Lợi ích khi học sau đại học

Các chuyên gia cho rằng bằng cấp cao có thể là một bước đi thông minh trong tài chính và sự nghiệp, theo US News.

 Bằng cấp cao mang lại lợi ích lớn cho người học. Ảnh: New York Times.

Bằng cấp cao mang lại lợi ích lớn cho người học. Ảnh: New York Times.

Việc học sau đại học đòi hỏi một sự đầu tư đáng kể về cả thời gian lẫn tiền bạc.

Tại Mỹ, một số chương trình sau đại học đào tạo trực tuyến hoặc tại các cơ sở giáo dục đại học công lập có mức chi phí phải chăng hơn, nhưng một số chương trình toàn thời gian có thể kéo dài đến 2 năm với chi phí hơn 100.000 USD. Thậm chí các chương trình đào tạo tiến sĩ hoặc chuyên gia có thể tốn nhiều tiền bạc và thời gian hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định bằng cấp cao mang lại lợi ích lớn cho người học, bao gồm mở ra cánh cửa cho những công việc được trả lương cao hơn, hoặc các công việc ở vị trí quản lý, điều hành. Nó cũng cung cấp các cơ hội có giá trị khác giúp bạn phát triển bản thân.

"Nên theo đuổi bằng tốt nghiệp hay không thực sự là một phần của quyết định về lợi ích giáo dục và trí tuệ. Nhưng, đó là một quyết định tài chính lớn và mọi người thực sự không nên xem nhẹ điều đó. Bạn nên là người tiêu dùng thông minh và cần đặt một số câu hỏi về chương trình bạn đang cân nhắc", bà Suzanne Ortega, Chủ tịch Hội đồng các trường sau đại học, cho biết.

Để cân nhắc xem khoản đầu tư này có đáng giá hay không, các chuyên gia chỉ ra 3 lợi ích của việc học sau đại học mà bạn có thể xem xét trước khi đưa ra quyết định.

Thu nhập cao hơn và thăng tiến nghề nghiệp

Theo các chuyên gia, tại Mỹ, người có bằng cấp cao thường kiếm được nhiều tiền hơn.

Dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy năm 2021, thu nhập trung bình của những người làm việc toàn thời gian (trên 25 tuổi) có bằng cử nhân là 1.334 USD/tuần, người có bằng thạc sĩ là 1.574 USD/tuần, người có bằng tiến sĩ là 1.909 USD/tuần và bằng cấp chuyên gia là 1.924 USD/tuần.

“Trong một số trường hợp, bằng tốt nghiệp còn giúp bạn bắt đầu công việc mới ở vị trí cao, ví dụ như quản lý. Từ đó, bạn có thể yêu cầu mức lương cao, đồng thời bạn có nhiều trách nhiệm hơn và thời gian vươn lên dẫn đầu sẽ ngắn hơn một chút", bà Suzanne Barbour, Trưởng khoa Sau đại học tại Đại học Duke (Bắc Carolina, Mỹ), cho biết.

Ngoài ra, bằng cấp cao và tỷ lệ việc làm có mối tương quan nhất định. Cụ thể, theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, nếu bằng cấp càng cao, tỷ lệ thất nghiệp càng thấp.

Bà Ortega nhận định ngay cả trong thời điểm tỷ lệ thất nghiệp cao, người có bằng cấp sau đại học vẫn giữ được công việc của mình. Vì vậy, không chỉ có tiềm năng về thu nhập, họ còn ít bị ảnh hưởng bởi những tác động của làn sóng thất nghiệp.

Ngoài ra, các nhà tuyển dụng cũng đánh giá cao những người có bằng cấp bởi họ có những đặc điểm cần thiết để được thăng chức, đồng thời họ sở hữu những kỹ năng có thể chuyển đổi qua các môi trường khác nhau.

“Các nhà tuyển dụng nói rằng người có bằng cấp cao có kỹ năng giải quyết vấn đề, họ đã thể hiện sự kiên trì và có kỹ năng giao tiếp cấp cao”, bà Ortega nói.

