Lợi ích và sự can dự

Cố vấn Nhà trắng J.Kushner và một số quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump đang chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Ðông nhằm thảo luận thêm về Kế hoạch hòa bình Trung Ðông, còn gọi là 'Thỏa thuận thế kỷ', đầy tham vọng.

Mặc dù bị Palestine, một bên tham gia và là nhân tố chính trong kế hoạch hòa bình mà Mỹ phác thảo, phản đối, song Washington vẫn muốn thúc đẩy phần tiếp theo sau giải pháp kinh tế đã được đưa ra tại hội nghị Ba-ren gần đây.

Theo kế hoạch, Cố vấn Nhà trắng G.Cu-snơ, đồng thời là con rể Tổng thống D.Trump, cùng Ðặc phái viên Trung Ðông của Mỹ G.Grin-blát và một số quan chức sẽ tham gia phái đoàn công du một loạt nước Israel, Ai Cập, Gioóc-đa-ni, Ca-ta, A-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) vào tuần tới nhằm bàn thảo các bước tiếp theo sau khi Mỹ công bố gói kinh tế với kêu gọi đầu tư 50 tỷ USD trong 10 năm vào các vùng lãnh thổ của Palestine, Ai Cập, Gioóc-đa-ni và Li-băng.

Mặc dù phần kinh tế của kế hoạch đã được đưa ra, song đây được cho là cách tiếp cận không hiệu quả. Bản thân Palestine, quốc gia được Mỹ đề xuất rót vốn đầu tư, phản đối "sáng kiến" hòa bình của Washington bởi họ cho rằng, kế hoạch này đã bỏ qua nhu cầu khởi động lại quá trình đàm phán trực tiếp về toàn bộ các vấn đề then chốt, trong đó có việc thiết lập một nhà nước Palestine độc lập theo các đường biên giới năm 1967 với thủ đô là Ðông Jerusalem. Nguyên tắc chủ chốt để thiết lập hai nhà nước cho hai dân tộc vẫn là cơ sở duy nhất làm nền tảng cho một tương lai ổn định và hòa bình giữa người Israel và Palestine. Nghĩa là tiến trình hòa bình Trung Ðông cần một giải pháp chính trị toàn diện được cả hai phía xung đột chấp thuận.

Bất chấp sự phản đối quyết liệt từ Palestine đối với bản kế hoạch, chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump tiếp tục bảo vệ quan điểm riêng. Tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ðặc phái viên Mỹ về Trung Ðông G.Grin-blát cho rằng, cuộc xung đột giữa Israel và Palestine không giải quyết được bằng "sự đồng thuận quốc tế" mà chỉ bằng đàm phán trực tiếp giữa hai bên.

Phát biểu này đi ngược lại quan điểm của các nước thành viên khác trong Hội đồng Bảo an và nhiều nước đã lên tiếng chỉ trích, trong đó có cả các đồng minh châu Âu của Mỹ. Ðức cho rằng, chính Mỹ đã từ bỏ sự đồng thuận quốc tế, đồng thời chỉ trích những phát biểu của ông Grin-blát về các nghị quyết của Liên hợp quốc. Cả ba nước Anh, Pháp, Ðức đều khẳng định cam kết theo đuổi những biện pháp đã được cộng đồng quốc tế nhất trí đối với giải pháp hai nhà nước cho tiến trình hòa bình Trung Ðông.

Kể từ sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ D.Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán về "vùng thánh địa" đầy nhạy cảm này, Palestine đã bác bỏ vai trò trung gian của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Ðông. Hồi tháng 8-2018, Washington cũng đã thông báo chấm dứt mọi tài trợ của Mỹ dành cho Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA), khiến tổ chức này phải dựa vào các khoản tiền bổ sung từ các nước thành viên và các khoản tiết kiệm nội bộ để bù đắp 446 triệu USD trong tổng ngân sách 1,2 tỷ USD. Việc chính quyền Tổng thống D.Trump tiếp tục thúc đẩy "thỏa thuận thế kỷ" được cho là nằm trong những tính toán lợi ích nhằm tiếp tục sự can dự và duy trì ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Trung Ðông vốn đem lại nhiều lợi ích về dầu mỏ và các hợp đồng vũ khí lớn.

Kế hoạch về kinh tế cho Trung Ðông của Mỹ đã được công bố, song dường như chưa phát huy hiệu quả và không có tác động nào tới tiến trình hòa bình Trung Ðông. Palestine khẳng định, cánh cửa hòa bình chỉ được mở ra khi các mâu thuẫn chủ chốt giữa Palestine và Israel được giải quyết. Trong khi đó, hiện hai bên tồn tại nhiều vấn đề gai góc cần được tháo gỡ thông qua các cuộc đàm phán. Tiến trình này cần một giải pháp chính trị hơn là khía cạnh kinh tế. Có những ý kiến thậm chí còn cho rằng, việc Mỹ đưa ra các kêu gọi đầu tư vào khu Bờ Tây và dải Gaza để phục vụ những toan tính riêng nhằm đơn phương áp đặt chính sách của mình đối với Palestine. Bởi thế, mọi nỗ lực thúc đẩy "con tàu hòa bình" Trung Ðông hiện nay cần phải tuân thủ các nghị quyết của Liên hợp quốc và các sáng kiến được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Ðó là giải pháp "hai nhà nước" cùng tồn tại hòa bình.

Thanh Thủy

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40997202-loi-ich-va-su-can-du.html