Lợi ích liên minh
Tin tức từ truyền thông nói rằng, Mỹ và đồng minh ồ ạt rút quân khỏi Iraq, đã bị 'nước chủ nhà' bác bỏ. Các nước NATO vẫn cam kết tiếp tục sát cánh cùng Mỹ chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq. Vì lợi ích của liên minh, cả Mỹ và NATO đều có những điều chỉnh chiến lược quân sự, tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố dai dẳng tại Trung Ðông.
Là đồng minh quan trọng của Washington trong cuộc chiến chống IS, chính quyền Baghdad đang đứng trước sức ép trong nước đòi rút các lực lượng nước ngoài đang đóng tại Iraq. Với người dân Iraq, đây được coi là biện pháp nhằm đưa đất nước trở lại ổn định sau khi liên tiếp xảy ra các vụ không kích nhằm vào căn cứ quân sự ở Iraq, nơi có các binh sĩ Mỹ đồn trú. Sau các vụ tiến công "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và Iran ngay trong lãnh thổ Iraq, làn sóng biểu tình đã bùng phát mạnh mẽ đòi binh sĩ Mỹ rút khỏi nước này. Quốc hội Iraq cũng đã thông qua nghị quyết về việc rút binh sĩ nước ngoài khỏi quốc gia Trung Ðông.
Bất chấp sức ép từ người dân Iraq, Mỹ tiếp tục tuyên bố cùng chính quyền Baghdad phối hợp trong cuộc chiến chống khủng bố. Hiện có hơn 5.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Iraq để hỗ trợ các lực lượng của quốc gia Trung Ðông chống IS. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Mỹ được dự báo gặp khó khăn trong việc tăng cường vai trò dẫn đầu các chiến dịch chống khủng bố ở Iraq. Trước thực tế này, Tổng thống Mỹ D.Trump kêu gọi sự hỗ trợ từ các đồng minh trong NATO nhằm tiếp tục duy trì cuộc chiến chống khủng bố, chủ yếu diễn ra ở Iraq sau khi Washington giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Syria.
Sau khi tạm thời cắt giảm các hoạt động huấn luyện ở Iraq do lo ngại tình hình an ninh gần đây, các nước NATO đang sẵn sàng khôi phục các sứ mệnh "phi chiến đấu" tại quốc gia Trung Ðông. Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg tuyên bố, các Bộ trưởng Quốc phòng NATO đã nhất trí mở rộng sứ mệnh huấn luyện của liên minh tại Iraq, nhằm đáp lại đề nghị của Tổng thống Mỹ D.Trump muốn NATO tham gia nhiều hơn vào cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Ðông. Theo đó, NATO sẽ tiếp quản một số hoạt động huấn luyện và cố vấn quân sự mà liên quân do Mỹ đứng đầu chống IS từng đảm nhiệm. Theo các nguồn tin ngoại giao, từ giữa năm 2020, thay vì dưới sự dẫn dắt của Mỹ, các binh sĩ NATO có thể hoạt động dưới lá cờ của khối đồng minh quân sự xuyên Ðại Tây Dương.
Những điều chỉnh của Mỹ và các đồng minh NATO được cho là nhằm bảo đảm sự hiện diện quân sự của phương Tây tại Trung Ðông, khu vực có vị trí địa-chính trị chiến lược. Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây cho rằng, IS vẫn duy trì khả năng hoạt động ở Syria bất chấp việc thủ lĩnh nhóm này A.Baghdad-đi đã bị tiêu diệt. NATO lo ngại sức ép đòi Mỹ rút quân khỏi Iraq có thể dẫn tới sự trỗi dậy của các phần tử thánh chiến trong khu vực. IS được cho là vẫn cầm cự, duy trì cấu trúc của tổ chức khủng bố với một thủ lĩnh chỉ huy các mạng lưới bí mật trong khu vực.
Trong khi đó, Mỹ đã đảo ngược quyết định rút quân ra khỏi khu vực đông-bắc Syria bằng việc thông báo triển khai khoảng 500 binh sĩ tới các mỏ dầu do lực lượng người Cuốc kiểm soát ở Syria. Sự thay đổi kế hoạch triển khai binh sĩ tại Syria được giới quan sát khu vực nhận định là Mỹ "mượn cớ" nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự tại các khu vực giàu dầu mỏ của Syria, sâu xa hơn là kiểm soát nguồn "vàng đen" ở quốc gia Trung Ðông. Mới đây, Mỹ đã điều động hàng chục xe tải cỡ lớn chở các thiết bị quân sự và hậu cần tới các khu vực dầu mỏ ở tỉnh Ðê-ia An Do ở miền đông và tỉnh Ha-xa-ca ở khu vực đông-bắc Syria.
Trung Ðông tiếp tục là ưu tiên trong chính sách của Washington và khu vực này vẫn là điểm quan trọng trên "bản đồ an ninh" của Mỹ. Gặp khó khăn trong việc tái bố trí lực lượng tại Iraq, song Mỹ nhận được "bù đắp" từ các đồng minh trong NATO, nhằm duy trì chiến lược quân sự, bảo vệ lợi ích của liên minh tại Trung Ðông.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/43272802-loi-ich-lien-minh.html