Lợi ích việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Bài 2: Thêm nguồn lực cho phát triển

Sáp nhập các xã nhỏ, các xã chưa đủ tiêu chuẩn là cơ hội để tập trung nguồn lực xây dựng các xã phát triển mạnh hơn.

Lợi ích việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Bài 1: Tinh gọn bộ máy

Tận dụng cơ sở vật chất hiện có từ các xã sẽ giúp tiết kiệm được nguồn ngân sách. Trong ảnh: Trạm Y tế xã Thượng Đạt đang được hoàn thiện

Tận dụng cơ sở vật chất hiện có từ các xã sẽ giúp tiết kiệm được nguồn ngân sách. Trong ảnh: Trạm Y tế xã Thượng Đạt đang được hoàn thiện

Tranh thủ lợi thế

Chúng tôi về thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) vào một ngày cuối tháng 6, gặp Chủ tịch UBND thị trấn Lê Thọ Dương tiếp một nhà đầu tư về tìm hiểu cơ hội sản xuất cây nông nghiệp giá trị cao. Ông Dương giới thiệu với chủ đầu tư về vùng đất nông nghiệp của xã Tráng Liệt và thông tin rõ về chủ trương sẽ sáp nhập Tráng Liệt, thị trấn Kẻ Sặt. Việc sáp nhập nhằm hình thành vùng đô thị lõi của huyện. Mặc dù xét theo tiêu chí, cả 2 đơn vị đều không trong diện phải sáp nhập nhưng theo định hướng tương lai phương án sáp nhập 2 địa phương này sẽ được thực hiện. Tráng Liệt rộng hơn 2 km2 và có diện tích đất nông nghiệp lớn, kinh tế phát triển mạnh. Liền kề, thị trấn chỉ có diện tích chưa đầy 1 km2, mật độ dân số cao, kinh tế chủ yếu là dịch vụ, thương mại. Việc sáp nhập sẽ tạo cơ hội bù trừ cho nhau vì thị trấn Kẻ Sặt đang thiếu nhiều thiết chế văn hóa như sân vận động trung tâm, nhà văn hóa các khu dân cư. Trong khi đó, với nguồn lực dồi dào về đất và kinh tế, Tráng Liệt hiện đã có trụ sở khang trang, sân vận động trung tâm và đang xây dựng một hội trường trung tâm lớn. Ông Dương tin tưởng, sau sáp nhập, với giá trị hiếm có của một thị trấn cổ, của vùng công giáo yên bình và nguồn lực về đất đai từ Tráng Liệt, thị trấn Kẻ Sặt chắc chắn sẽ thêm nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, du lịch.

Tại Thượng Đạt (TP Hải Dương), bà Lê Thị Vân ở khu 1 cho biết không bất ngờ trước thông tin xã sẽ sáp nhập với An Châu vì 2 địa phương vốn có nhiều nét tương đồng trong văn hóa, sản xuất nông nghiệp. Do Thượng Đạt còn nhiều công trình như trụ sở làm việc của xã, đường trong khu, xóm chưa được làm, các trường học đều có số lớp ít nên bà Vân mong muốn sau sáp nhập, địa phương sẽ có điều kiện để phát triển nhanh hơn. Mong ước trước mắt của nhiều người dân Thượng Đạt là con đường nối 2 xã sẽ sớm được nâng cấp, mở rộng để nhân dân đi lại thuận tiện. Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Thượng Đạt cho biết việc kịp thời dừng đầu tư xây dựng trụ sở mới và tận dụng cơ sở vật chất hiện có từ 2 xã sẽ giúp tiết kiệm được nguồn ngân sách lớn và dành quỹ đất cho phát triển.

Lâu nay, tại xã Phúc Thành và Quang Trung (Kinh Môn), chợ Mông vốn là nơi giao lưu buôn bán tập trung của nhân dân cả 2 xã. Do nhu cầu phát triển, thời gian qua, chợ đã được UBND tỉnh đầu tư mở rộng diện tích đáp ứng thông thương trong vùng. Sau mở rộng, chợ nằm trên diện tích của cả Phúc Thành và Quang Trung. Tại 2xã còn có dự án Nhà máy nhiệt điện đang được triển khai xây dựng. Trước khi sáp nhập ở Phúc Thành đã có một dự án khu dân cư rộng hàng chục ha. Đây chính là nhân tố thuận lợi, tạo đà cho xã phát triển sau sáp nhập. Dù không thuộc diện phải sáp nhập nhưng để phục vụ nhiệm vụ xây dựng thị xã Kinh Môn nên 2 xã trên đã được quyết định sáp nhập nhằm tranh thủ điều kiện thuận lợi của nhau.

Với nhiều đặc trưng, thế mạnh khác nhau 53 đơn vị cấp xã trong tỉnh sẽ sáp nhập đợt này đang đứng trước cơ hội mới để "thay da đổi thịt". Tuy đối diện với nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị cấp xã trong diện sáp nhập đều đã sẵn sàng.

Tập trung nguồn lực

Việc sáp nhập và mở rộng địa giới hành chính cấp xã sẽ mở ra cơ hội giúp các đơn vị tranh thủ điều kiện, tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Một số xã thuận lợi vì vốn được tách ra từ một xã, hoặc có chung đền, đình, chùa, chợ, phong tục tập quán, tôn giáo. Có xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng cũng có xã còn thiếu các tiêu chí, còn nợ đọng do xây dựng cơ sở vật chất. Một số xã còn thiếu nhiều công trình về đường, trường, trạm... Để tạo cơ hội cho các địa phương sau sắp xếp, sáp nhập, tỉnh đã phê duyệt phương án tối ưu nhất, trong đó một số xã nhỏ có điều kiện, nguồn lực hạn chế được sáp nhập với các xã, thị trấn có điều kiện tốt hơn như xã Kim Giang sáp nhập với thị trấn Cẩm Giàng, xã Hùng Sơn với thị trấn Thanh Miện, xã Phương Hưng với thị trấn Gia Lộc...

Việc sáp nhập các xã còn tạo cơ hội hình thành nguồn quỹ đất dồi dào để thu hút đầu tư, nhân dân tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao. Sau khi sáp nhập các xã, thị trấn, các đơn vị như trường học, trạm y tế, các hội, đoàn thể cũng sáp nhập, tổ chức lại hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Điều này sẽ tạo điều kiện tốt hơn để chăm lo, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, an sinh xã hội...

TRUNG THU

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/loi-ich-viec-sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-bai-2-them-nguon-luc-cho-phat-trien-111727