Lợi ích to lớn trong chiến thuật ngoại giao với Triều Tiên của Tổng thống Trump
Giới phân tích đánh giá cuộc gặp 50 phút của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không có ý nghĩ thiết thực. Tuy nhiên, có một điều ai cũng công nhận: Ông Trump đã đẩy lùi nguy cơ chiến tranh với Triều Tiên ra rất xa bằng những cuộc gặp như thế.
Đẩy lùi nguy cơ chiến tranh
Theo tờ Vox, ngay trước khi trở thành tổng thống, ông Trump đã nhận được thông điệp cảnh báo u ám của người tiền nhiệm Barack Obama: Triều Tiên sẽ là thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất của chính quyền mới. Kho tên lửa và hạt nhân ngày càng gia tăng của Triều Tiên đã khiến chính quyền Mỹ của đảng Dân chủ lo lắng và kho vũ khí này có thể tăng nữa trong thời kỳ cầm quyền của đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, sau hai năm rưỡi mà ông Trump làm tổng thống, Triều Tiên không còn là một vấn đề lớn như cách đây vài năm. Tất cả là nhờ mối quan hệ mạnh mẽ đáng ngạc nhiên giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un.
Hai hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và Việt Nam cùng một cuộc gặp 50 phút tại Khu vực phi quân sự (DMZ) nằm giữa hai miền Triều Tiên ngày 30/6 vừa qua cho thấy mối quan hệ của họ có thể đủ mạnh để ngăn hai nước xung đột.
Các chuyên gia nhận định dù Triều Tiên vẫn có tên lửa và bom hạt nhân, nhưng khả năng nước này dùng số vũ khí đó để chống Mỹ và đồng minh đã giảm đáng kể.
Xem video hai nhà lãnh đạo tại Khu phi quân sự (nguồn: Guardian):
Dù Tổng thống Trump có thể chưa đạt được mục tiêu mà ông đã tuyên bố là phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nhưng sự thân thiện của ông với Chủ tịch Kim Jong-un đã làm dịu căng thẳng tới mức Triều Tiên không còn là mối lo ngại lớn của Washington, ít nhất là cho tới thời điểm này.
Hơn nữa, Chính quyền Mỹ được cho là đang cân nhắc một kế hoạch chấp nhận đóng băng tạm thời chương trình hạt nhân của Triều Tiên trước khi thúc đẩy nước này dỡ bỏ. Tuy nhiên, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã bác bỏ thông tin này.
Hiện chưa rõ liệu mối quan hệ thân tình với Chủ tịch Kim Jong-un có phải là tính toán của Tổng thống Trump để làm giảm căng thẳng hay không, nhất là trong bối cảnh ông Trump năm 2017 từng cam kết trút “lửa cháy và giận dữ” và hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên. Nhưng ngay cả khi Tổng thống Trump không tính toán điều đó, thì việc cải thiện quan hệ Mỹ-Triều Tiên cũng là một giải pháp thông minh cho một vấn đề ám ảnh ba đời tổng thống Mỹ trước đó.
Ông Mintaro Oba, cựu quan chức Bộ Ngoại giao thời Tổng thống Barack Obama, nhận định: “Giữ căng thẳng với Triều Tiên ở mức thấp và có thể dự báo sẽ cho phép chúng ta hành động có chiến lược hơn trong khu vực”.
Trong thực tế, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un cần có nhiều cuộc gặp hơn, cho dù không mang lại một kết quả gì hữu hình về vấn đề hạt nhân.
Quan hệ cá nhân
Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên dùng chương trình hạt nhân làm công cụ răn đe và ngăn chặn Mỹ tấn công. Do đó, nước này không có lợi gì khi từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhiều người cho rằng giờ mới yêu cầu Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí đã xây dựng hàng chục năm qua là quá muộn.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un vẫn đồng ý tại Singapore năm 2018 rằng sẽ phối hợp để cải thiện quan hệ trước tiên, sau đó mới bàn nghiêm túc chuyện phi hạt nhân hóa. Điều đó một phần giải thích tại sao ông Trump đã nỗ lực rất nhiều trong thiết lập mối quan hệ với Chủ tịch Triều Tiên.
Hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và Việt Nam cũng như cuộc gặp ngắn tại biên giới vừa rồi là những cơ hội để hai lãnh đạo đạt tiến triển về biện pháp dỡ bỏ chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Dù chưa cuộc gặp nào đạt được tiến triển đáng kể về phi hạt nhân hóa và kho vũ khí Triều Tiên vẫn nguy hiểm như xưa, nhưng các cuộc gặp này khiến cả hai lãnh đạo theo đuổi con đường ngoại giao thay vì chiến tranh.
Theo tờ Vox, chỉ riêng việc này có thể đã được coi là chiến thắng. Chừng nào họ còn tiếp tục tương tác hoặc ít nhất là muốn tương tác, dù là gặp mặt hay gửi thư, vấn đề Triều Tiên sẽ không còn quá đáng lo. Thân thiện với Triều Tiên sẽ làm cho nước này không muốn tấn công Mỹ, cho phép chính quyền Tổng thống Trump và các tổng thống tương lai tập trung vào các vấn đề cấp thiết hơn.
Ông Oba nói: “Tôi cho rằng chúng ta thường để Triều Tiên chiếm lĩnh chính sách châu Á và quên đi ưu tiên chiến lược quan trọng nhất: đối phó với Trung Quốc. Triều Tiên mềm mỏng hơn sẽ giúp Nhà Trắng điều phối nguồn lực và sự quan tâm vào những thứ khác quan trọng với an ninh, quyền lực Mỹ”.
Rủi ro
Ông Joseph Yun, Đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách với Triều Tiên cả thời Tổng thống Obama và Trump, nhận định rằng cải thiện quan hệ Mỹ-Triều Tiên chắc chắn có giá trị, đặc biệt là sau khi hai bên đối đầu nhau hàng chục năm qua. Tuy nhiên, vấn đề là chỉ để lại cho đời tổng thống kế tiếp một tiến trình là không đủ. Ông Yun nói: “Nếu chính quyền Tổng thống Trump kết thúc ngay lúc này, chúng ta sẽ không khá hơn vì bất kỳ ai làm tổng thống tiếp theo có thể làm điều gì đó khác đi. Đó là lý do chúng ta phải đạt được một sự bình thường hóa quan hệ thực sự và một vài tiến triển về phi hạt nhân hóa”.
Nói cách khác, Mỹ và Triều Tiên hiện giờ thân thiện, nhưng không đảm bảo điều đó sẽ được giữ nguyên dưới thời tổng thống khác. Do đó, Triều Tiên có thể lại có thái độ thù địch với Tổng thống Trump vào thời điểm cuối năm – hạn chót mà Chủ tịch Kim Jong-un đưa ra để Mỹ dỡ bỏ trừng phạt.
Hơn nữa, nhiều chuyên gia cho rằng việc Mỹ từ chối gây sức ép về phi hạt nhân hóa và thân thiện với Triều Tiên có thể có nghĩa là chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Do đó, chừng nào Triều Tiên còn những vũ khí đó thì vấn đề vẫn tồn tại.
Bà Duyeon Kim, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nói: “Mối quan hệ lúc nào cũng có thể xấu đi và đồng minh ở Seoul, Tokyo hay Washington không thể chắc chắn Triều Tiên không bao giờ tấn công họ…. Mối quan hệ giữa hai lãnh đạo dường như tốt đẹp không có nghĩa là mối quan hệ giữa hai nước cũng lành mạnh”.
Chừng nào Triều Tiên còn vũ khí hạt nhân thì vẫn còn khiến Mỹ và đồng minh bất an. Nhưng công bằng mà nói, nếu mối quan hệ giữa hai lãnh đạo giúp giảm nguy cơ chiến tranh và khiến hai nước trở lại con đường tiến tới hòa bình thì vẫn tốt hơn là điều ngược lại.
Đặc phái Yun cũng đồng ý với điều đó. Ông nói: “Bước đi tạm thời này ổn, ít nhất là ở thời điểm hiện tại”.