Lợi ích khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi bổ sung và tăng cường

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 có khả năng chống lại nguy cơ mắc bệnh, diễn biến nặng và tử vong do COVID-19 ở hầu hết các đối tượng. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ của vắc xin có thể giảm theo thời gian, đặc biệt ở người lớn tuổi và những người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch hoặc trước biến thể mới Omicron. Do đó, việc tiêm vắc xin liều bổ sung và tăng cường là cần thiết để có được sự bảo vệ lâu dài cho mỗi người.

Tiêm phòng cho người dân thành phố Ninh Bình.

Tiêm phòng cho người dân thành phố Ninh Bình.

Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, từ cuối tháng 2/2022, thành phố Ninh Bình đã tổ chức tiêm vắc xin mũi 3, rà soát các trường hợp chưa tiêm đủ các mũi cơ bản như mũi 1, mũi 2 cho người dân tại 14 phường, xã trên địa bàn.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ giữa tháng 3/2022, thành phố tiếp tục tổ chức tiêm phòng vắc xin mũi tăng cường và bổ sung cho các đối tượng là người dân trên 50 tuổi (đã được tiêm 2 mũi vắc xin SputnikV và 1 mũi Pfizer bổ sung trước đó), nhằm tăng hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19.

Theo bác sĩ Đặng Hữu Lục, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Ninh Bình: Để việc triển khai tiêm phòng vắc xin COVID-19 tránh bỏ sót đối tượng không được tiêm hoặc tiêm không đủ liều, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các phường, xã tăng cường tuyên truyền trên Đài truyền thanh; tiến hành rà soát, lập danh sách các đối tượng tiêm mũi tăng cường theo quy định; thành lập Tổ tiêm chủng lưu động đến tận nhà tiêm cho những người già yếu, bệnh tật, hoàn cảnh đặc biệt... không đến được các điểm tiêm chủng tập trung.

Kết quả, đã có gần chục nghìn đối tượng được tiêm phòng mũi tăng cường đúng quy trình chuyên môn và đảm bảo an toàn, hiệu quả theo quy định của Bộ Y tế.

Bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Để việc triển khai các chiến dịch tiêm phòng vắc xin đạt được tiến độ đề ra và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, Ngành Y tế đã phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát và tiêm vét cho người dân chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19. Những đối tượng già yếu, khó khăn trong việc di chuyển sẽ triển khai tiêm tại nhà.

Đặc biệt lưu ý rà soát đối tượng là công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Tiếp tục triển khai tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Riêng các đối tượng thuộc diện F0, F1 đang cách ly và người mắc các bệnh cấp tính đang điều trị tại cơ sở y tế đã tiêm đủ 2 liều vắc xin, sẽ được tiêm ngay sau khi khỏi bệnh...

Tính đến ngày 20/3, tổng số liều vắc xin tỉnh Ninh Bình đã nhận do Bộ Y tế phân bổ là 1.899.540 liều. Số lượng vắc xin đã tiêm là 2.171.765 liều, cao hơn số vắc xin phân bổ, gồm số liều tiêm tại các điểm tiêm của ngành Y tế, ngành Công an, Bệnh viện Quân Y 5, Bộ CHQS tỉnh và Bệnh viện Phổi Trung ương triển khai tiêm tại Ninh Bình.

Kết quả, tính đến ngày 20/03, tỷ lệ tiêm chủng của Ninh Bình đạt khá cao. Cụ thể là: Tiêm cho đối tượng trên 18 tuổi đang có mặt tại Ninh Bình: Tiêm tối thiểu 1 mũi cho 663.448 người, đạt 99,66% tổng dân số trên 18 tuổi đang có mặt tại Ninh Bình; tiêm 2 mũi cho 655.858 người, đạt 98,5%; tiêm mũi 3 cho 643.669 người, đạt 96,69% tổng dân số trên 18 tuổi đang có mặt tại Ninh Bình.

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành Y tế đã đề xuất và triển khai tiêm vắc xin mũi tăng cường cho đối tượng đã tiêm mũi bổ sung từ ngày 04/01/2022 đến 21/01/2022, gồm đối tượng suy giảm miễn dịch (bệnh nhân ung thư, suy thận, HIV, ghép tạng) và đối tượng trên 50 tuổi đã tiêm 2 mũi Sputnik V và 1 mũi Pfizer bổ sung trước đó cần được tiêm liều tăng cường.

Kết quả, đến ngày 20/3, toàn tỉnh đã tiêm mũi nhắc lại cho đối tượng đã tiêm mũi bổ sung cho 47.932 người. Đối với nhóm đối tượng trong độ tuổi từ 12-dưới 18 tuổi, đã tiêm 159.243 liều; trong đó, tỷ lệ bao phủ mũi 1 đạt 98,88% tổng dân số từ 12-dưới 18 tuổi; tỷ lệ bao phủ mũi 2 đạt 95,1%.

Cũng theo bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, mục tiêu chính hiện nay của tiêm chủng trong đại dịch COVID-19 vẫn là để bảo vệ người dân khỏi nhập viện, bệnh nặng và tử vong. Việc tiêm liều bổ sung và liều tăng cường cho các đối tượng trong phòng, chống dịch có vai trò quan trọng, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ, bao gồm: Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...; người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của hãng Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V.

Đối với liều tăng cường, áp dụng cho những người được tiêm chủng đầy đủ đã đạt được phản ứng bảo vệ thích hợp với vắc xin chủng ngừa, nhưng theo thời gian, bắt đầu suy yếu. Thông thường, đối tượng sẽ được tiêm vắc xin tăng cường sau khi khả năng miễn dịch từ các liều ban đầu bắt đầu suy yếu một cách tự nhiên. Liều vắc xin tăng cường được thiết kế để giúp cơ thể duy trì mức độ miễn dịch lâu hơn. Mức độ suy giảm khả năng miễn dịch và nhu cầu sử dụng liều vắc xin tăng cường có thể khác nhau giữa các sản phẩm vắc xin. Đối với một số vắc xin, các chỉ định tăng cường đã được đưa vào nhãn thông tin sản phẩm ở một số khu vực.

Tính đến giữa tháng 3/2022, Ninh Bình đã hoàn thành cơ bản tiến độ tiêm chủng theo quy định và chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, cụ thể là: Mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong quý I năm 2022; mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, hoàn thành trong tháng 2 năm 2022. Đồng thời, ngành Y tế Ninh Bình cũng chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi ngay sau khi được cung ứng vắc xin.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/loi-ich-khi-tiem-vac-xin-phong-covid-19-mui-bo-sung-va-tang/d2022032012183633.htm