 Quá trình học sau đại học là cơ hội giúp bạn mở ra các mối quan hệ hữu ích trong sự nghiệp. Ảnh: K12 Insight.

Quá trình học sau đại học là cơ hội giúp bạn mở ra các mối quan hệ hữu ích trong sự nghiệp. Ảnh: K12 Insight.

Tạo dựng mạng lưới công việc chuyên nghiệp

Các chương trình sau đại học thường tập trung vào một chuyên ngành cụ thể, đào tạo cho học viên kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực đó hoặc cho phép họ phát triển các kỹ năng mới ngoài lĩnh vực hiện tại.

Những người cùng tham gia một chương trình thường là những người có cùng chí hướng hoặc chung mục tiêu.

Bà Suzanne Barbour cho biết những mối quan hệ này đôi khi bị bỏ qua ở các lĩnh vực hoặc cấp học khác, nhưng chúng là thành phần quan trọng của giáo dục sau đại học.

"Bạn có nhiều người bạn tốt ở bậc đại học, nhưng đó không phải những kết nối chuyên nghiệp mang lại lợi ích lớn cho sự nghiệp. Ngược lại, những người học sau đại học có xu hướng trở thành những người hoạt động cùng lĩnh vực, bạn có thể kết nối hoặc làm việc chung trong phần còn lại của sự nghiệp", bà Barbour nói.

Ngoài ra, nhiều chương trình sau đại học cũng mang đến cho sinh viên cơ hội hoàn thành các dự án thực tế hoặc tích lũy kinh nghiệm làm việc liên quan đến nghề nghiệp của họ.

Ông Dan Moshavi, Hiệu trưởng trường Kinh doanh, Đại học San Diego (SDSU, Mỹ), gọi đây là các hoạt động trải nghiệm.

Ví dụ, học viên SDSU thường được làm việc trong các dự án thực tế với các công ty. Thông qua những cơ hội này, người học hình thành các mối quan hệ nghề nghiệp cả trong và ngoài lớp học, đồng thời bổ sung thêm kinh nghiệm vào hồ sơ của họ.

Phát triển cá nhân

Ông Dan Moshavi nhận định các kỹ năng mềm dễ dàng hình thành ở môi trường sau đại học, bao gồm kỹ năng tư duy phản biện, giao tiếp giữa các cá nhân, lãnh đạo và hợp tác.

"Người học có thể làm việc theo nhóm mà không cần quan tâm đến việc đồng đội đang làm nghề gì. Hoặc, họ có thể học cách quản lý các vấn đề xảy ra khi làm việc theo nhóm, chẳng hạn như quản lý xung đột, đưa ra quan điểm và nhận phản hồi. Đó đều là những kỹ năng thiết yếu, mang lại lợi ích trong suốt sự nghiệp của họ", ông Moshavi nói.

Bên cạnh đó, theo bà Barbour, giáo dục sau đại học bao gồm nhiều công việc hợp tác, nhưng nó cũng khuyến khích người học suy nghĩ độc lập, đưa ra giải pháp khác với lối suy nghĩ truyền thống.

"Người học được trải nghiệm môi trường chuyên nghiệp, nơi họ học cách không đồng ý với người khác một cách văn minh và tiếp tục cuộc trò chuyện mang tính xây dựng", bà Barbour nhận định.

Ngoài ra, học viên cũng được mài giũa các kỹ năng nghiên cứu và học tập độc lập, giúp nuôi dưỡng trí tò mò. Các yếu tố này đều hấp dẫn với các nhà tuyển dụng.

"Ngoài những yêu cầu về kiến thức, tôi nghĩ điều quan trọng nhất bạn nhận được sau khi tốt nghiệp là trở thành người học suốt đời. Bạn học một cách độc lập, hiểu được giá trị của việc luôn cập nhật, được kết nối và phát triển trong lĩnh vực của bạn", bà Barbour nói.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-ich-khi-hoc-sau-dai-hoc-post1393389.html