Lợi ích kép từ việc giảm lãi suất của ngân hàng nhà nước
Theo các chuyên gia kinh tế, quyết định giảm lãi suất của ngân hàng nhà nước sẽ hỗ trợ hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận dòng vốn rẻ tốt hơn.
Lợi ích kép từ việc giảm lãi suất của ngân hàng nhà nước
Cụ thể, các lãi suất như tái cấp vốn, lãi suất vay qua đêm giảm 1%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm 0,5%. Tuy nhiên, các lãi suất cơ bản chỉ giảm nhẹ: trần lãi suất huy động giảm 0,25-0,3%/năm, trần lãi vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%.
Nhận xét về động thái giảm lãi suất điều hành của ngân hàng nhà nước (NHNN), TS. LS Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân Bizlight, giảng viên Đại học Ngân hàng TP. HCM cho rằng, quyết định giảm lãi suất của NHNN hiện nay khá tương quan với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác như lạm phát, tỷ giá...
Cũng theo TS. Bùi Quang Tín, lần điều chỉnh lãi suất này của NHNN là phù hợp với động thái điều chỉnh lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới. Song sự tác động này mang tính trung, dài hạn và chỉ tác động tới các khoản vay mới.
Rõ ràng, việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận dòng vốn rẻ tốt hơn. Bởi nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay yếu, do kinh doanh đình trệ, chờ dịch bệnh kiểm soát xong…
Ngoài ra, TS Bùi Quang Tín cũng khuyến cáo khách hàng, hiện lãi suất huy động kỳ hạn dài phổ biến từ 7-8%/năm, do đó nếu trừ đi lạm phát 4%, người dân vẫn có lợi. Kể cả khi lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm còn 4,75%, người dân vẫn có khoản dư nhất định.
Vì vậy, trong bối cảnh chung của các lĩnh vực đầu tư đang bị tác động bởi dịch Covid -19, lãi suất tiết kiệm vẫn đang tạo ra mức lợi tức nhất định cho người dân. Nói cách khác, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả thời điểm này”, TS. Bùi Quang Tín nêu.