Lợi ích từ thị thực vàng

Khi có thị thực vàng, người nước ngoài đến Indonesia không cần phải xin giấy phép nữa.

Minh họa/INT

Hôm 3/9, Bộ Pháp luật và Nhân quyền Indonesia đã công bố thông tin chương trình “thị thực vàng” cấp phép cư trú cho người nước ngoài trong thời gian từ 5 đến 10 năm. Quy định mới đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với các quy định nhập cư trước đây của Indonesia, vốn không cấp thị thực cư trú 10 năm.

Theo kế hoạch mới, để nhận thị thực 5 năm, các nhà đầu tư cá nhân cần thành lập một công ty trị giá 2,5 triệu USD. Đối với thị thực 10 năm, họ cần phải đầu tư 5 triệu USD. Riêng các nhà đầu tư doanh nghiệp phải rót 25 triệu USD để có được thị thực 5 năm cho giám đốc và ủy viên hội đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, họ cần đầu tư gấp đôi, tương đương 50 triệu USD nếu muốn giành thị thực 10 năm.

Ngoài ra, Indonesia còn ban hành nhiều quy định khác nhau áp dụng cho các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài không có nguyện vọng thành lập công ty tại nước này. Các cá nhân cần nắm giữ 350.000 đến 700.000 USD trong các quỹ có thể được sử dụng để mua trái phiếu chính phủ Indonesia.

Khi có thị thực vàng, người nước ngoài đến Indonesia không cần phải xin giấy phép nữa.

Đối với các cá nhân tham gia, chương trình “thị thực vàng” có thể cung cấp cho họ cuộc sống tốt hơn, tạo khả năng di chuyển thuận lợi và cơ hội rời xa các vấn đề bất ổn kinh tế hoặc xung đột ở quê nhà. Ngoài ra, những người sở hữu “thị thực vàng” sẽ nhận về những lợi ích độc quyền như việc không cần phải xin giấy phép lưu trú tạm thời tại văn phòng nhập cư.

Ngay sau khi “thị thực vàng” tung ra, người đầu tiên được cấp là ông Sam Altman, Giám đốc điều hành kiêm nhà đồng sáng lập OpenAI, công ty nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Mỹ.

Ông bắt đầu nổi tiếng thế giới sau khi OpenAI ra mắt chatbot ChatGPT vào cuối năm 2022. Với thị thực vàng, ông Altman được hưởng một số đặc quyền như nhập cảnh bằng cổng ưu tiên tại sân bay, dễ dàng xuất nhập cảnh Indonesia và thời gian lưu trú dài hạn.

Nhân vật đầu tiên được cấp “thị thực vàng” cho thấy mục tiêu của Indonesia trong việc thu hút chuyên gia công nghệ và các nhà đầu tư cho lĩnh vực công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng. Điều này phù hợp với sự phát triển của chiến lược AI, do Chính phủ Indonesia phát động từ năm 2020.

Sử dụng thị thực để thu hút nhân tài cho lĩnh vực công nghệ có thể giúp Indonesia giải quyết thách thức số hóa vì nước này thiếu lực lượng lao động đủ trình độ và kỹ năng trong lĩnh vực này. Chính sách “thị thực vàng” sẽ là tiềm năng đóng góp cho lực lượng lao động của Indonesia bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kiến thức.

Đây cũng là hướng đi của nhiều quốc gia khác khi đưa vào sử dụng chính sách “thị thực vàng”. Đơn cử, năm 2019, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã áp dụng “thị thực vàng” cho các nhà đầu tư, chuyên gia trong các lĩnh vực như y tế, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học..., còn gọi là chính sách tài năng đặc biệt.

Trong những năm gần đây, UAE đã phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ, trở thành một trong những quốc gia nổi tiếng về công nghệ trong khu vực và trên thế giới. Chương trình thu hút nhân tài thế giới đã góp phần giúp UAE đạt thành tích này.

Ngoài ra, chương trình “thị thực vàng” cũng mang lại lợi ích về du lịch, lực lượng lao động, kinh tế. Điều này giúp Indonesia có thể nâng sức cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia.

Nguyễn Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/loi-ich-tu-thi-thuc-vang-post654060.html