Lợi ích từ cho vay qua tổ vay vốn ở Ðơn Dương

Hoạt động trên địa bàn huyện nông thôn mới (NTM) Ðơn Dương, có giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm trên 54% tổng giá trị sản xuất của toàn huyện; từ đầu năm 2018, Agribank chi nhánh Ðơn Dương đã thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT) qua hình thức ký thỏa thuận liên ngành. Công tác này được phối hợp cùng Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ để cho vay thông qua tổ vay vốn, tổ liên kết đối với hộ gia đình và cá nhân.

Lãnh đạo Agribank Đơn Dương tổng kết lợi ích từ hoạt động cho vay qua tổ vay vốn. Ảnh: L.Hoa

Đến 31/5/2019, hoạt động của Agribank chi nhánh Đơn Dương (Agribank Đơn Dương) đã đạt tổng nguồn vốn huy động 1.209 tỷ đồng, tăng 42 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 2.768 tỷ đồng, tăng 65 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay NNNT đạt 2.764 tỷ đồng, chiếm 99,86% trên tổng dư nợ của toàn chi nhánh với 7.398 khách hàng; dư nợ cho vay xây dựng NTM đạt 2.023 tỷ đồng, chiếm 73,1% trên tổng dư nợ với 6.362 khách hàng. Bên cạnh đó, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đối với 5 lĩnh vực ưu tiên đạt 386 tỷ đồng, chiếm 13,95% trên tổng dư nợ với 2.258 khách hàng; cho vay hỗ trợ tiêu dùng đối với khách hàng trên địa bàn nông thôn nhằm hạn chế tình trạng tín dụng đen đạt 12,2 tỷ đồng với 525 khách hàng. Hiện tại, tổng nợ xấu của toàn chi nhánh đến 31/5/2019 chiếm 0,4% trên tổng dư nợ.

Công tác cho vay qua tổ vay vốn góp phần giảm áp lực công việc đối với cán bộ, tiết giảm chi phí, đồng thời, tạo thêm kênh cung cấp sản phẩm dịch vụ tới khách hàng được Agribank Đơn Dương thực hiện cho vay qua tổ vay vốn gắn với điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng tại một số cụm xã trên địa bàn huyện. Việc thành lập tổ vay vốn dựa trên nguyên tắc tự nguyện, đoàn kết, tương trợ, cùng có lợi, với mức cho vay tùy thuộc vào nhu cầu của từng khách hàng và theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và Agribank, trước mắt tập trung cho vay các món từ 200 triệu đồng trở xuống.

Đến 31/5/2019, tổng dư nợ cho vay qua tổ vay vốn tại Agribank Đơn Dương là 287.806 triệu đồng (chiếm 10,40% trên tổng dư nợ) với 51 tổ vay vốn và 1.607 thành viên; tổng doanh số cho vay thông qua các tổ là 459.886 triệu đồng, doanh số thu nợ là 172.080 triệu đồng. Trong đó, 26 tổ do Hội Nông dân quản lý với dư nợ 157.946 triệu đồng và 815 thành viên; 25 tổ do Hội Phụ nữ quản lý với dư nợ 129.860 triệu đồng và 792 thành viên. Tổng số khách hàng vay từ 200 triệu đồng trở xuống là 1.267 khách hàng, chiếm 78,62% tổng số khách hàng tham gia tổ vay vốn và xã có dư nợ cho vay thông qua tổ lớn nhất là Tu Tra với dư nợ 104.654 triệu đồng với 16 tổ và 538 tổ viên.

Từ tháng 11/2018 trở về trước, việc giải ngân, thu nợ của các tổ vay vốn vẫn thực hiện tại trụ sở và các phòng giao dịch của chi nhánh, nhưng khi triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng tại 3 xã Tu Tra, Ka Đơn, Próh, việc giải ngân, thu nợ của các tổ vay vốn đã chuyển dần vào thực hiện tại các phiên giao dịch của điểm giao dịch lưu động và người dân đã quen dần với việc giao dịch tại điểm giao dịch lưu động. Đến 31/5/2019, tại chi nhánh không phát sinh nợ xấu cho vay thông qua tổ, chỉ còn 8 khách hàng có dư nợ nhóm 2 với mức dư nợ là 1.820 triệu đồng (chiếm 0,63% trên tổng dư nợ cho vay thông qua tổ vay vốn).

Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ của các tổ vay vốn, cán bộ tín dụng đã kết hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và của Agribank; với các chương trình cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cho vay phát triển đàn bò sữa, cho vay kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, cho vay tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen tại địa bàn nông thôn... Đặc biệt, là tiện ích của điểm giao dịch lưu động, đến nay, tổng số tổ viên các tổ vay vốn sử dụng dịch vụ tại điểm lưu động chiếm hơn 56% tổng số bút toán của điểm giao dịch lưu động.

Đánh giá tình hình triển khai cho vay qua tổ trên địa bàn, ông Nguyễn Quang Tùng - Giám đốc Agribank Đơn Dương cho biết: Việc gắn kết các tổ vay vốn với hoạt động của điểm giao dịch lưu động tại trung tâm xã bước đầu mang lại hiệu quả, tổ viên đã quen dần với việc thực hiện các giao dịch ngân hàng tại điểm giao dịch lưu động. Tổ trưởng các tổ vay vốn đã thực hiện nghiêm túc những việc tổ trưởng không được làm: không vay hộ, vay ké, thu nợ gốc lãi từ tổ viên; không quyên góp lập quỹ, nhận tiền bồi dưỡng hoặc thu phí dưới bất kỳ hình thức nào từ tổ viên; không xâm tiêu, không có tình trạng lạm dụng quyền hạn gây khó khăn cho tổ viên khi vay vốn…

Tuy nhiên, hoạt động cho vay thông qua tổ vay vốn còn vướng mắc ở chỗ, tổng số khách hàng vay từ 200 triệu đồng trở xuống thông qua tổ vay vốn chỉ chiếm 27,95% tổng số khách hàng có mức vay từ 200 triệu đồng trở xuống tại Agribank Đơn Dương; đặc biệt, phần lớn khách hàng tại các xã trên địa bàn đã tham gia các tổ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, do vậy, nếu có thể thay đổi nguyên tắc khách hàng chỉ có quan hệ tín dụng tại 1 tổ chức tín dụng trong việc cho vay tín chấp theo quy định thì sẽ tạo thuận lợi hơn cho khách hàng trong quá trình vay vốn.

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201907/loi-ich-tu-cho-vay-qua-to-vay-von-o-on-duong-2954968/