Lợi ích từ việc xây dựng cầu cống hộp

Thời gian qua, Sở Giao thông và Vận tải, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng nhiều cầu cống hộp thay thế các tràn bắc qua suối. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí đầu tư trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông mà còn đảm bảo an toàn cho người dân khi qua suối lúc thời tiết có mưa to…

Cầu Gốc Đa nằm trên tỉnh lộ 269D theo thiết kế cống hộp được Sở Giao thông và Vận tải đầu tư, hoàn thành đầu năm 2020.

Cầu Gốc Đa nằm trên tỉnh lộ 269D theo thiết kế cống hộp được Sở Giao thông và Vận tải đầu tư, hoàn thành đầu năm 2020.

Trước đây, do nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông hạn hẹp nên tại các tuyến đường tỉnh, đường huyện thường thực hiện xây dựng tràn qua khe, suối. Việc xây dựng tràn giúp người dân đi lại thuận tiện hơn vào ngày nắng, nhưng khi thời tiết có mưa, nước suối dâng cao thì tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ông Vũ Hồng Quang, Trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng - Sở Giao thông và Vận tải cho biết: Trước đây, tại các tuyến đường thường được xây dựng tràn để qua suối, khe. Đặc điểm của tràn là thường thấp, cách mặt sông, suối chỉ khoảng hơn 1m và thấp hơn mặt đường hai bên tràn, nên thời tiết mưa to là nước dễ dâng cao, không đi qua được. Trong thực tế đã có nhiều trường hợp người dân bị nước cuốn trôi khi đi qua các tràn này. Để vừa hoàn thiện hạ tầng giao thông, vừa đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua các tràn này, khoảng gần 10 năm nay, Sở Giao thông - Vận tải đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng xây dựng cầu cống hộp. Việc ứng dụng này đã đem lại nhiều lợi ích, như: Giảm chi phí đầu tư, thời gian xây dựng nhanh. Đặc biệt, đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua vào thời gian có mưa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay trên địa bàn tỉnh đã triển khai gần 100 cầu cống hộp. Riêng năm 2018-2019, Sở Giao thông - Vận tải đã triển khai xây dựng 6 cầu cống hộp trên tuyến ĐT261 nên đã giúp việc đi lại của bà con thuận tiện hơn. Ông Trịnh Bá Sơn, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình và an toàn giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) cho biết: Việc xây dựng cầu cống hộp là lắp đặt các cống bê tông cốt thép vuông, trên mặt được đổ bê tông cốt thép, thảm nhựa nên có khả năng chịu lực rất tốt. Một cầu cống hộp được lắp đặt nhiều ống cống với nhau nên dễ dàng thoát nước và hạn chế bị mắc rác. Đặc biệt, mặt cầu cống hộp bằng với mặt đường nên đảm bảo an toàn hơn cho người tham gia giao thông vào mùa mưa lũ. Việc xây dựng cầu cống hộp sẽ giảm được khoảng 30% kinh phí đầu tư so với xây cầu cao.

Với những ưu điểm của việc xây dựng cầu cống hộp, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có mạng lưới giao thông bị chia cắt bởi sông, suối đã triển khai, khai thác hiệu quả ứng dụng xây dựng cầu cống hộp. Ông Lao Văn Thắng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư huyện Võ Nhai cho biết: Trong vòng 3 năm trở lại đây, huyện đã triển khai hàng chục dự án cầu cống hộp, như: Cầu Thịnh Khánh, xã Dân Tiến (Võ Nhai), bắc qua sông Dong; cầu Khuổi Quyết trên tuyến đường Cúc Đường - Thượng Nung, tổng cả 3 dự án này chỉ hết hơn 10 tỷ đồng, nhưng nếu thực hiện dự án xây dựng cầu cao thì phải hết hơn 20 tỷ đồng.

Dương Hưng

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/loi-ich-tu-viec-xay-dung-cau-cong-hop-271558-85.html