Lợi ích nhiều mặt của việc nuôi trăn lấy thịt
Sau 12 tháng nghiên cứu tại một số trang trại nuôi trăn ở Thái Lan và Việt Nam, nhóm các nhà nghiên cứu nhận định rằng loài bò sát này có thể là giải pháp cho tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng trên toàn cầu, vốn trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Tờ Washington Post (Mỹ) đưa tin nghiên cứu đã được công bố hôm 14/3 trên tạp chí Scientific Reports. Nhóm nghiên cứu sau khi tìm hiểu về các loài trăn đã nhận ra rằng trăn Miến Điện và trăn gấm đều tăng trưởng nhanh chóng trong năm đầu đời và chúng cần ít thức ăn để tạo thịt hơn cá, gia súc hay gia cầm.
Trăn trong trang trại thường được nuôi bằng hỗn hợp thức ăn có nguồn gốc địa phương, bao gồm các loài gặm nhấm, phụ phẩm từ thịt lợn và thức ăn cho cá. Chúng tăng tới 45 gram mỗi ngày, trong đó con cái phát triển nhanh hơn so với con đực.
Người nuôi cũng không cần phải dùng biện pháp ép ăn đối với trăn. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng loài bò sát này có thể nhịn ăn trong thời gian dài mà không mất nhiều trọng lượng cơ thể. Điều đó đồng nghĩa với việc người nuôi sẽ tiết kiệm được sức lao động hơn khi nuôi trăn, so với các loài gia súc gia cầm.
Nhà bò sát học Daniel Natusch, người tham gia chương trình nghiên cứu, cho biết: “Trăn cần rất ít nước. Chúng có thể sống nhờ sương đọng trên vảy. Vào buổi sáng, chúng chỉ cần hấp thụ nước trên vảy là đủ. Về mặt lý thuyết, bạn có thể ngừng cho nó ăn trong một năm”.
Một ưu điểm khác của trăn so với các loài động vật được nuôi để lấy thịt khác là khả năng sinh sản. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2021 cho thấy một con bò cái có thể sinh ra trung bình 0,8 con bê mỗi năm. Một con lợn nuôi để lấy thịt có thể sinh 22 đến 27 con trong cùng khoảng thời gian. Tuy nhiên, một con trăn cái có thể đẻ từ 50 đến 100 quả trứng trong một năm.
Ông Natusch đánh giá rằng, trong bối cảnh các nhà khoa học dự đoán biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến những cú sốc về thời tiết và môi trường, loài vật nuôi lấy thịt có khả năng chịu nhiệt, chống chọi với tình trạng thiếu lương thực gần như một giấc mơ trở thành hiện thực.
Tại một số quốc gia châu Á, rắn từ lâu đã được sử dụng trong thuốc đông y và chế biến món ăn như súp rắn nổi tiếng của Hong Kong (Trung Quốc). Trong những năm gần đây, các trang trại rắn mọc lên khắp Đông Nam Á và Trung Quốc, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thịt và da rắn. Trong quá trình nghiên cứu, ông Natusch đã ăn thịt rắn nướng, xiên que, cà ri và thịt khô. Ông cho rằng hương vị của món rắn khá giống thịt gà. Ông còn phân tích rằng vì rắn là loài bò sát việc giết thịt chúng sẽ không phát sinh nhiều phần bị bỏ phí.
Mặc dù vậy, Natusch thừa nhận rằng loài bò sát này khó có thể sớm trở thành món quan trọng trong chế độ ăn của người dân các nước phương Tây.
Ông Natusch coi trăn, rắn là giải pháp khí hậu tiềm năng cho nông dân ở những nơi như châu Phi vốn đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng tăng. Ông nói rằng người nông dân chỉ cần bắt loài gặm nhấm gây hại mùa màng của họ và thỉnh thoảng cho trăn ăn ngô, thì họ sẽ thu được nguồn protein chất lượng cao.