Lợi ích từ chuyển đổi số với nông nghiệp Bình Định
Ngoài việc giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết văn bản trong quản trị công ở cơ quan Nhà nước, chuyển đổi số còn giúp nông dân địa phương giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập trong nông nghiệp.
Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định có từ 150-200 văn bản đến và đi trong một ngày, các văn bản đó sẽ được chuyển tiếp trên hệ thống tới chính xác từng phòng, ban để bộ phận có trách nhiệm xử lý theo đúng thời hạn yêu cầu. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT địa phương khẳng định, nhờ chuyển đổi số, quá trình xử lý văn bản hiện rất nhanh. Cùng với đó, ngành nông cũng có nhiều thay đổi tích cực khi ứng dụng chuyển đổi số.
Văn bản được xử lý nhanh trong "tích tắc"
- Thưa ông, ngành nông nghiệp Bình Định đang tập trung cho chuyển đổi số ở những lĩnh vực chuyên môn nào?
Nhiều lĩnh vực do Sở phụ trách đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số.
Đối với công tác quản lý, chúng tôi có ứng dụng theo dõi diễn biến rừng; ứng dựng phát hiện sớm các điểm cháy rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi, ứng dụng phần mềm thông tin sâu bệnh trên rau; sử dụng ứng dụng “Thuốc bảo vệ thực vật” trên smartphone để điều tra, chăm sóc sâu bệnh hại trên cây trồng. Mới đây, Sở NN&PTNT cũng phối hợp với Sở TT&TT, Viễn thông Bình Định cập nhật, hoàn thiện phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh Bình Định…
Hiện, ngành nông nghiệp cũng cập nhật, quản lý hồ sơ cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện trực tuyến trên cơ sở dữ liệu của Cục Trồng trọt. Đến nay, tỉnh đã cấp 7 mã số vùng trồng với diện tích 53,8 ha (cây lạc 1 mã, rau 4 mã, dưa lê 1 mã, bưởi 1 mã).
Có thể nói rằng, chuyển đổi số mang ý nghĩa quan trọng với tất cả các ngành. Theo định hướng, Bình Định thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên.
Do đó, Sở NN&PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành nông nghiệp để xây dựng kế hoạch, phương án, giải pháp triển khai thực hiện. Chúng tôi hướng đến xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, khai thác hiệu quả các nền tảng số quốc gia, tăng cường ứng dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử, chữ ký số, 100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến…
Ví dụ cụ thể nhất là trong công tác xử lý văn bản, nhiều văn bản có thể được xử lý trong “tích tắc”. UBND tỉnh ký ban hành văn bản và đẩy lên hệ thống. Khi tiếp nhận được văn bản thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tôi phân công cho anh em phụ trách chuyên môn thực hiện. Tùy tính chất, nội dung nhưng nhiều văn bản chỉ cần 1 ngày là có thể đã được giải quyết xong. Văn bản được người chịu trách nhiệm luân chuyển và xử lý nhanh chóng trên môi trường số.
- Ngoài công tác quản lý nhà nước, thực hiện chuyển đổi số mang lại lợi ích gì cho người doanh nghiệp, người nông dân?
Lợi ích là rất rõ. Đơn cử, việc hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử giúp nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, … có thêm kênh bán hàng mới, giúp quảng bá sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng hơn, tăng lượng hàng hóa bán ra, đồng thời, giảm chi phí trung gian.
Ngoài ra, quản lý mã số vùng trồng phục vụ truy xuất nguồn gốc giúp ngành nông nghiệp theo dõi, giám sát được quá trình sản xuất để tạo ra nông sản. Như vậy, người sản xuất làm ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn để cung cấp cho thị trường, giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi sử dụng sản phẩm.
Cùng với đó, nhiều bà con áp dụng công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, canh tác từ khâu làm đất đến bón phân, bơm tưới và thu hoạch đều sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh; hệ thống tưới tiêu, giám sát được điều khiển qua smartphone. Những ứng dụng này giúp giảm một nửa chi phí sản xuất và công sức lao động, giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng năng suất 30%. Từ đó, thu nhập của người nông dân được nâng lên.
Thời gian tới, chuyển đổi số nông nghiệp sẽ còn có nhiều thay đổi. Ví dụ, Big Data (dữ liệu lớn), công nghệ sinh học giúp phân tích dữ liệu về môi trường, đất đai, ánh sáng và chất lượng các loại cây trồng. Dựa trên kết quả phân tích, người nông dân sẽ có quyết định đúng đắn hơn về lượng phân bón sử dụng, thời gian canh tác, phun thuốc bảo vệ thực vật…
Nỗ lực xây dựng hệ thống dữ liệu nông nghiệp đồng bộ
- Nói là vậy nhưng quá trình thực hiện chuyển đổi tại địa phương còn gặp phải những khó khăn gì?
Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp còn khá mới nên nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là người nông dân còn hạn chế. Họ chưa thấy được vai trò, tầm quan trọng và sức ép của ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Điều này gây khó cho quá trình tiếp cận, ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp.
Mặt khác, cơ sở hạ tầng còn bất cập, quy mô sản xuất còn nhỏ, phân tán, trình độ cơ giới hóa còn thấp và chưa sử dụng nhiều công nghệ hỗ trợ.
Cần hiểu rằng, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng, hệ thống dữ liệu số hóa đồng bộ, hiện đại (cây trồng, vật nuôi, các văn bản chính sách đã được số hóa). Tuy nhiên, hạ tầng kết nối hiện nay chưa đồng bộ, chi phí 3G, 4G còn cao, chưa tạo cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa được kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại điện tử.
Đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị tự động, thiết bị phân tích… còn hạn chế.
- Giải pháp nào cần được thực hiện để gỡ vướng cho những khó khăn trên?
Trước hết, cần làm cho người nông dân hiểu. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, nông dân và hợp tác xã về tầm quan trọng của ứng dụng kỹ thuật số vào sản xuất nông nghiệp. Để làm được điều này, cần đẩy mạnh việc thông tin, tổ chức các hội thảo, mô hình khuyến nông về vai trò, lợi ích của ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Đối với nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ TT&TT phát triển hạ tầng, kết nối Internet băng rộng chất lượng cao (hạ tầng mạng di động 4G, 5G, hạ tầng kết nối IoT) đến các thôn, bản nhằm nâng cao chất lượng, khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân. Khi khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông tại vùng sâu, vùng xa được cải thiện, nông dân sử dụng thiết bị máy tính miễn phí (cung cấp Internet không dây) tại các trung tâm xã, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, điểm du lịch nông thôn. Từ đó, địa phương có thể tiến tới phổ cập hạ tầng kỹ thuật số với mục tiêu mỗi hộ gia đình đều có điện thoại thông minh, cáp quang để truyền thông tin kỹ thuật số, phục vụ hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, chúng tôi đang đẩy mạnh xây dựng hệ thống dữ liệu nông nghiệp, bao gồm: dữ liệu về đất đai, cây trồng, vật nuôi, vùng canh tác, người sản xuất, lượng nông sản... Đồng thời, Sở khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp số hóa quy trình sản xuất, hướng tới tích hợp, minh bạch hóa sản phẩm bằng hệ thống đọc mã QR.
Quan trọng nhất vẫn là con người. Sở NN&PTNT phối hợp cùng các đơn vị, tổ chức nhiều đợt tập huấn nhằm nâng cao trình độ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và vận hành cho bà con. Từ đó, người sản xuất được nâng cao kỹ năng quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận trực tiếp với khách hàng, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng để tổ chức sản xuất hiệu quả.