảy ra việc đưa hàng hóa vào Việt Nam mà không rõ chủ hàng, người nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan có thể kiểm soát, cập nhật tình hình phương tiện và hàng hóa nhập khẩu vào các cửa khẩu theo thời gian thực, từ đó có những biện pháp, điều chỉnh và quản lý hiệu quả; có đủ thông tin trước để đánh giá rủi ro các lô hàng nhập khẩu.
PV: Vậy doanh nghiệp, người làm thủ tục muốn khai báo thì sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Vũ Duy Nguyên: Chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải, người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền (chủ hàng hoặc đại lý hải quan được chủ hàng ủy quyền) thực hiện việc khai báo bản kê này theo các chỉ tiêu thông tin thông qua hệ thống.
Địa chỉ hệ thống khai báo là https://banke.customs.gov.vn/ktdb. Tên và mật khẩu đăng nhập hệ thống là thông tin đăng nhập vào Hệ thống VNACCS.
Giảm thời gian thông quan, chi phí cho doanh nghiệp
Hệ thống khai báo, tiếp nhận, xử lý bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu đã phát huy nhiều ưu điểm vượt trội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện khai báo điện tử, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí và nhân lực cho cả doanh nghiệp cũng như cơ quan hải quan.
Sau khi truy cập, người khai xác định trường hợp cần khai báo của mình để lựa chọn vào mục hàng hóa đã mở tờ khai hay chưa mở tờ khai và xác định nghiệp vụ cần khai báo. Sau đó, người khai tải mẫu khai báo về để điền thông tin, khai báo chi tiết đầy đủ và tải bản khai lên trên hệ thống.
Cuối cùng là đợi phản hồi từ hệ thống rồi tải bản kê về máy tính cá nhân, cung cấp bản kê và số nghiệp vụ khai báo cho lái xe. Khi phương tiện vận tải hàng hóa đến cửa khẩu nhập, lái xe cung cấp số bản kê và số nghiệp vụ cho công chức hải quan tại cửa khẩu để xác nhận vào cửa khẩu.
PV: Xin ông cho biết, việc khai báo bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu trước và nay khi triển khai trên hệ thống có sự thay đổi như thế nào?
PGS.TS Vũ Duy Nguyên: So sánh việc khai báo bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu trước và nay khi triển khai trên hệ thống có sự thay đổi lớn.
Nếu như trước khi triển khai hệ thống, cơ quan hải quan phải kiểm tra thông tin bản kê do doanh nghiệp khai báo và nộp, đóng dấu công chức tiếp nhận; tiếp nhận và xác nhận hàng vào cửa khẩu trên bản khai giấy. Cơ quan hải quan cần một công chức tiếp nhận và một công chức giám sát tại cửa khẩu để xác nhận bản kê đã được vào cửa khẩu, đồng thời phải lưu hồ sơ bản giấy.
Nay, khi khai báo điện tử, hệ thống tự động tiếp nhận, kiểm tra và trả kết quả cho người khai. Hệ thống cũng tiếp nhận số bản kê/mã barcode, tra cứu trên hệ thống và xác nhận trên hệ thống. Về nhân lực, cơ quan hải quan chỉ cần bố trí một công chức giám sát tại cửa khẩu xác nhận bản kê đã được vào cửa khẩu trên hệ thống. Đặc biệt không phải lưu hồ sơ giấy.
Đối với người khai hải quan, nếu như trước, khi khai bản giấy người khai hải quan phải thực hiện khai và nộp tại cửa khẩu. In bản kê, nộp bản kê cho cơ quan hải quan để xác nhận tiếp nhận (trường hợp khai sai, khai chưa đủ sẽ phải khai báo lại từ đầu), xác nhận vào cửa khẩu. Trường hợp khai sai phải in bản kê khai lại nhiều lần và hồ sơ phải lưu bản giấy.
Tuy nhiên, khi khai báo điện tử, người khai hải quan có thể khai và nộp tại bất kì điểm nào có kết nối internet. Hệ thống tự động tiếp nhận và trả kết quả cho người khai hải quan. Người khai chỉ cần sử dụng kết quả và cung cấp số bản kê/mã barcode cho cơ quan hải quan để xác nhận hàng vào cửa khẩu.
PV: Xin cảm ơn ông!