Lợi ích khi cho trẻ khuyết tật học song ngữ

Cha mẹ có con khuyết tật phát triển thường lo ngại việc trẻ học song ngữ sẽ dẫn đến rối loạn. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra việc tiếp xúc nhiều ngôn ngữ có tác động tích cực với trẻ.

 Việc thông thạo 2 ngôn ngữ cũng mở ra nhiều cơ hội như triển vọng kiếm được việc làm tốt hơn và giúp phát triển các kỹ năng xã hội. Ảnh: Today.

Việc thông thạo 2 ngôn ngữ cũng mở ra nhiều cơ hội như triển vọng kiếm được việc làm tốt hơn và giúp phát triển các kỹ năng xã hội. Ảnh: Today.

Trẻ em bị khuyết tật phát triển, chẳng hạn hội chứng down, thường gặp khó khăn và chậm phát triển ngôn ngữ. Khi phát hiện con mình mắc những hội chứng đó, phụ huynh thường đặt câu hỏi về những gì con có hoặc không thể làm như “Việc trẻ nói 2 ngôn ngữ có gây bất lợi cho sự phát triển hay không?”.

Nhiều phụ huynh cảm thấy nói một ngôn ngữ sẽ dễ dàng hơn là 2. Một số khác lại cảm thấy việc học song ngữ là điều quá khó đối với trẻ khuyết tật phát triển.

Suy nghĩ này đôi khi cũng xuất hiện ở các giáo viên và bác sĩ lâm sàng - những người có thể đưa ra tư vấn đối với việc tiếp xúc song ngữ.

Thông thường, với mục đích tốt, bác sĩ nhi khoa, nhà trị liệu ngôn ngữ/âm ngữ, giáo viên hoặc nhân viên xã hội có thể khuyên cha mẹ nên tránh sử dụng ngôn ngữ di truyền hoặc ngôn ngữ thiểu số trong nhà, hạn chế việc rối loạn khi trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ phổ thông.

Ngoài ra, một nghiên đăng trên Science direct cũng cho thấy trẻ khuyết tật có ít cơ hội tiếp cận các dịch vụ sử dụng ngôn ngữ khác hơn.

Tuy nhiên, theo Conversation, các nghiên đã chứng minh việc tiếp xúc với một ngôn ngữ mới (kể cả ngôn ngữ thiểu số) không ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ, bao gồm cả trẻ khuyết tật.

Nghiên cứu cũng chỉ ra trẻ khuyết tật phát triển hoàn toàn có thể học song ngữ, thậm chí khả năng song ngữ có tác động tích cực đối với trẻ khuyết tật trong tương tác xã hội và sự hình thành bản sắc riêng của trẻ thay vì gây thêm khó khăn hoặc nhầm lẫn cho trẻ.

Trong một nghiên cứu về ngôn ngữ của trẻ song ngữ Wales-Anh mắc hội chứng down, các nhà nghiên cứu khuyên phụ huynh không nên quá lo lắng khi trẻ khuyết tật tiếp cận song ngữ.

Thông qua một loạt các nhiệm vụ chuyên môn, nhóm nghiên cứu đã đánh giá các kỹ năng nhận thức và ngôn ngữ của nhóm trẻ mắc hội chứng down, nhóm trẻ phát triển bình thường, nhóm trẻ chỉ được học tiếng Anh và nhóm trẻ tiếp xúc với cả tiếng Anh và tiếng Wales.

Kết quả chỉ ra trẻ mắc hội chứng down khi sử dụng song ngữ tiếng Anh-xứ Wales có kỹ năng tiếng Anh trong các lĩnh vực ngôn ngữ quan trọng. Các kỹ năng này tương đương với trẻ mắc hội chứng down chỉ tiếp xúc với tiếng Anh.

Trong khi đó, những đứa trẻ song ngữ cũng phát triển các kỹ năng bằng ngôn ngữ bổ sung. Việc học hoặc thường xuyên sử dụng ngôn ngữ thứ 2 cũng mang lại lợi ích cho não bộ.

Ngoài ra, nghiên cứu chỉ ra trẻ em và người lớn thông thạo 2 ngôn ngữ sẽ có kỹ năng tinh thần tốt, khả năng sáng tạo, thậm chí khả năng chống lại suy giảm nhận thức.

Việc thông thạo 2 ngôn ngữ cũng mở ra nhiều cơ hội như triển vọng kiếm được việc làm tốt hơn và giúp phát triển các kỹ năng xã hội.

Trong những lợi ích trên, trẻ tự kỷ tiếp cận song ngữ có thể nâng cao khả năng tư duy, giúp trẻ chạm vào ngôn ngữ mà trẻ muốn giao tiếp. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy được kết nối với cộng đồng và phát triển cùng các bạn đồng trang lứa.

Do đó, trẻ em mắc khuyết tật phát triển cần được hỗ trợ trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục tương tự như trẻ em phát triển bình thường.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-ich-khi-cho-tre-khuyet-tat-hoc-song-ngu-post1393231.html